Thử thách tâm lý ở vùng 1.200 điểm sau phiên giảm sâu nhất 2 năm
Nguồn cung tiềm năng của phiên thứ Sáu tuần trước trở thành mối lo sau khi thị trường có phiên giảm sâu nhất trong 2 năm. Có thời điểm trong phiên chiều ngày 16/4, chỉ số VN-Index đã thủng 1.200 điểm, tuy nhiên cầu đối ứng đã xuất hiện để triệt tiêu áp lực khi đóng cửa.
Định vị thị trường
Chứng khoán châu Á cũng đang chứng kiến nhiều thị trường bị định giá lại chỉ trong một vài phiên giao dịch trở lại đây. Nhiều thị trường khu vực đã tạm đánh mất xu hướng tăng ngắn hạn khi tiếp tục có sự giảm điểm khá lớn. Các chỉ số NIKKEI 225 (-1,94%), TWSE (-2,68%), KOSPI (-2,28%) cùng giảm quanh mức 2%.
Tâm lý kém tích cực của thị trường Việt Nam đã được ghi nhận trong phiên hôm qua với biên độ rơi lớn nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Sang phiên hôm nay, đã có thời điểm chỉ số VN-Index nối tiếp đà giảm với việc rơi xuống dưới 1.200 điểm. Tuy nhiên, lực mua đối ứng đã xuất hiện về cuối phiên để giúp chỉ số tạm cân bằng và đóng cửa tại 1.215 điểm.
Chất xúc tác
Cùng với áp lực tỷ giá, thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng đang có những áp lực. Lãi suất liên ngân hàng ở các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần hiện đã lên 5% trong khi kỳ hạn qua đêm cũng đạt 4,98%. Trong khi đó, tỷ giá USD giao dịch tại các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng vọt, hiện đã chạm mốc 25.300 VND/USD.
Số liệu giao dịch trên thị trường 2 cho thấy, các ngân hàng cũng có nhu cầu lớn hơn về thanh khoản. Trong phiên hôm qua, đã có 11.999,9 tỷ đồng trúng thầu trên kênh cầm cố và 2.800 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất tăng lên mức 3,59%.
Với việc 14.999,9 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng tổng cộng 24.199,8 tỷ đồng ra thị trường trong phiên hôm qua, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 110.850 tỷ đồng, có 21.999,89 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố.
Với nhà đầu tư nước ngoài, sau phiên phiên bán ròng lớn, giao dịch đã tạm cân bằng lại khi họ mua vào hơn 65 tỷ đồng. Các mã SSI (+90,5 tỷ đồng), EVF (+45,2 tỷ đồng), MWG (+58 tỷ đồng), VIX (+55,85 tỷ đồng), DGC (+52,21 tỷ đồng) được mua vào trên 50 tỷ đồng, trong khi đó VHM (-207 tỷ đồng) là cổ phiếu bị rút ra nhiều nhất.
Theo thống kê, khối ngoại đóng góp 9,4% giao dịch 2 chiều của HOSE. Nhà đầu tư nội đóng góp hơn 90% giao dịch trong một phiên, tiếp tục duy trì trên mức bình quân 20 phiên.
Vận động thị trường
Nguồn cung tiềm năng của phiên thứ Sáu tuần trước là nỗi lo lớn khi các cổ phiếu về tài khoản nhà đầu tư trong phiên chiều. Thực tế, VN-Index đã gặp áp lực giảm mạnh hơn so với phiên sáng và có lúc xuyên thủng mốc 1.200 điểm trong khoảng thời gian từ 13-14h.
Tuy nhiên, cung đối ứng cũng đã xuất hiện trong khoảng thời gian này tạo điều kiện cho nhà đầu tư cắt lỗ các vị thế. Cho đến cuối phiên, các cổ phiếu ngân hàng đã có những nỗ lực hồi phục giá như TCB (+2,5%), MBB (+2,1%), CTG (+1,8%), SHB (+1,3%), BID (+1,2%), ACB (+1%).
Bên cạnh đó, GVR (+1,8%), FPT (+1,3%) cũng tham gia vào nỗ lực đỡ điểm số. VN30 thậm chí còn đóng cửa trong sắc xanh với việc tăng 0,39% lên 1.232,7 điểm.
Tác động về mặt tâm lý của các cổ phiếu lớn đã giúp cho nhiều cổ phiếu thu hẹp đà giảm hoặc chuyển xanh ở nhóm Midcap và Penny. Các mã chứng khoán như CTS (+5,44%), AGR (+1,74%), SSI (+0,7%) đã đảo chiều tăng giá.
Với nhóm bất động sản, KDH (+1,03%), HDC (+2,3%), DPG( +1,32%), NTL (+2,9%) cũng là các cổ phiếu có cầu mua vào bất chấp nhiều mã SCR (-3%), DIG (-3,7%), DXG (-4,3%), VCG (-4,1%), HHS (-3,6%) còn giảm giá. Dù vậy cũng cần lưu ý rằng, HHS, DXG đã có thời điểm ghi nhận giá sàn nên việc thu hẹp lại đà giảm cũng thể hiện có cầu bắt đáy xuất hiện.
Tính chung trên cả sàn, HOSE chỉ có 9 mã giảm sàn trong phiên hôm nay. Trong khi đó, ở phiên hôm qua đã có tới hơn 100 mã giảm sàn.
Tổng giá trị giao dịch của HOSE vẫn ở mức cao, đạt 30.325 tỷ đồng, tương đương 1.355,24 triệu đơn vị.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều thu hẹp đà giảm về cuối phiên, lần lượt giảm 0,38% và 0,39%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.400 tỷ đồng.