Nhìn ra thế giới

Đồng yên tăng mạnh sau loạt diễn biến địa chính trị

Đăng Tuấn 05/04/2024 - 14:31

Tuy nhiên tính từ đầu năm đến nay, đồng yên vẫn là đồng tiền yếu nhất trong nhóm đồng nội tệ của các nước phát triển, chịu ảnh hưởng nhiều bởi sự chênh lệch lãi suất.

yenbloomberg1.jpg
Ảnh: Bloomberg

Đồng yên tăng mạnh nhất trong vòng 1 tháng trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông leo thang khiến cho nhiều nhà đầu tư bán mạnh các tài sản rủi ro.

Trên thị trường New York, đồng yên tăng khoảng 0,3% giá trị trong phiên gần nhất, đây là mức tăng mạnh nhất của đồng yên tính từ ngày 8/3/2024.

Ở mức chốt phiên, đồng yên giao dịch với đồng USD ở mức 151,22 yên/USD. Khi tâm lý ngại rủi ro của nhà đầu tư gia tăng, đồng yên tăng giá cùng với trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ và giá dầu còn thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh.

“Bạn đang chứng kiến nhiều tài sản an toàn bao gồm trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, đồng fran Thụy Sỹ và đồng yên đều tăng mạnh trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng tại khu vực Trung Đông”, giám đốc bộ phận thu nhập cố định và chiến lược tiền tệ tại quỹ Amundi (Mỹ) – ông Paresh Upadhyaya phân tích.

Các tài sản an toàn hiện cũng đang tăng giá trước thềm báo cáo thị trường việc làm quan trọng của Mỹ được công bố ngày thứ Sáu tuần này (ngày 5/4). Thông tin từ báo cáo này được dự báo sẽ có thể làm gia tăng bất ổn và những yếu tố bất định liên quan đến thời điểm FED nới lỏng chính sách tiền tệ.

Số liệu về thị trường lao động Mỹ công bố ngày hôm nay dự kiến sẽ cho thấy ước tính thêm 200.000 người đã có việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp Mỹ trong tháng 3/2024. Dù rằng con số này vẫn thấp hơn so với mức đỉnh thiết lập trong vài năm qua, nó vẫn cho thấy thị trường việc làm Mỹ tăng trưởng tốt, đồng thời nó tạo ra đồn đoán về việc FED sẽ trì hoãn cắt giảm lãi suất cho đến nửa sau năm 2024.

“Thị trường đang ngày một lo lắng trước thềm báo cáo thị trường việc làm, biến động cũng vì vậy đang gia tăng”, trưởng bộ phận FX tại Jefferies Financial Group – ông Brad Bechtel phân tích.

Tuy nhiên tính từ đầu năm đến nay, đồng yên vẫn là đồng tiền yếu nhất trong nhóm đồng nội tệ của các nước phát triển, chịu ảnh hưởng nhiều bởi sự chênh lệch lãi suất. Trong tháng trước, đồng yên hạ giá xuống ngưỡng thấp nhất trong 34 năm, giao dịch với đồng USD ở mức 152 yên/USD, ngưỡng mà nhiều thành viên thị trường cho rằng sẽ khiến cho giới chức Nhật buộc phải can thiệp để hỗ trợ.

Trong quý IV/2023, kinh tế Nhật tăng trưởng âm. Nguyên nhân chính khiến kinh tế Nhật suy giảm là nhu cầu trong nước suy yếu tại tất cả các lĩnh vực, bao gồm tiêu dùng tư nhân. Chỉ có nhu cầu bên ngoài - thể hiện qua giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ - có đóng góp dương vào tăng trưởng GDP.

Tiêu dùng tư nhân, lĩnh vực chiếm khoảng một nửa nền kinh tế Nhật Bản, ghi nhận mức giảm hàng năm 0,9% trong quý IV do người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh giá thực phẩm, xăng dầu và nhiều mặt hàng khác tăng. Đây là quý thứ ba liên tiếp tiêu dùng ở đất nước mặt trời mọc đi xuống.

Nhật Bản nhập khẩu 94% năng lượng cơ bản mà nước này tiêu thụ. Đối với nhu cầu lương thực - thực phẩm, tỷ trọng được đáp ứng thông qua nhập khẩu là 63%. Chính vì thế, khi đồng yên mất giá, chi phí nhập khẩu của nước này tăng mạnh, đẩy sinh hoạt phí lên cao. Năm nay, đồng yên đã mất giá 6,6% so với USD, trở thành đồng tiền giảm giá mạnh nhất trong số 10 đồng tiền của các nước công nghiệp phát triển.

Đăng Tuấn