Con trai bầu Hiển dự chi nghìn tỷ đồng mua cổ phiếu SHB, Pyn Elite Fund thành cổ đông lớn của Sacombank
Từ ngày 19/4 đến ngày 17/5, ông Đỗ Quang Vinh - con trai ông Đỗ Quang Hiển - đăng ký mua 100,2 triệu cổ phiếu SHB, trong khi bà Đỗ Thị Minh Nguyệt - chị gái ông Hiển - đăng ký bán 25,7 triệu cổ phiếu SHB.
Ông Đỗ Quang Vinh dự chi 1.100 tỷ đồng mua cổ phiếu SHB
Ông Đỗ Quang Vinh, Phó Chủ tịch Ngân hàng SHB đã có đăng ký mua vào 100,2 triệu cổ phiếu SHB trong thời gian từ ngày 19/4 -17/5.
Trước giao dịch này, ông Vinh chỉ đang nắm giữ 939.000 cổ phiếu SHB. Nếu mua thành công, ông Đỗ Quang Vinh sẽ tăng sở hữu lên 101,1 triệu cổ phiếu, tương ứng với 2,79% vốn.
Ông Vinh là con trai của ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB. Ông Hiển đang nắm giữ 99,5 triệu cổ phiếu và một con trai khác của ông Hiển là ông Đỗ Vinh Quang đang sở hữu hơn 107 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, hai chị gái của ông Hiển là bà Đỗ Thị Thu Hà và bà Đỗ Thị Minh Nguyệt đang nắm giữ tổng cộng 100,2 triệu cổ phiếu - đúng bằng lượng cổ phiếu ông Vinh mua. Hiện bà Nguyệt đã đăng ký bán toàn bộ 25,7 triệu cổ phiếu SHB đang nắm giữ, tương ứng với 0,71% vốn. Thời gian giao dịch trùng với thời gian ông Vinh đăng ký mua vào.
Pyn Elite Fund mua 4 triệu cổ phiếu STB, trở thành cổ đông lớn của Sacombank
Quỹ ngoại Pyn Elite Fund vừa có báo cáo về ngày trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB).
Theo đó, Pyn Elite Fund đã mua vào 4 triệu cổ phiếu STB trong phiên giao dịch ngày 28/3. Sau giao dịch, quỹ ngoại đến từ Phần Lan đã nâng lượng cổ phiếu STB nắm giữ từ gần 94,15 triệu đơn vị, lên 98,15 triệu đơn vị, tương đương 5,21% lượng cổ phần lưu hành của Sacombank và trở thành cổ đông lớn tại ngân hàng này.
Trước đó, Pyn Elite Fund đã công bố báo cáo hoạt động tháng 3/2024, với hiệu suất đầu tư đạt 2,57% trong khi VN-Index tăng 2,5% nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tính đến cuối tháng 3, quy mô tài sản quản lý của Pyn Elite Fund lên đến 805,7 triệu EUR (khoảng 21.800 tỷ đồng). Trong đó, cổ phiếu STB của Sacombank là khoản đầu tư lớn nhất với tỷ trọng 14,6%, tương ứng giá trị 117,6 triệu EUR (khoảng 3.200 tỷ đồng).
Dragon Capital gom cổ phiếu DXG, FRT, DGC
Trong khoảng thời gian từ ngày 23/3 đến 9/4, nhóm quỹ Dragon Capital đã mua ròng 8,7 triệu cổ phiếu DXG của Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh, nâng tổng sở hữu của cả nhóm tại Đất Xanh lên 80,7 triệu cổ phiếu, tương ứng với 11,2% vốn.Các thành viên sở hữu lớn nhất gồm Amersham Industries Limited, Norges Bank và Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL).
Trước đó, từ ngày 20/2 đến 22/3, nhóm Dragon Capital đã bán ròng hơn 7 triệu cổ phiếu DXG, hạ sở hữu xuống gần 72 triệu cổ phiếu (9,99% vốn).
Tương tự, trong khoảng thời gian từ ngày 28/3 đến 10/4, nhóm quỹ Dragon Capital đã quay lại mua ròng 1,4 triệu cổ phiếu FRT của Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT, nâng sở hữu đến ngày 10/4 đạt 12,3 triệu đơn vị, tương ứng với 9,06% vốn. Trước đó, nhóm cổ đông đã bán ròng 3 triệu cổ phiếu FRT từ ngày 16/1 đến 27/3, hạ sở hữu về 10,9 triệu cổ phiếu, tương ứng với 8,02% vốn.
