Hoạt động ngân hàng

Cần Thơ: Tín dụng “ấm” lên lãi suất cho vay bình quân giảm 2%

ThS. Trần Trọng Triết 22/04/2024 - 09:57

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Cần Thơ đã chỉ đạo các TCTD tích cực triển khai các chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

khach-hang-den-lam-thu-tuc-co-cau-no-vay-tai-vietbank-can-tho..jpg
Cần Thơ: Tín dụng “ấm” lên lãi suất cho vay bình quân giảm 2%

Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Cần Thơ cho thấy, trên địa bàn hiện có 49 chi nhánh ngân hàng thương mại và 7 Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động.

Sau 2 tháng đầu năm giảm, hoạt động tín dụng trên địa bàn thời gian gần đây đã "ấm lên", cụ thể: Tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm, sang tháng 3 tăng trở lại, các TCTD tích cực triển khai các chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng… Tổng dư nợ cho vay đến ngày 31/3/2024 là 158.621 tỷ đồng, tăng 1,39% so với cuối năm 2023.

Đáng chú ý, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm so với cuối năm 2022; hiện lãi suất cho vay VND ngắn hạn với khoản vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4%/năm, đối với các lĩnh vực lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến từ 5,6 - 8%/năm; trung, dài hạn từ 7,5 - 10%/năm. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn 3 - 4,7%/năm, trung dài hạn 4,55 - 6%/năm.

Bên cạnh việc chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế thành phố, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ cũng giám sát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hoạt động cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa, hạn chế rủi ro, sai phạm trong quá trình hoạt động của TCTD.

Các TCTD đều chú trọng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả và hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; hiện hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn đều có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng. Các TCTD cũng đang tích cực giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất bình quân giảm khoảng 1,5 - 2% so với cuối năm 2022, dự kiến các TCTD sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ, chia sẻ, ngoài phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ngành thành phố tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, còn phổ biến về chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng đến các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn thành phố, như: Công ty Hồng Loan, Công ty Hoàng Quân, Công ty Cửu Long…

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai Thông tư, Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Đến cuối quý I/2024, tổng giá trị nợ (gốc và/hoặc lãi) đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ lũy kế là 1.803,2 tỷ đồng, với 483 lượt khách hàng được cơ cấu; dư nợ (gốc và/hoặc lãi) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.608,2 tỷ đồng cho 360 khách hàng vay.

Để tăng năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát toàn diện, đánh giá kết quả thực hiện hạn mức tín dụng của các TCTD trong thời gian qua nhằm điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024 hiệu quả, không để ách tắc vốn trong điều hành. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các TCTD thực hiện công khai mặt bằng lãi suất cho vay việc triển khai các gói tín dụng theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.

Ông Trần Quốc Hà, cho biết theo chỉ đạo của Trung ương, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ đã yêu cầu các TCTD trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc. Công bố trên các website của ngân hàng và niêm yết tại các điểm giao dịch. Khi kiểm tra, nếu các TCTD chưa thực hiện, bước đầu sẽ bị nhắc nhở, sau đó nếu chưa khắc phục thì sẽ xử phạt theo quy định, hoặc hạn chế nghiệp vụ… nhằm đảm bảo công khai, minh bạch về lãi suất. Đồng thời yêu cầu chi nhánh các ngân hàng thương mại tiếp tục tập trung hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, các chương trình tín dụng ưu tiên, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế thành phố.

Bên cạnh tín dụng thương mại, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn của Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Cần Thơn đến cuối tháng 3/2024, vốn ủy thác từ ngân sách thành phố và quận, huyện đạt 610 tỷ đồng, tăng 86,5 tỷ đồng so với năm 2023; hoàn thành 133% chỉ tiêu năm 2024. Có 6/9 đơn vị quận, huyện hoàn thành 100% chỉ tiêu 2 tỷ đồng/đơn vị. Vốn huy động trên 630 tỷ đồng, tăng 41,2 tỷ đồng so với năm 2023. Doanh số cho vay trên 200 tỷ đồng, với 6.379 hộ vay.

Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên 4.139 tỷ đồng, với 94.318 khách hàng còn dư nợ, tăng 30,4 tỷ đồng so với năm 2023; hoàn thành 26,8% chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ. Nợ quá hạn trên 8 tỷ đồng, chiếm 0,19% tổng dư nợ. Các hoạt động ủy thác, giao dịch xã, phường, thị trấn, tổ tiết kiệm và vay vốn tiếp tục được duy trì hiệu quả...

ThS. Trần Trọng Triết