Hoạt động ngân hàng

Cà Mau: Vươn lên thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng chính sách

ThS. Trần Trọng Triết 05/04/2024 - 08:33

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Cà Mau để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh… cuộc sống của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau nay đã đổi thay.

nho-nguon-von-cua-ngan-hang-chinh-sach-xa-hoi-anh-nguyen-huynh-ap-17-xa-nguyen-phich-thu-hai-tu-trai-sang-phat-trien-mo-hinh-nuoi-luon-khong-bun-luon-dang-phat-trien-tot.-2-.jpg
Cà Mau: Vươn lên thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng chính sách

Để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, ngoài trụ sở, phòng giao dịch còn mở các điểm giao dịch lưu động; đồng thời ký hợp đồng ủy thác đối với các tổ chức chính trị, xã hội và hợp đồng ủy nhiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn. Hoạt động của những “cánh tay nối dài” đang rất hiệu quả.

Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tỉnh không chỉ tích cực huy động nguồn vốn, tăng tốc chuyển tải vốn an toàn đến từng hộ dân, mà còn làm tốt vai trò quản lý vốn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, trả nợ, trả lãi ngân hàng đầy đủ, đúng hạn…

Đáng chú ý, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phủ kín 100% xã, phường, thị trấn và 100% khóm, ấp với trên 2.600 tổ tiết kiệm và vay vốn, chuyển tải đầy đủ, kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, đã hỗ trợ thiết thực, giúp đỡ nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương trong tỉnh từng bước ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Thanh Ðồng, Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Cà Mau chia sẻ: tín dụng chính sách luôn được các cấp, các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện, nhất là đối với người nghèo.

Hiện nay, nguồn vốn cho vay của NHCSXH trên địa bàn tỉnh được chuyển tải phủ khắp đến 100% xã, phường, thị trấn, nhằm phục vụ và tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách ưu đãi một cách thuận lợi, kịp thời và đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng phù hợp nhu cầu vốn.

Đến nay, tổng doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh đạt 1.082 tỷ đồng, với hơn 32.800 lượt khách hàng được vay vốn. Trong đó, doanh số cho vay đối với đối tượng thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia: về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đạt 513 tỷ đồng (chiếm 47% doanh số cho vay).

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, anh Nguyễn Huynh, Ấp 17, xã Nguyễn Phích được vay vốn đã đầu tư mô hình nuôi lươn không bùn. Anh chia sẻ: “Ðược hỗ trợ vay vốn từ NHCSXH huyện với số tiền là 40 triệu đồng, cùng tiền tích luỹ 20 triệu đồng, tôi đầu tư nuôi lươn không bùn với trên 1 ngàn con. Hiện tại, lươn đang phát triển tốt. Tôi mong muốn tới đây sẽ nhân rộng mô hình này và làm thêm mô hình nuôi cá chình. Cũng rất mong được NHCSXH huyện và cấp trên sẽ hỗ trợ cho tôi thêm nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình”.

Với sự tài trợ toàn diện từ vốn, cơ chế, cùng với tư duy dám nghĩ, dám làm của những người nghèo muốn thoát nghèo, đã có nhiều hộ vươn lên ổn định cuộc sống, kinh tế phát triển hơn. Cùng với các hội, đoàn thể tỉnh đã làm tốt công tác uỷ thác vốn vay từ NHCSXH, trở thành cầu nối quan trọng khi mang nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Từ đó, nhiều gia đình đã có vốn đầu tư và phát triển trồng trọt, chăn nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong năm 2024, NHCSXH chi nhánh Cà Mau tiếp tục tập trung đẩy mạnh cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi để hỗ trợ người dân trên địa bàn phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm… để nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhất là các chương trình như cho vay nhà ở đối với hộ thuộc diện giải toả đền bù, chương trình này trong năm 2023 vẫn còn dư vốn chưa được giải ngân.

Tiếp đó, là các chương trình tín dụng mới như triển khai cho vay hoàn lương theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù; Cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đối với đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình của thành phố; Cho vay công chức viên chức và người lao động có hoàn cảnh khó khăn… Đặc biệt, triển khai cho vay đối với sinh viên theo học tại các trường đại học đối với lĩnh vực khuyến khích, như: trí tuệ nhân tạo, vi mạnh, bán dẫn…

Những năm qua, hoạt động của NHCSXH trên địa bàn đã góp phần cùng với địa phương ngăn chặn việc cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống đáng kể; từ đó, góp phần chung tay trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện hiệu quả chủ trương của Ðảng và Nhà nước, thực sự “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” bằng những hành động cụ thể, thiết thực qua việc chuyển tải dòng chảy vốn tín dụng chính sách đi vào cuộc sống và đến người dân một cách kịp thời. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm dần qua từng giai đoạn.

Ðể nâng cao hơn nữa hiệu quả của chương trình giảm nghèo, thời gian tới, tỉnh Cà Mau tiếp tục tập trung ưu tiên các nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động tự vươn lên thoát nghèo của người dân, vận động để thay đổi suy nghĩ, cách làm, thói quen của bà con theo hướng “bắt tay, chỉ việc” giúp họ tự tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống.

ThS. Trần Trọng Triết