Khối ngoại mạnh tay giải ngân, VN-Index vẫn chưa giải quyết được tâm lý bán tháo của tiền nội
Sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố bán USD can thiệp, khối ngoại đã có ngay hành động giải ngân vào thị trường. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa thể giải quyết được hết sự bất ổn về tâm lý của nhà đầu tư trong nước.
Định vị thị trường
Bất ổn chính trị tại Trung Đông đã khiến cho các thị trường chứng khoán châu Á phải trải qua những phiên giao dịch biến động mạnh. Nếu như trong phiên hôm qua, hàng loạt thị trường đã tăng điểm tích cực thì diễn biến mới từ Trung Đông lại khiến cho áp lực quay trở lại ở nhiều thị trường. Chỉ số TWSE (-3,81%), NIKKEI 225 (-2,66%) giảm sâu nhất khu vực trong khi SET (-1,95%), KOSPI (-1,63%) quay đầu giảm trên 1%.
Bối cảnh kém thuận lợi đã khiến cho VN-Index không thể thu hẹp hết đà giảm trong phiên giao dịch cuối tuần. Mức giảm sâu nhất trong phiên đã ghi nhận tới 28 điểm và cuối phiên chỉ số vẫn mất hơn 18 điểm (-1,52%).
Chất xúc tác
Ngay sau khi thị trường trở lại sau ngày Ngày giỗ Tổ Hùng Vương, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024. Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, kể từ ngày hôm nay, NHNN công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các TCTD có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng.
Động thái can thiệp của NHNN là rất cần thiết trong bối cảnh cả tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng đã liên tục tăng nóng. Hiệu quả của can thiệp có thể sẽ cần thời gian để phản ánh nhưng điều này sẽ giúp xoa dịu tâm lý nhà đầu tư.
Theo ghi nhận từ Refinitiv Eikon, lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt với kỳ hạn qua đêm giảm xuống 3,96% trong khi các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng về trên 4%.
Còn nhà đầu tư nước ngoài đã ngay lập tức có phiên giải ngân trở lại vào HOSE với giá trị ròng gần 680 tỷ đồng. Một loạt các mã như VNM (+93,5 tỷ đồng), DIG (+90 tỷ đồng), VND (+89 tỷ đồng), HPG (+81 tỷ đồng), VCI (+67 tỷ đồng), GEX (+65 tỷ đồng) được giải ngân.
Đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài vào giao dịch 2 chiều của HOSE chỉ chiếm 11,17% cho thấy nhà đầu tư nội vẫn là bên thể hiện tâm lý kém ổn định dù khớp lệnh sàn đã quay lại trên mức bình quân 20 phiên.
Vận động thị trường
VN-Index sau phiên để thủng mốc 1.200 điểm tiếp tục gặp phải áp lực bán lớn. Có thời điểm, chỉ số đã mất tới 28 điểm xuống 1.165 điểm.
Lực cầu bắt đáy sau đó đã tham gia, giúp VN-Index gần như về sát tham chiếu vào thời điểm 14h. Tuy nhiên, với đặc tính tâm lý bất ổn, nhà đầu vẫn còn bán ra trong quãng giao dịch cuối phiên. Đóng cửa, VN-Index giảm 18,16 điểm xuống 1.174,85 điểm.
Rổ VN30 vẫn chưa thực sự đủ sức cân đối lại áp lực với 25/30 mã giảm giá. Các mã Ngân hàng như BID (+0,5%), VCB (0%), VPB (-0,3%), SSB (-0,5%), ACB (-0,6%), TCB (-0,8%), MBB (-1,7%), VIB (-1,9%), TPB (-2,4%), HDB (-3,3%) chưa thể có sức bật đủ lớn sau NHNN công bố bán ra USD.
Trong khi đó, các mã VIC (-5,3%), BCM (-5%), SSI (-3,5%), VRE (-3,2%), FPT (-2,5%) vẫn gây tổn thương cho nhà đầu tư.
Các cổ phiếu ở nhóm Midcap và Penny vẫn phải chấp nhận tình trạng "tháo chạy" của nhà đầu tư như AGR, CTS, DPG, BSI, VDS giảm sàn, các mã PDR, KBC, DXG, NLG, FTS, CMG, DBC, KSB, DBC giảm trên 5%.
Sắc đỏ bao phủ tới 74% số mã trên HOSE. VN-Index chốt phiên giao dịch ngay tại đường MA200 với đóng cửa tại 1.174,85 điểm (-1,52%). Tổng giá trị giao dịch của sàn đạt 23.702 tỷ đồng.
Trên 2 sàn HNX và UPCoM, nhiều cổ phiếu cũng giảm sâu như LAS (-9,7%), TAR (-8,7%), CEO (-6,8%), SHS (-6,5%), PLC (-6%), BSR (-3,2%), C4G (-5%). HNX-Index mất 2,39% còn UPCoM-Index mất 1,13%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.300 tỷ đồng.