Tin Hiệp hội Ngân hàng

Nâng cao tính lành mạnh của cho vay tiêu dùng và quy định, thực tiễn thu hồi nợ

Quỳnh Lê {Ngày xuất bản}

Dư nợ xấu cao khiến các công ty tài chính lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao. Do đó, việc xử lý nợ xấu, khơi thông dòng vốn tín dụng, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Sáng ngày 16/4, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) kết hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo “Nâng cao tính lành mạnh và hiệu quả của cho vay tiêu dùng và quy định, thực tiễn thu hồi nợ”.

Tham dự hội thảo, về phía Văn phòng Chính phủ có: ông Nguyễn Mạnh Cường, đại diện Vụ Kinh tế tổng hợp.

Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có: ông Lê Trung Kiên, Phó Cục trưởng Cục 4, Cơ quan Thanh tra Giám sát; đại diện: Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Pháp chế, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.

Về phía Cơ quan Giám sát tài chính Hàn Quốc, có: bà Park Eun-jin, đại diện Cơ quan Giám sát tài chính Hàn Quốc; ông Park Jong -chun, Trưởng đại diện Văn phòng Đại diện tại Hà Nội.

Về phía Hiệp hội Ngân hàng có: ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; ông Nguyễn Hồng Quân, Thành viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng, Phó Tổng Giám đốc TPBank; ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm CLB Tài chính tiêu dùng; ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế.

Về phía IFC, có: ông Darryl Dong, Đại diện cấp cao IFC Việt Nam; bà Nina Mocheva, Chuyên gia cao cấp về phá sản và xử lý nợ, nhóm Ngân hàng Thế giới; bà Phạm Liên Anh, Trưởng nhóm Bộ phận Tư vấn và nghiên cứu kinh tế Việt Nam, Lào và Campuchia; ông Nguyễn Hồng Giang, Quản lý chương trình cấp cao, SECO.

Về phía Ban vận động thành lập Hiệp hội Kinh doanh mua bán nợ, có: ông Moon Youngso, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mua bán nợ Welcome; ông Kang Seul-ki, Giám đốc kinh doanh toàn cầu Tập đoàn Tài chính Welcome.

Tham dự hội thảo còn có sự hiện diện của đại diện Bộ Công an, Công an TP. Hà Nội; lãnh đạo, cán bộ của các TCTD hội viên Hiệp hội Ngân hàng.

z5353038177940_fc0bd5224d931f128dd46791363b3f70.jpg
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu

Nợ xấu tiêu dùng tăng nhanh trong bối cảnh đầy thách thức

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, cho vay tín dụng tiêu dùng hiện nay được đánh giá là một lĩnh vực “nóng”. Số liệu tính đến cuối năm 2023 cho thấy, tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng, đây là con số tương đối lớn.

Nguồn vốn từ các ngân hàng đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, phục vụ đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, góp phần kích cầu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thu hẹp một phần quy mô, sự ảnh hưởng của tín dụng đen. Tuy nhiên, mặc dù các cơ quan quản lý đã vào cuộc quyệt liệt, triệt phá nhiều đường dây cho vay lãi nặng, tín dụng đen vẫn len lỏi trong xã hội, chưa thể xoá bỏ triệt để.

Tính đến hết tháng 2/2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng ở mức âm (giảm 2,5% so với ngày 31/12/2023). Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng tiêu dùng âm chủ yếu là do cầu tín dụng tiêu dùng giảm trong bối cảnh tình hình tăng trưởng kinh tế khó khăn tác động tới thu nhập của cá nhân và hộ gia đình, làm tăng nhu cầu tiết kiệm để dự phòng cho tương lai và giảm nhu cầu vay tín dụng ngân hàng để mở rộng chi tiêu.

ae9i7547.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Thông tin thêm về thực tiễn công tác thu hồi nợ xấu đối với các khoản cho vay tiêu dùng những tháng đầu năm 2024, Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm CLB Tài chính Tiêu dùng, cho biết, tính đến cuối tháng 2/2024, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đạt khoảng 138,8 nghìn tỷ đồng, dư nợ xấu cao khiến các công ty tài chính lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao….

Theo ông Lê Quốc Ninh, sự khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ trên thực tế của nhóm khách hàng mục tiêu. Bên cạnh đó, các công ty cũng gặp tình trạng khó thu hồi nợ do khoản vay phát sinh từ giả mạo, lừa đảo.

Mặt khác, khách hàng chây ì, cố tình không trả nợ, thành lập các hội nhóm “bùng nợ” trên mạng xã hội, chống đối, vu khống cán bộ thu hồi nợ, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của các ngân hàng, các công ty tài chính. Ngoài ra, các công ty tài chính cũng gặp khó khăn từ chính sách và ảnh hưởng tiêu cực của truyền thông.

Phát biểu tại hội thảo, ông Darryl Dong, Đại diện cấp cao IFC Việt Nam đánh giá, tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều biến động và nợ xấu cho vay doanh nghiệp lẫn cho vay tiêu dùng đều đang có chiều hướng gia tăng, do đó, lĩnh vực cho vay tiêu dùng hiện đang trải qua giai đoạn rất khó khăn.

ae9i7368.jpg
Ông Darryl Dong, Đại diện cấp cao IFC Việt Nam phát biểu

Đại diện IFC Việt Nam lý giải thêm, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhiều người có thu nhập thấp, những khách hàng chính của tín dụng tiêu dùng vào tình trạng tài chính khó khăn, giảm khả năng trả nợ.

