Chứng khoán

VN-Index giảm phiên thứ 4 liên tiếp về 1.250 điểm

Mai Hương 08/04/2024 - 16:40

Lực bán ra vẫn còn tồn đọng trong phiên đầu tuần dù cho các cổ phiếu Ngân hàng đã nhen nhóm một số mã hồi phục. Nhà đầu tư mang tâm lý muốn bảo toàn danh mục đã khiến cho một số cổ phiếu Midcap giảm khá sâu.

screenshot-2024-04-08-154244.png

Định vị thị trường

Phiên bật lên của chứng khoán Mỹ vào cuối tuần trước chỉ hỗ trợ cho các chỉ số NIKKEI 225 (+0,91%), KOSPI (+0,13%),TWSE (+0,39%) tăng điểm vào đầu tuần. Trong khi đó, thị trường Việt Nam đã không thể triệt tiêu được nỗi lo của nhà đầu tư trong nước. Một số thời điểm VN-Index đã có nỗ lực đảo chiều nhưng không thành công, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu Midcap còn chịu áp lực bán khá mạnh.

Chất xúc tác

Các biến số về tỷ giá, hoạt động bán ròng của khối ngoại đã khơi dậy lo lắng của nhà đầu tư trong thời gian qua. Tuy nhiên, vận động gần đây đã tạm thời ghi nhận sự chậm lại. Tỷ giá tự do hiện vẫn dao động quanh mức 25.500 VND/USD trong khi đó tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục công bố trên 24.000 VND/USD.

Tuần vừa qua, NHNN bơm ròng 6.865,53 tỷ đồng ra thị trường bằng kênh thị trường mở. Khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành tăng lên mức 172.798,8 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 8.465,53 tỷ đồng.

3ex-2024-04-08.png

Với nhà đầu tư nước ngoài, sau 2 phiên mua ròng, khối này quay lại bán ròng với quy mô không quá lớn trên HOSE (-154 tỷ đồng). Các mã bị bán ròng nhiều nhất là VHM (-283 tỷ đồng), VRE (-122 tỷ đồng), FUESSVFL (-120 tỷ đồng) bị bán ròng nhiều nhất.

Tuy nhiên, ngoài 2 biến số trên, sự chú ý cũng đang phần nào dành cho các vận động của thị trường trước khi phiên đáo hạn phái sinh diễn ra vào ngày 17/4. Thông thường, các cổ phiếu lớn vẫn tỏ ra khó lường trong giai đoạn này nên dòng tiền càng có chiều hướng thận trọng hơn. Mức khớp lệnh của HOSE đã hụt xuống dưới bình quân 20 phiên, đạt 790 triệu đơn vị.

Vận động thị trường

Sau nhịp giật xuống trong phiên ATC ngày thứ Sáu tuần trước, nhà đầu tư đã mất đi khá nhiều sự tự tin. Trong phiên đầu tuần, dù cho một số cổ phiếu Ngân hàng như HDB (+2,4%), BID (+1,2%), CTG (+0,9%), TCB (+0,7%) có nỗ lực hồi phục cũng chưa đủ sự khích lệ về mặt tâm lý.

Trong một số thời điểm, VN30 đã kéo chỉ số VN-Index tăng điểm nhưng nhiều cổ phiếu ở nhóm Midcap vẫn bị bán ra như DCM (-2,33%), DGC (-3,09%), EVF (-6,6%), DGW (-4,08%), FRT (-3,45%), DRC (-4,57%), CTR (-3,93%), CMG (-4,76%), VSC (-2,86%), BSI (-5,3%), ELC (-3,89%), SIP (-4,37%)…. Cá biệt, một số mã còn giảm sàn như TV2, GIL, VTP khi có lực bán ra quyết liệt từ nhóm nhà đầu tư muốn chốt lời.

Nếu như các tín hiệu phát đi từ các cổ phiếu lớn đủ thuyết phục, lực bán có thể đã bớt tạo ra những áp lực lên thị trường. Tuy nhiên, bản thân nhóm Ngân hàng cũng chưa đạt được sự đồng thuận khi còn nhiều mã "dậm chân tại chỗ" như OCB (0%), ACB (0%), VIB (0%) hay một số mã giảm giá như STB (-2%), SHB (-0,4%), VPB (-0,3%).

Ngoài ra, các mã lớn như VRE (-4,5%), MWG (-2%), GAS (-1,4%), SAB (-1,4%), VNM (-1,3%), BCM (-1%), FPT (-1%) cũng tạo thêm sự căng thẳng với trạng thái giảm giá.

VN-Index chốt phiên giao dịch giảm 4,76 điểm (-0,38%) xuống 1.250,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn sàn đạt 873 triệu đơn vị, tương đương 20.342 tỷ đồng.

2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều giảm điểm, lần lượt mất 1,6 điểm (-0,67%) và 0,12 điểm (-0,13%). Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt gần 3.000 tỷ đồng.

Mai Hương