Doanh nhân

Ông Trần Đình Long: “Việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu không có nghĩa là giá nguyên liệu sẽ tăng”

Đinh Thơm 11/04/2024 - 14:31

“Áp thuế chống bán phá giá không có nghĩa sẽ khiến giá bán bị đẩy lên cao. Chưa biết chừng, khi có thuế chống bán phá giá thì ngành tôn mạ sẽ tốt hơn, giá cả ổn định hơn”, Chủ tịch Hòa Phát khẳng định.

cff534cf6b78c4269d69(1).jpg
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát

Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến việc Hòa Phát và Formosa gửi đơn yêu cầu khởi xướng điều tra thép cuộn cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 diễn ra sáng nay (ngày 11/4), ông Trần Đình Long cho biết, căn cứ vào số liệu cho thấy lượng thép HRC nhập khẩu từ nước ngoài lớn hơn lượng HRC sản xuất trong nước, các doanh nghiệp trong nước mới có hồ sơ gửi Cục Phòng vệ thương mại yêu cầu khởi xướng điều tra chống bán phá giá. Đây là điều rất thông thường. Đơn của Hòa Phát đang được Cục Phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương thẩm định.

“Chúng ta nên có quan điểm ủng hộ ngành sản xuất trong nước, không thể chấp nhận hàng hoá nước ngoài nhiều hơn sản xuất trong nước. Không một nước nào chấp nhận lượng thép nhập khẩu nhiều hơn nội địa. 30 năm trước chúng ta chưa có tên trên bản đồ thép thế giới nhưng hiện tại đã lớn nhất Đông Nam Á. Do đó, cần có nhìn nhận ủng hộ thép trong nước”, ông Long nói.

Ông dẫn chứng thêm, tính riêng quý I/2024, Hòa Phát và Formosa sản xuất 2 triệu tấn thép, trong khi nhập khẩu tới 3 triệu tấn, riêng nhập từ Trung Quốc khoảng 2,3 triệu tấn.

Năm 2023, sản xuất thép của Hòa Phát và Formosa là 6,7 triệu tấn, nhưng nhập khẩu là 9,6 triệu tấn. Trong khi đó, tại các nước phát triển như Mỹ chỉ chấp nhận nhập khẩu 10% để bảo vệ sản xuất trong nước.

“Tuy nhiên, công bằng mà nói, cá nhân tôi thấy rằng, việc nhóm tôn mạ lo lắng là chính đáng. Bản thân họ quá lo lắng thì thường suy nghĩ chưa thấu đáo. Tất cả những lý luận của các đơn vị nhập khẩu theo như họ nói đều đúng hết, nếu không có vấn đề gì thì tại sao họ rất sợ”, ông Long đặt vấn đề và nói thêm: “không có lý do gì Hòa Phát bỏ ra 7 tỷ USD mà không được bảo vệ, thà chúng tôi đi đầu tư bất động sản còn hơn”.

Cũng theo Chủ tịch Hòa Phát, khởi xướng điều tra không có nghĩa là giá nguyên liệu tăng lên. Hiện, Hòa Phát và Formosa chỉ khởi kiện một vài công ty Trung Quốc bán phá giá chứ không phải tất cả. Trước đó, xung quanh Việt Nam đã có nhiều nước khởi kiện một số công ty Trung Quốc bán phá giá.

“Chưa biết chừng khi có thuế chống bán phá giá này thì ngành tôn mạ sẽ tốt hơn, thậm chí ổn định hơn, giá cả sẽ tốt hơn, không phải vì chống bán phá giá mà tăng giá”, ông Long nói.

Cuối cùng ông khẳng định quan điểm của Hòa Phát là phải đợi điều tra rõ ràng và tin tưởng các bộ, ban, ngành sẽ ủng hộ sản xuất trong nước. “Chân lý chỉ có một. Việc họ có bán phá giá hay không hãy để các cơ quan ban ngành đưa ra kết luận, chúng tôi không bình luận gì”, ông Long nói.

Theo ông Long, việc áp thuế chống bán giá có thể diễn ra vào cuối năm 2025 đầu năm 2026. Hiện nay sản lượng tiêu thụ thép trong nước đang là khoảng 12 triệu tấn/năm. Hòa Phát và các công ty thép trong nước tự tin có thể lo được hết lượng cầu thép nếu nguồn cung Trung Quốc hụt đi.

Cũng tại đại hội, chia sẻ về kế hoạch tiêu thụ HRC khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động, bao nhiêu xuất khẩu, bao nhiêu tiêu thụ trong nước, cạnh tranh ra sao với HRC Trung Quốc, ông Long cho hay, thời gian vừa qua thép Trung Quốc tràn vào như thế nhưng Hòa Phát vẫn bán được hết hàng. Nếu không bán hết thì sẽ dành một phần cho xuất khẩu. Hòa Phát tự tin sẽ vẫn có cách riêng để tiêu thụ được sản phẩm, nhất là cạnh tranh bằng chất lượng.

“Tôi cũng muốn báo tin mừng là chính các đơn vị sản xuất tôn mạ xuất khẩu ra nước ngoài, yêu cầu phải có xuất xứ sản phẩm từ Việt Nam nên sản phẩm của Hòa Phát hay Formosa vẫn có thể bán được. Nhiều đơn vị dù muốn hay không vẫn phải mua sản phẩm của Hòa Phát hay Formosa”, ông Long nói và khẳng định Hòa Phát sản xuất được thì bằng mọi cách sẽ phải bán hết hàng.

Liên quan đến vụ Hòa Phát và Formosa gửi hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ, ngày 9/4, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, sau khi xem xét hồ sơ yêu cầu điều tra của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, căn cứ quy định tại Điều 28 và Điều 30 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại đã có thông báo đề nghị các doanh nghiệp nộp hồ sơ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hồ sơ để làm rõ các nội dung, thông tin có liên quan đến cáo buộc về hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp khác có liên quan bày tỏ sự quan tâm về khả năng khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Thông tin về quy trình tiếp theo liên quan đến vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, sau khi các doanh nghiệp sản xuất trong nước nộp bổ sung thông tin, hồ sơ theo yêu cầu, Cục Phòng vệ thương mại sẽ xem xét hồ sơ căn cứ trên các quy định của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 10/2018/NĐ-CP.

Trường hợp hồ sơ cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thiện và nộp tới Cục Phòng vệ thương mại.

Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, Cục Phòng vệ thương mại sẽ có 45 ngày để thẩm định chi tiết nội dung hồ sơ về các cáo buộc liên quan đến hành vi bán phá giá, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả để làm cơ sở quyết định điều tra hoặc không điều tra vụ việc. Trong quá trình thẩm định, Cục Phòng vệ thương mại sẽ xem xét, đánh giá kỹ lưỡng và khách quan các thông tin theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, khi có thông tin 2 doanh nghiệp trong nước (CTCP Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh) gửi hồ sơ đến Cục Phòng vệ thương mại yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC có nguồn gốc từ Trung Quốc, một nhóm các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép trong nước đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội thép Việt Nam nêu các lập luận phản bác những lý do đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá mà Hòa Phát đưa ra. Các doanh nghiệp này cũng bày tỏ quan ngại về những tác động tiêu cực nếu Việt Nam quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đinh Thơm