Hoạt động ngân hàng

Đồng Tháp: Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 70%

ThS. Trần Trọng Triết {Ngày xuất bản}

Nhằm nỗ lực kích cầu tín dụng, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã triển khai, thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân sản xuất kinh doanh; đặc biệt hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên mà kinh tế địa phương có thế mạnh như kinh tế nông nghiệp, xuất khẩu, tiêu dùng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.

mo-hinh-trong-lua-nuoi-vit-tru-ca-dong-cua-anh-nguyen-van-vuong-ap-phu-tho-b-xa-phu-tho-huyen-tam-nong..jpg
Đồng Tháp: Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 70%

Ông Vương Trí Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến cuối tháng 3/2024, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt khoảng 67.950 tỷ đồng; và tổng dư nợ cho vay ước đạt khoảng 106.931 tỷ đồng, tăng thêm khoảng gần 100 tỷ đồng so với cuối năm ngoái, tương đương tăng trưởng xấp xỉ 0,1%.

Lĩnh vực được giải ngân cho vay nhiều nhất là lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó: cho vay nuôi trồng chế biến thủy sản dư nợ đạt khoảng 13.151 tỷ đồng; cho vay ngành lúa gạo đạt khoảng 14.057 tỷ đồng; cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ 12.362 tỷ đồng...

Đặc biệt, thời gian qua, đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã thu hút được các tổ chức tín dụng trên địa bàn tham gia. Đến nay, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 70% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 70 nghìn tỷ đồng, tăng 2,61 lần so với cuối năm 2015, với 272.405 khách hàng còn dư nợ; tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 là 13,94%, giai đoạn 2016 -2023 là 12,81%.

Riêng đối với ngành hàng thủy sản, lúa gạo có mức tăng trưởng tốt, cho vay thủy sản có tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2016-2018 là 6,64%, giai đoạn 2016-2023 là 7,62%; đặc biệt ngành hàng lúa gạo có tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2016-2018 là 13,90%, giai đoạn 2016-2023 là 19,74%, cao hơn tăng trưởng tín dụng bình quân lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và cao hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn tỉnh. Cụ thể đến nay, dư nợ lúa gạo trên địa bàn đạt 13.383 tỷ đồng và là tỉnh có dư nợ lúa gạo đứng thứ 4 so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).​

Song, bên cạnh những thuận lợi, việc cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh còn nhiều rủi ro do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, giá cả, thị trường tiêu thụ... Do vậy, khi có rủi ro xảy ra khách hàng không có nguồn thu để trả nợ ngân hàng.

Bên cạnh đó, thị trường đầu ra không bảo đảm, giá cả bấp bênh, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn còn diễn ra, chất lượng nông sản hàng hóa cạnh tranh chưa cao, hiệu quả sử dụng đồng vốn còn thấp nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư.

Cùng với đó, cơ chế định giá tài sản bảo đảm tiền vay còn thấp, hoặc do đặc thù chính sách cho vay của từng ngân hàng, một số chi nhánh ngân hàng thương mại còn chú trọng tài sản bảo đảm tiền vay trong quá trình cấp tín dụng, xem đây là điều kiện tiên quyết khi quyết định cấp tín dụng.

Đối với các gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, hiện các ngân hàng tại Đồng Tháp đã giải ngân cho vay 45 tỷ đồng đối với gói tín dụng 15.000 tỷ đồng (cho vay các doanh nghiệp lâm sản, thủy sản). Các ngân hàng cũng đã làm việc với Công ty CP Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex II để nắm bắt tình hình nhằm triển khai cho vay ưu đãi khi gói tín dụng này được mở rộng hạn mức lên 30.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã nhằm triển khai thực hiện đúng quy định pháp luật, nhất là đối với việc hỗ trợ đầu tư và bảo lãnh tín dụng hợp tác xã; ban hành hướng dẫn đánh giá tài sản hình thành trên đất, nhất là đối với hợp tác xã (HTX)…

Được biết, Đồng Tháp hướng đến nền nông nghiệp bền vững, tỉnh xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thuận thiên không chỉ giải quyết bài toán về kinh tế mà còn là sự đầu tư cho tương lai trên tinh thần thích nghi, đảm bảo sự hài hòa giữa con người với tự nhiên...

Trên hành trình đó, Đồng Tháp triển khai, nhân rộng trên 30 mô hình sản xuất nông nghiệp thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp tại các huyện, thành phố.

Thời gian qua, mô hình sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP tại HTX Nông nghiệp Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông với quy mô 81,5ha/28 hộ mang lại nhiều hiệu quả cho bà con nông dân. Theo đó, lợi nhuận từ mô hình cao hơn khoảng trên 3,6 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất thông thường. Giảm phát thải khí nhà kính khoảng 1 tấn/ha/năm, hạn chế ô nhiễm môi trường; giảm lượng phân hóa học từ 10- 20%; giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật khoảng 10%; rơm rạ được xử lý bằng nấm Trhichoderma spp để phân hủy nhanh trả lại dinh dưỡng cho đất.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ, tuần hoàn gắn với truy xuất nguồn gốc thực hiện tại HTX Nông nghiệp Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông và xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười với tổng diện tích 14ha mang lại lợi nhuận cao hơn so với sản xuất thông thường.

Với mục tiêu thiết lập và duy trì kênh trao đổi thông tin kịp thời, thiết thực, hiệu quả giữa chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời hỗ trợ và giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn nhờ đó mà môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cải thiện, chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, nhất là chỉ số PCI của Đồng Tháp liên tục nhiều năm liền được xếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh chính quyền thân thiện, năng động, sáng tạo và tạo dựng niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài địa phương.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 114 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 535 tỷ đồng và phấn đấu trong năm 2024 toàn tỉnh có ít nhất 600 doanh nghiệp thành lập mới, góp phần thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 02 đã đề ra.

Nhờ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lĩnh vực kinh tế tập thể của tỉnh cũng phát triển, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có thêm 11 HTX được thành lập mới. Từ đó, nâng tổng số HTX trên địa bàn tỉnh là 238 HTX và gần 150 Hội quán với trên 7.640 thành viên.

ThS. Trần Trọng Triết