Nghiên cứu - Trao đổi

Việt Nam kỳ vọng trở thành “tâm điểm” trong chuỗi sản xuất toàn cầu

Nguyễn Huyền 20/04/2024 - 09:11

Trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng nhờ vị trí địa lý liền kề với Trung Quốc. Năm 2024 Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ.

chuoi-cung-ung-toan-cau.jpg
Ảnh minh họa

Việt Nam tiếp tục là quốc gia hưởng lợi chính từ chiến lược đang triển khai Trung Quốc + 1

Trong báo cáo Triển vọng Đông Nam Á năm 2024 của Cushman & Wakefield, ông Wong Xian Yang, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường tại Singapore & Đông Nam Á cho biết, khối lượng sản xuất công nghiệp hàng năm tại các nước Đông Nam dự kiến sẽ tăng tốc trong thập kỷ tới, trong đó Việt Nam dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng nhờ vị trí địa lý liền kề với Trung Quốc.

“Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng (PMI) cho thấy động lực tích cực ở các quốc gia định hướng xuất khẩu như Singapore, Việt Nam và Malaysia. Những chỉ số này báo hiệu sự tăng cường sản xuất và xuất khẩu, với các khoản đầu tư dự kiến vào sản xuất điện tử và xe điện sẽ tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng này. Xu hướng này nêu bật khả năng phục hồi và tiềm năng tăng trưởng của các nền kinh tế này, giúp họ tiếp tục mở rộng trong năm tới”, ông Wong cho biết.

Trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, Ngân hàng trung ương Việt Nam đã bắt đầu chính sách cắt giảm lãi suất vào năm 2023, với một đợt cắt giảm khác có thể xảy ra vào năm 2024. Với nguồn đầu tư lành mạnh, Việt Nam tiếp tục là quốc gia hưởng lợi chính từ chiến lược đang triển khai Trung Quốc + 1. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng lên 36,6 tỷ USD vào năm 2023, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu được thúc đẩy bởi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất (64%) và bất động sản (13%).

TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư

Bất chấp những khó khăn kinh tế toàn cầu, lĩnh vực hậu cần và công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nhờ sự mở rộng của các nhà sản xuất lớn sang Việt Nam.

Giá thuê văn phòng hạng A ở TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ tăng chậm lại do các doanh nghiệp tiếp tục thắt chặt tài chính. Thành phố cũng chào đón sự tham gia của một lượng lớn nguồn cung văn phòng hạng A mới, từ đó tạo ra sự cạnh tranh giữa các chủ nhà. Một số dự án cũng tận dụng tình hình tăng trưởng chậm của hiện tại để thực hiện việc cải tạo, nâng cấp tài sản của mình và sẵn sàng cho sự phục hồi của thị trường trong
tương lai.

Trong khi ở lĩnh vực bán lẻ, nhu cầu của người tiêu dùng trong việc trải nghiệm bán lẻ đã thúc đẩy các nhà phát triển nâng cấp không gian trung tâm thương mại. Những dự án cao cấp và/hoặc dự án được quản lý tốt tiếp tục là tâm điểm thu hút của thị trường. Còn lĩnh vực hậu cần ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ, tận dụng lợi ích từ việc di dời các nhà sản xuất lớn trong bối cảnh quỹ đất hạn chế, dòng vốn đầu tư tập trung chủ yếu vào việc xây dựng và phát triển nhà xưởng và nhà kho xây sẵn.

Đối với lĩnh vực nhà ở có phần chững lại do kinh tế toàn cầu trì trệ. Cả chủ đầu tư và người mua nhà vẫn đang chờ đợi diễn biến tiếp theo của thị trường cũng như thực thi luật đất đai mới. Giá sơ cấp trung bình của các dự án triển khai trong tương lai sẽ tiếp tục tăng do giá đất ngày càng tăng trong khi quỹ đất hạn chế và chi phí xây dựng leo thang. Nhu cầu mua nhà ở chủ yếu vẫn đến từ phân khúc bình dân và trung cấp.

Lĩnh vực công nghiệp và hậu cần của Hà Nội tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư từ các nhà sản xuất lớn

Với sự xuất hiện của hàng loạt các dự án văn phòng hạng A mới trên khắp Hà Nội trong thời gian tới, các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn với nhu cầu mở rộng diện tích văn phòng. Lĩnh vực công nghiệp và hậu cần của Hà Nội tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư từ các nhà sản xuất lớn, như một phần của quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.

Giá văn phòng cho thuê ở Hà Nội tương đối ổn định. Hầu hết các dự án hạng A hiện hữu và tương lai đều nằm ngoài trung tâm do quỹ đất ở khu vực trung tâm hạn chế. Khu đô thị phía Tây đang thu hút sự quan tâm đầu tư vào lĩnh vực thương mại.

Trong khi đó, các quận nội thành phía Tây là khu vực đầy hứa hẹn cho ngành bán lẻ, đặc biệt sau khi khu vực này ra mắt dự án cao cấp quy mô lớn, thu hút hơn 20 thương hiệu bán lẻ mới tại Việt Nam. Ít nhất có thêm 2 dự án bán lẻ khác cũng đã được quy hoạch và sẽ phát triển tại khu vực này vào năm 2030.

Ở lĩnh vực hậu cần, trọng tâm chính vẫn là đất khu công nghiệp nhờ giá cả cạnh tranh và quỹ đất sẵn có. Một số nhà phát triển quốc tế và quỹ tổ chức nhanh chóng mở rộng danh mục đầu tư RBF/ RBW để tận dụng làn sóng đầu tư từ các nhà sản xuất lớn. Tuy nhiên, lĩnh vực nhà ở giá sơ cấp trung bình dự kiến tiếp tục tăng do thiếu hụt nguồn cung căn hộ mới và chi phí xây dựng leo thang. Tâm lý thận trọng của người mua trước những biến động của thị trường có thể khiến tỷ lệ tồn kho tăng lên.

Nguyễn Huyền