Cũng là động thái mua vào, nhóm quỹ Dragon Capital thông báo đã mua 150.000 cổ phiếu DGC của Công ty CP Hóa chất Đức Giang trong phiên 5/4. Sau giao dịch, sở hữu của nhóm quỹ ngoại tại DGC tăng từ 18,94 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,98%) lên 19,09 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,02%). Với tỷ lệ sở hữu mới này, Dragon Capital đã chính thức trở lại làm cổ đông lớn của Hóa chất Đức Giang.
Chứng khoán Vietcap mua hơn 10 triệu cổ phiếu TDM
Chứng khoán Vietcap báo cáo đã mua 10,2 triệu cổ phiếu TDM của Công ty CP Nước Thủ Dầu Một vào phiên ngày 11/4. Qua đó, nâng sở hữu từ 5,3 triệu cổ phiếu (4,8% vốn) lên thành 15,5 triệu cổ phiếu, tương ứng với 14,1% vốn, trở thành cổ đông lớn nhất.
Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận, với giá trị hơn 442 tỷ đồng, trung bình 43.300 đồng/cổ phiếu. Mức giá này thấp hơn thị giá kết phiên ngày 11/4 là 45.000 đồng/cổ phiếu.
Trong phiên ngày 12/4, TDM tăng trần lên mức cao nhất lịch sử 48.150 đồng/cổ phiếu với thanh khoản kỷ lục 2,2 triệu cổ phiếu. Trước đó, mã này có thanh khoản không cao, với khối lượng giao dịch bình quân phiên qua 1 năm chỉ khoảng 70.000 cổ phiếu.
Theo báo cáo quản trị năm 2023, tại thời điểm cuối năm trước, Nước Thủ Dầu Một còn có 2 cổ đông lớn là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Quỳnh Phúc (7,67% vốn) và Công ty TNHH Thương mại NTP (6% vốn).
Đối tác Trung Quốc mua 5% vốn phát hành riêng lẻ của Bách Hóa Xanh
Ngày 9/4, Công ty CP Đầu tư và Công nghệ Bách Hóa Xanh (Công ty Đầu tư BHX) - công ty con của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) công bố đã hoàn tất giao dịch chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư.
Tỷ lệ cổ phần chào bán là 5% (năm phần trăm) trên tổng số cổ phần đã phát hành của Công ty Đầu tư BHX. Với tình hình dòng tiền tích cực và kết quả kinh doanh liên tục cải thiện của Bách Hóa Xanh, đặc biệt là mục tiêu Bách Hóa Xanh bắt đầu có lợi nhuận sau thuế ở cấp độ công ty từ năm 2024, Công ty Đầu tư BHX không có nhu cầu chào bán cổ phần tối đa lên tới 20% (hai mươi phần trăm) như kế hoạch ban đầu.
Số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được dùng để tài trợ nhu cầu hoạt động và phát triển kinh doanh nói chung của Công ty Đầu tư BHX và Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh - công ty con của Công ty Đầu tư BHX.
Cùng ngày, CDH Investments - công ty quản lý tài sản đến từ Trung Quốc cũng công bố thông tin thông qua Green Bee 2 Private Limited để hoàn tất khoản đầu tư mua cổ phần thiểu số Công ty CP Đầu tư và Công nghệ Bách Hóa Xanh.
Sau thương vụ, Thế Giới Di Động vẫn sẽ là cổ đông chi phối của Công ty CP Đầu tư và Công nghệ Bách Hóa Xanh. Trong khi đó, CDH Investments sẽ không can thiệp vào quá trình vận hành, cũng như các quyết định của doanh nghiệp. Ngoài việc cung cấp các khoản tài chính, nhà đầu tư này sẽ hỗ trợ công ty kết nối với các nhà bán lẻ mà họ có quan hệ hoặc trong danh mục đầu tư của họ, cũng như hỗ trợ công ty trong triển khai các thực hành tốt nhất về quản trị doanh nghiệp.