"Đặc biệt, gần đây còn có hiện tượng "bùng nợ" từ những khách hàng không trung thực, những người vay chỉ để cố tình vỡ nợ. Tất cả những điều này đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể nợ xấu tiêu dùng trong vài năm qua", ông Darryl Dong nói.

Xử lý nợ xấu, khơi thông dòng vốn tín dụng

Trước những khó khăn trong công tác thu hồi nợ cho vay tiêu dùng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hiệp hội Ngân hàng đã có nhiều văn bản gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị có giải pháp xử lý nghiêm tội phạm tín dụng đen, các hội nhóm “bùng nợ”... Thời gian qua, các hội nhóm "bùng nợ" trên mạng xã hội đã phần nào được gỡ bỏ, song một bộ phận khách hàng vẫn cố tình chây ì, không trả nợ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng kỳ vọng, thời gian tới, việc tích hợp định danh điện tử sẽ hỗ trợ chấm điểm tín dụng đối với khách hàng cá nhân, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của của người dân. với khó khăn với khách hàng.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng đặt vấn đề, hiện nay chưa có hành lang pháp lý đầy đủ liên quan đến hoạt động mua bán nợ đối với các khoản nợ không có tài sản bảo đảm. Do đó, cần xây dựng khung khổ pháp lý để hoạt động thu hồi nợ được thực hiện thuận lợi, hiệu quả hơn.

ae9i7465.jpg
Ông Lê Trung Kiên, đại diện Cơ quan Thanh tra Giám sát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Trung Kiên, đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, cần hoàn thiện hành lang pháp lý bao quát hơn các chủ thể trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng và các vấn đề xử lý nợ xấu. Đặc biệt, cần có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không thể chây ì. Các quy định hiện hành phải được hoàn thiện, đảm bảo cân bằng lợi ích, hạn chế tranh chấp; nghiên cứu xây dựng văn bản luật về tín dụng tiêu dùng...

Đại diện cho các công ty tài chính, ông Lê Quốc Ninh đề nghị, Ngân hàng Nhà nước với vai trò là cơ quan quản lý, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan cấp trên nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý để cho phép và kiểm soát hoạt động cung cấp dịch vụ xử lý nợ chuyên nghiệp; Tiếp tục sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, hỗ trợ truyền thông, nâng cao nhận thức về tài chính tiêu dùng, phân biệt với tín dụng đen.

Đối với Bộ Công an, ông Lê Quốc Ninh đề nghị xây dựng các hướng dẫn cụ thể, thống nhất để xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trốn tránh nghĩa vụ trả nợ một cách có chủ ý; Xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty tài chính tiếp cận Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp giảm thiểu gian lận trong việc trộm cắp danh tính, giả mạo danh tính…

Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, kiến nghị khuyến khích các cơ quan báo chí định hướng dư luận, có nhiều bài viết tuyên truyền, phổ biến để người dân yên tâm, tiếp cận tài chính tiêu dùng từ các nguồn tín dụng tiêu dùng chính thức, qua đó phòng tránh được nạn tín dụng đen...

toa-dam-160424-min.jpg
Các diễn giả tham gia thảo luận

Dưới góc nhìn quốc tế, trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay, ông Darryl Dong khẳng định, các cơ quan chức năng có vai trò giải quyết nợ xấu cần nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng một khuôn khổ thể chế mạnh mẽ để giải quyết nợ xấu với cách tiếp cận thực tế theo nguyên tắc thị trường.

Ông Darryl Dong cũng cho rằng, việc phát triển các công ty mua bán, xử lý nợ xấu chuyên nghiệp, hình thành một thị trường mua bán nợ xấu năng động và chuyên nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xử lý nợ xấu tiêu dùng hiệu quả.

ae9i7617.jpg
Ông Moon Youngso, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mua bán nợ Welcome

Trong khi đó, ông Moon Young-so, đại diện Ban vận động thành lập Hiệp hội Kinh doanh mua bán nợ, đề xuất xây dựng "Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động thu hồi".

Theo ông Moon Young-so, Bộ quy tắc ứng xử đóng vai trò quan trọng trong việc hướng tới tạo ra một khuôn khổ pháp lý chi tiết và có cơ chế rõ nét cho hoạt động thu hồi nợ. Ngoài việc đưa ra các quy định, bộ quy tắc còn đưa ra các hướng dẫn mà nhân viên/công ty phải tuân thủ/thực hiện. Qua đó, bộ quy tắc này giúp đảm bảo rằng mọi giao dịch/giao tiếp với khách hàng đều được thực hiện tuân thủ theo đúng quy định pháp luật và chuẩn mực ứng xử trong xã hội.

Với khách hàng, đây là cơ sở nhằm đảm bảo các biện pháp thu hồi được thực hiện một cách công bằng, minh bạch, phù hợp.

Với doanh nghiệp, sẽ giúp giảm thiểu rủi ro vận hành; nâng cao hiệu suất trong hoạt động thu hồi; thúc đẩy việc phát triển các giá trị cốt lõi, sứ mệnh của doanh nghiệp; kim chỉ nam hướng cho mọi hành động, quyết định của doanh nghiệp đều nằm trong khuôn khổ pháp luật và tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, kinh doanh; bảo vệ hình ảnh, uy tín của công ty trên thị trường.

"Bằng cách thiết lập ra các quy tắc và chuẩn mực ứng xử, Bộ quy tắc này giúp tổ chức hoạt động trong phạm vi và giới hạn pháp luật cho phép, tạo ra một môi trường kinh doanh hiệu quả, công bằng, bền vững và an toàn", ông Moon Young-so nói.

Quỳnh Lê