Tín dụng ngân hàng Trung Quốc cung ứng cho nền kinh tế trong quý I/2024 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái
Theo truyền thống, tháng 3 là tháng có nhu cầu tài chính mạnh mẽ ở Trung Quốc, tuy nhiên, những “cơn gió ngược” về kinh tế, bao gồm cả sự suy giảm thị trường bất động sản kéo dài, đã làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, dẫn đến nhu cầu vay yếu hơn.
Các tổ chức tài chính của Trung Quốc đã cung cấp lượng tín dụng nhỏ hơn trong quý đầu của năm nay so với năm trước đó, cho thấy nhu cầu vay vốn từ các doanh nghiệp và hộ gia đình vẫn tiếp tục yếu.
Tổng tài trợ vốn toàn xã hội, thước đo tín dụng rộng hơn bao gồm cả vốn do tổ chức phi ngân hàng cung ứng, đạt mức 12,93 nghìn tỷ Nhân dân tệ (1,787 nghìn tỷ USD) trong quý I/2024, giảm 1,61 nghìn tỷ Nhân dân tệ so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố hôm thứ Sáu (12/4). Trong khi đó, các khoản vay mới bằng đồng Nhân dân tệ do các ngân hàng ở Trung Quốc phát hành là 9,46 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong 3 tháng đầu năm nay.
Tính toán của The Wall Street Journal cho thấy, tổng tài trợ vốn toàn xã hội của Trung Quốc ở mức 4,87 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong tháng 3 trong khi các khoản vay mới bằng đồng Nhân dân tệ ở mức 3,09 nghìn tỷ, thấp hơn mức 3,5 nghìn tỷ mà các nhà kinh tế được Journal khảo sát trước đó mong đợi.
Theo truyền thống, tháng 3 là tháng có nhu cầu tài chính mạnh mẽ ở Trung Quốc khi các tổ chức cho vay cạnh tranh để giành được khách hàng để có thể đạt được mục tiêu cho vay hàng quý. Tuy nhiên, những “cơn gió ngược” về kinh tế, bao gồm cả sự suy giảm thị trường bất động sản kéo dài, đã làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, dẫn đến nhu cầu vay yếu hơn.
Cung tiền M2 của Trung Quốc trong tháng 3 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức 8,7% được ghi nhận trong tháng 2 và được dự đoán bởi các nhà kinh tế được The Wall Street Journal thăm dò ý kiến. Điều này cũng đánh dấu sự mở rộng về tổng giá trị tiền tệ lưu thông trong nền kinh tế chậm nhất kể từ tháng 9/2023.
Các nhà kinh tế tại Capital Economics cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng rằng dữ liệu tín dụng yếu làm tăng thêm khả năng PBOC cắt giảm lãi suất chính sách hơn nữa. Họ cũng kỳ vọng rằng việc nới lỏng tài chính của Trung Quốc - được quyết định trong phiên họp lập pháp vào tháng 3 - sẽ thúc đẩy việc phát hành trái phiếu chính phủ trong những tháng tới, có thể thúc đẩy thước đo tăng trưởng tín dụng của PBOC.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế của CE cho biết: “Do nhu cầu tín dụng tư nhân liên tục yếu nên bất kỳ sự phục hồi nào cũng sẽ khiêm tốn và tồn tại trong thời gian ngắn, trừ khi PBOC chuyển sang cách tiếp cận tích cực hơn”. Các chuyên gia này nói thêm: “Không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó sẽ xảy ra - và áp lực hiện tại đối với đồng Nhân dân tệ khiến việc cắt giảm lãi suất mạnh tay thậm chí khó xảy ra”.
Hồi tháng 3 vừa rồi, Chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch phát hành 139 tỷ USD trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn trong năm nay, đây là một công cụ quản lý khủng hoảng và sẽ trở thành nguồn tài trợ thường xuyên khi các nhà hoạch định chính sách tìm cách vực dậy nền kinh tế đang suy thoái.
Với việc thị trường mong đợi đỉnh phát hành trái phiếu chính phủ rơi vào quý II, tờ Financial News trực thuộc PBOC cho biết, sau khi dữ liệu được công bố, ngân hàng trung ương dự kiến sẽ sử dụng hợp lý các công cụ chính sách như hoạt động repo đảo ngược để phòng ngừa tác động ngắn hạn của việc phát hành trái phiếu của chính sách tài khoá.
Theo một chuyên gia giấu tên, PBOC có thể đưa giao dịch trái phiếu kho bạc vào hộp công cụ chính sách của mình trong tương lai để quản lý thanh khoản tốt hơn. Bình luận này làm gợi nhớ lại phát biểu của một nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc cách đây nhiều tháng, làm dấy lên đồn đoán xung quanh việc Bắc Kinh tăng cường thanh khoản mạnh mẽ trong những tuần gần đây.
Trong phát biểu vào tháng 10 năm ngoái nhưng mới được công bố gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi ngân hàng trung ương bổ sung hộp công cụ chính sách tiền tệ và dần dần đẩy mạnh giao dịch trái phiếu kho bạc trong hoạt động thị trường mở, một công cụ chính sách mà PBOC hiếm khi sử dụng trong hai thập kỷ qua.
Các nhà kinh tế cho rằng, việc nới lỏng định lượng theo kiểu Mỹ, trong đó ngân hàng trung ương sử dụng trái phiếu chính phủ và các tài sản khác để đẩy lợi suất xuống, khó có thể xảy ra ở Trung Quốc, vì Bắc Kinh vẫn còn dư địa tương lớn để nới lỏng chính sách tiền tệ bằng các biện pháp truyền thống, do lãi suất ở Trung Quốc vẫn còn trên mức 0 khá xa.
Chuyên gia giấu tên cho biết, giao dịch trái phiếu kho bạc của PBOC về cơ bản sẽ khác với các ngân hàng trung ương ở châu Âu và Mỹ, những người buộc phải mua số lượng lớn trái phiếu kho bạc sau khi đã cạn kiệt lựa chọn chính sách tiền tệ truyền thống, chuyên gia giấu tên cho biết thêm, các điều kiện tài chính tiền tệ tổng thể ở Trung Quốc sẽ vẫn ở mức hợp lý và vừa phải.