Cần Thơ: Dự kiến huy động hơn 21 nghìn tỷ đồng đầu tư cho các dự án trọng điểm
Trong bối cảnh triển khai Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ có rất nhiều công trình, dự án cần phải triển khai trong thời gian năm 2024, 2025 và các năm tiếp nên nhu cầu vốn xây dựng cơ bản phát sinh ngày càng nhiều so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt.
Đồng thời, nguồn thu ngân sách còn gặp nhiều khó khăn càng đặt ra yêu cầu phải tăng cường huy động nguồn lực tài chính để phục vụ các hoạt động đầu tư xây dựng các công trình, dự án nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố.
Thu ngân sách giai đoạn 2021 – 2023 còn nhiều khó khăn
Công tác thu ngân sách trên địa bàn thành phố trong thời gian từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có những kết quả tích cực, thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn các năm qua đều đạt dự toán Bộ Tài chính và hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố giao, đã góp phần đảm bảo nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Tuy nhiên, qua 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố trong bối cảnh có một số thuận lợi nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều hành ngân sách.
Cụ thể, đại dịch bệnh COVID-19, đã tác động tiêu cực đến phát triển của thành phố, làm cho sản xuất bị đình trệ, chậm lại, chi phí phòng, chống dịch bệnh và khôi phục sau dịch bệnh là quá nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu và chi của thành phố. Số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh từ bỏ thị trường nhiều hơn số gia nhập thị trường mới. Kinh tế phát triển kém, không tạo ra được nguồn thu mới. Nhiều năm qua, thành phố không có dự án phát triển kinh tế mới nào được triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ một số bất cập, trong đó phương pháp xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất đã không còn phù hợp với thực tế thị trường, đã tác động đến nguồn thu tiền sử dụng đất, đồng thời các dự án ngoài ngân sách hầu như không triển khai thực hiện được, nên không tạo ra động lực phát triển mới, làm lãng phí nguồn lực đất đai.
Mục tiêu thời gian tới
Giai đoạn tới, thành phố xác định mục tiêu huy động vốn ngoài ngân sách đầu tư dự án phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển đô thị trong đó có nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, tạo nguồn thu tiền sử dụng đất và thu các khoản thuế phát sinh theo quy định từ hoạt động kinh doanh bất động sản.
Theo đó, trong năm 2024, thành phố thực hiện vay lại từ nguồn Chính phủ vay ODA để thực hiện dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị với số tiền 1.215 tỷ đồng; và triển khai thực hiện Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với số kinh phí phát hành dự kiến là 2.000 tỷ đồng (năm 2024 là 1.000 tỷ đồng, năm 2025 là 1.000 tỷ đồng) để triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhu cầu tăng vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các công trình trọng điểm của thành phố tương đối lớn (cả giai đoạn 2021 – 2025 là 23.605 tỷ đồng, chưa kể dự kiến bội chi ngân sách là 7.373 tỷ đồng). Qua rà roát, có thể huy động tài chính từ các nguồn với số tiền dự kiến là 21.555 tỷ đồng, cụ thể như sau:
Một là, huy động từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất thuê, thu tiền sử dụng đất để bổ sung vốn thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn là 13.822 tỷ đồng, cụ thể số tiền trong năm 2024 theo kế hoạch là 9.857 tỷ đồng, năm 2025 là 3.965 tỷ đồng.
Hai là, huy động từ nguồn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để đầu tư xây dựng công trình trọng điểm của thành phố, Cụ thể, trong năm 2024, thành phố dự kiến phát hành trái phiếu chính quyền địa phương hoặc vay tổ chức tài chính (Ngân hàng phát triển Việt Nam) để đầu tư xây dựng công trình trọng điểm của thành phố với số tiền khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó phát hành trong năm 2024 là 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2025, tiếp tục phát hành trái phiếu chính quyền địa phương hoặc vay tổ chức tài chính (Ngân hàng phát triển Việt Nam) để đầu tư xây dựng công trình trọng điểm của thành phố với số tiền 1.000 tỷ đồng.
Ba là, huy động nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ (gọi tắt là vay ODA) để đầu tư dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (gọi tắt là dự án DPO) 5.733 tỷ đồng (Trung ương cấp phát 90%, địa phương vay 10% là 573 tỷ đồng, đang được Bộ Kế hoạch Đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ xin ý kiến Quốc hội).
