Cần Thơ: Hệ thống ngân hàng đẩy mạnh công tác thanh toán số
Hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP. Cần Thơ đã xác định công tác chuyển đổi số mang lại những lợi ích to lớn cho ngành Ngân hàng, bao gồm tăng cường hiệu quả, minh bạch và đảm bảo an toàn trong giao dịch. Hơn nữa, chuyển đổi số còn mở ra cơ hội cạnh tranh mới, giúp các ngân hàng tăng trưởng kinh doanh bền vững hơn, nâng cao vị thế của mình trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức.
Chính vì vậy, các ngân hàng trên địa bàn tập trung triển khai 3 nhóm nhiệm vụ lớn, gồm: đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; chuyển đổi số; đẩy mạnh triển khai Đề án 06.
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử đạt được các mục tiêu, chính quyền TP. Cần Thơ yêu cầu các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương cùng hệ thống ngân hàng trên địa bàn đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, thanh toán điện tử, nhất là thanh toán các dịch vụ công (chi trả điện, nước, y tế, thuế, tiền lương, chi trả bảo hiểm, chi trả lương hưu…) để việc tiêu dùng không tiền mặt dần trở thành thói quen của người dân trong xã hội.
Nhờ tích cực triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt, công tác phát triển hạ tầng thanh toán của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP. Cần Thơ đã góp phần tăng tính thuận tiện cho người sử dụng, đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế. Đặc biệt là đẩy mạnh các hình thức tuyến phố không dùng tiền mặt, Chợ 4.0, thanh toán không chạm…
Điển hình thanh toán không dùng tiền mặt đã được triển khai ở huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ bằng mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” tại Trung tâm Thương mại huyện Vĩnh Thạnh, với trên 60 quầy sạp của tiểu thương kinh doanh hàng hóa các loại.
Hiệu quả và tiềm năng từ việc phát triển Trung tâm Thương mại Vĩnh Thạnh thành điểm thanh toán Chợ 4.0 đã và đang tạo đà để nhân rộng mô hình này ra nhiều lĩnh vực trong huyện. Qua đó, góp phần từng bước hiện thực hóa sứ mệnh phổ cập tài chính số và “Kiến tạo số mới” thông minh hơn, hiện đại hơn.
Anh Vũ Hoàng Long, chủ cửa hàng bách hóa Diệu Hường ở Trung tâm thương mại Vĩnh Thạnh, chia sẻ: “Từ khi mô hình triển khai thực hiện, cửa hàng đã cài đặt và sử dụng Viettel Money nhiều tháng nay. Những ngày đầu do ít người biết nên số lượng khách hàng thanh toán không nhiều, nhưng hiện tại mỗi ngày cửa hàng có trên 20-30 lượt giao dịch qua mã QR. Ðặc biệt, qua thời gian sử dụng tôi thấy thanh toán rất nhanh, mỗi lần giao dịch chỉ mất vài phút. Mình cũng không cần chuẩn bị tiền lẻ để trả cho khách. Tôi nghĩ thời gian tới phương thức thanh toán này sẽ ngày càng phổ biến hơn”.
Theo thống kê từ ngành Kinh tế huyện Vĩnh Thạnh, đến thời điểm hiện tại, ngoài việc người dân sử dụng dịch vụ E-Banking của hệ thống ngân hàng, toàn huyện còn có khoảng 6.307 tài khoản Mobile-Money đang hoạt động, được cung cấp bởi các nhà mạng viễn thông như Viettel, VNPT và MobiFone…
Với lợi thế về hạ tầng thông tin di động băng rộng đã phủ kín địa bàn huyện, hướng tới huyện tiếp tục phát triển về lĩnh vực tài chính số, do đó Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện sẽ tiếp tục chủ động thực hiện công tác tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia mạnh mẽ việc ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt qua nền tảng số. Ðồng thời nhân rộng mô hình Chợ 4.0 tại Trung tâm Thương mại huyện đến các khu chợ cấp xã, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong cung cấp dịch vụ công, thanh toán viện phí, học phí...
Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Cần Thơ cho biết, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, ngân hàng tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tập trung triển khai ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; chuyển đổi số; đẩy mạnh triển khai Đề án 06. Trong đó, chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán trong ngân hàng để phòng chống rửa tiền. Phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ ngân hàng và hoạt động ATM, quyết tâm đẩy mạnh hoạt động thanh toán trên địa bàn.
Đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện mở tài khoản giao dịch thanh toán cho 2.604.412 người, trong đó 1.620.932 người có thường trú trên địa bàn TP. Cần Thơ có tài khoản giao dịch đang còn hoạt động tại ngân hàng.
Số lượng máy ATM là 413 máy, số lượng POS/EFTPOS/EDC là 8.263 chiếc, số lượng đơn vị chấp nhận thẻ năm 2023 là 6.179 đơn vị.
Tuy có tốc độ tăng trưởng khá nhanh về số lượng tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng việc phát sinh giao dịch thanh toán vẫn còn hạn chế do người dân chưa quen thao tác và thói quen dùng tiền mặt.
Thời gian tới, các ngành chức năng thành phố cũng như đơn vị cung cấp dịch vụ cần có thêm nhiều chính sách để phát triển dịch vụ, theo đó tăng cường các giải pháp về kích cầu sử dụng dịch vụ, có thêm nhiều chính sách ưu đãi trong thanh toán không dùng tiền mặt để người dân tích cực tham gia…