Giải pháp huy động nguồn lực tài chính
Nhằm đạt được những mục tiêu ngân sách và huy động nguồn lực tài chính đã đề ra, thành phố xác định một số giải pháp cụ thể trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, triển khai tốt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, sớm tạo ra không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực mới cho nguồn thu ngân sách và đảm bảo nhiệm vụ chi của thành phố.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh tạo nguồn thu tăng trưởng, bền vững từ khu vực sản xuất kinh doanh. Cụ thể, triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế, vừa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất và cơ cấu lao động, vừa giải quyết được việc làm, vừa tạo ra nguồn thu mới cho ngân sách nhà nước, đây là giải pháp thu ngân sách bền vững cho thành phố trong tương lai qua các sắc thuế (VAT, thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt, …). Đồng thời, triển khai đồng bộ các đề án, chương trình, kế hoạch của thành phố để thực hiện các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm theo của Đảng và Chính phủ, tạo động lực để phát triển sản xuất kinh doanh góp phần tăng thu NSNN, trong đó tập trung vào đề án có tác động tích cực tới thu NSNN: Đề án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ; Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ; Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ,...
Thứ ba, tập trung khai thác nguồn thu từ các dự án đầu tư công và dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư trọng điểm, các dự án chậm tiến độ giai đoạn trước, bảo đảm việc triển khai xây dựng và đi vào sản xuất kinh doanh đúng thời hạn theo kế hoạch, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và tạo nguồn thu cho NSNN. Kịp thời thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định Luật Đầu tư, đặc biệt đối với các dự án thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Tập trung hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh do VSIP đầu tư và dự án Trung tâm nhiệt điện Ô Môn, cũng như kêu gọi thu hút các nhà đầu tư vào các Khu công nghiệp sẳn có.
Thứ tư, xây dựng phương án huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 45/2022/QH15. Căn cứ Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, trong đó tại khoản 1 Điều 3 quy định: “Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.”.
Năm 2023 dự toán thu ngân sách được Trung ương giao là 11.039 tỷ đồng, số thu ngân sách địa phương được hưởng là 10.024 tỷ đồng, như vậy thành phố sẽ được vay tối đa khoảng 6.014 tỷ đồng. Với dư nợ đến hết năm 2022 là 1.451 tỷ đồng và dự kiến phát sinh trong năm 2023 của các dự án đang vay là 1.329 tỷ đồng, thì tổng dư nợ đến hết năm 2023 là 2.685 tỷ đồng (trả nợ gốc: 94,5 tỷ đồng), như vậy dư địa vay của thành phố còn khả năng vay thêm là 3.329 tỷ đồng. Nếu giải ngân hết các nguồn vốn ODA theo hiệp định ký kết (đến năm 2024) thì dư nợ là 3.986 tỷ đồng, với hạn mức vay tối đa dự kiến là 6.375 tỷ đồng, khi đó dư địa vay của thành phố là 2.389 tỷ đồng. Để tăng dư nợ, thành phố xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải phấn đấu tăng thu ngân sách phần ngân sách địa phương được hưởng, cụ thể:
(1) Đối với hình thức vay qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Triển khai hiệu quả Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với hạn mức 2.000 tỷ để xây dựng công trình trọng điểm của thành phố, trình HĐND thành phố và Bộ Tài chính thông qua (nếu hạn mức dự nợ còn cho phép sau khi ưu tiên thực hiện các dự án ODA đang triển khai). Nguồn kinh phí hoàn trả từ quỹ nhà đất các trụ sở hành chính sau khi di dời đến chổ mới.
(2) Đối với hình thức vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ (gọi tắt là vay ODA). Tiếp tục triển khai các dự án ODA đang thực hiện theo cam kết. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện dự án “Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C, đoạn qua địa phận thành phố Cần Thơ và Đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đoạn qua địa phận thành phố Cần Thơ” thuộc dự án “phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐSSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” (goi tắt là dự án DPO). Bên cạnh đó, tiếp tục đàm phán với các nhà tài trợ để thực hiện một số dự án quan trọng khác của thành phố (nếu hạn mức dư nợ còn cho phép và trong bội chi ngân sách địa phương được Quốc hội phê duyệt), cụ thể như sau: (i) Ngân hàng phát triển châu Á (ADB): (1) Xây dựng cầu vượt tại 05 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố; (2) Đường Trần Hoàng Na nối dài (đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ đến Quốc lộ 91B); (3) Đường Hẻm 91 (đoạn từ Đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ đến Đường tỉnh 923); (4) Dự án xử lý nước thải Cái Sâu 1. (ii) Cơ quan Hợp tác Nhật bản JICA: (1) Dự án thoát nước và xử lý nước thải, (2) Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ.
Thứ năm, huy động các nguồn từ quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước (Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ phát triển đất thành phố). Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và điều lệ của các Quỹ, thành phố giao cho các Quỹ thực hiện một số nhiệm vụ chính trị theo danh mục đầu tư đã được HĐND và UBND thành phố phê duyệt và chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó ưu tiên cho phát triển quỹ đất và đầu tư các khu tái định cư phục vụ các dự án trọng điểm của thành phố.
Thứ sáu, nghiên cứu thu hút vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước cùng tham gia cung cấp hạ tầng và dịch vụ công với khu vực nhà nước theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP) đối với một số ngành, lĩnh vực: y tế, hạ tầng công nghệ thông tin, giao thông; xử lý rác thải, nước thải, cấp nước.