Hoạt động ngân hàng

Tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng với khu vực kinh tế tập thể

Minh Đức 23/04/2024 17:48

Nhằm đánh giá một cách toàn diện về thực trạng; đi sâu phân tích khó khăn, vướng mắc, bất cập, đồng thời tìm ra các giải pháp để khơi thông nguồn vốn tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể, sáng ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”.

Hội thảo được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với số lượng đại biểu tham dự hơn 2.400 đại biểu.

Thực trạng tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Cao Xuân Thu Vân – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể cho biết, kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta đóng vai trò quan trọng nhưng chưa đạt được mục tiêu và chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trong đó, có 2 vấn đề chính là đào tạo nguồn nhân lực, nguồn vốn cho hợp tác xã và đầu ra cho sản phẩm của hợp tác xã. Ngoài ra, tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng dư nợ nền kinh tế.

ctlmhtx.jpg
Bà Cao Xuân Thu Vân – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể

Trước thực tế đó, đồng chủ trì hội thảo, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể đề nghị các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia đi sâu, tập trung thảo luận, giải quyết 3 nhóm vấn đề gồm: đánh giá một cách toàn diện về thực trạng tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể; đi sâu phân tích khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân trong tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể và đưa ra các giải pháp để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng cho phát triển kinh tế tập thể trên cả nước.

2ptd-dao-minh-tu.jpg
Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể

Báo cáo tổng quan về chính sách tiền tệ, tín dụng góp phần phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, ông Đặng Văn Thanh - Cục phó Cục Kinh tế Hợp tác - Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những năm qua hợp tác xã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tính đến hết năm 2023, cả nước có 30.698 hợp tác xã, 137 liên hiệp hợp tác xã và 71.500 tổ hợp tác. Số hợp tác xã mới thành lập mới năm 2023 là 2.986 hợp tác xã, tăng 291 hợp tác xã, tăng 10,8% so với năm 2022.

Tuy nhiên, mô hình và hoạt động hợp tác xã ở nước ta vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đang có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần được quan tâm, giải quyết, như: Tỷ lệ lớn hộ cá thể ở địa bàn nông thôn chưa tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác; một bộ phận lớn hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường, năng lực quản trị của hợp tác xã còn yếu.

Đáng chú ý, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các hợp tác xã còn khó khăn do chủ yếu chưa đáp ứng các yêu cầu tối thiểu, các điều kiện vay vốn, vì thế vốn cho sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

Đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đạt 6.024 tỷ đồng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023 cho khoảng 1.200 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, trong đó: Tín dụng đối với hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 2.000 tỷ đồng (cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đạt 3,28 triệu tỷ đồng); cho vay không có tài sản bảo đảm đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong nông nghiệp đạt 153 tỷ đồng (cho vay không có tài sản bảo đảm trong nông nghiệp nói chung đạt 647.000 tỷ đồng). Cho vay liên kết trong nông nghiệp đạt 10.012 tỷ đồng, tăng 3,76% so với thời điểm 31/12/2023. Các hợp tác xã không phát sinh dư nợ vay theo mô hình liên kết.

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ ra 6 nguyên nhân khiến các hợp tác xã khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, gồm:

Thứ nhất, hợp tác xã thiếu tài sản bảo đảm, thiếu minh bạch tài chính, làm ăn kém hiệu quả, quản trị yếu. Ngoài ra, do dịch bệnh và khó khăn của nền kinh tế, cùng với áp lực biến động giá cả hàng hoá, nguyên vật liệu đầu vào nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư, kết quả kinh doanh của hợp tác xã, dẫn đến nhu cầu vay vốn tín dụng của hợp tác xã giảm.

Thứ hai, năng lực nội tại của nhóm chủ thể này còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế. Phần lớn hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp; tính liên kết trong nội bộ hợp tác xã còn rất yếu; vấn đề nợ của hợp tác xã, tình trạng chiếm dụng vốn chưa được xử lý dứt điểm.

Thứ ba, hợp tác xã phát triển không đồng đều giữa các địa phương, vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, số lượng hợp tác xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên bình quân trong hợp tác xã có xu hướng giảm; không ít thành viên tham gia hoạt động của hợp tác xã còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong hợp tác xã. Vấn đề thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong hoạt động của hợp tác xã còn nhiều hạn chế.

vu-td.jpg
Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thứ tư, các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến. Số lượng liên hiệp hợp tác xã ít; tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác thiếu ổn định; nhiều hợp tác xã chuyển đổi, tổ chức lại mang tính hình thức, chưa thực sự chuyển biến về chất.

Thứ năm, theo phản ánh của tổ chức tín dụng, vấn đề cơ chế quản lý, pháp lý và địa vị pháp lý của tổ chức kinh tế hợp tác cũng là khó khăn cho tổ chức tín dụng khi xác định trách nhiệm, nghĩa vụ nợ cho vay đối với loại hình kinh tế tập thể.

Thứ sáu, có tình trạng sử dụng không hiệu quả nguồn vốn vay, sử dụng vốn vay sai mục đích, nợ quá hạn kéo dài, có tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Tô Hoài Thanh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cũng cho rằng, hợp tác xã hiện nay vẫn khó tiếp cận vốn do tồn tại nhiều vấn đề như năng lực tài chính của hợp tác xã còn yếu, trong khi để vay vốn hợp tác xã phải có nguồn vốn tự có từ 20 - 30% vốn đầu tư của dự án. Nhiều hợp tác xã cũng không có đầy đủ hệ thống sổ sách theo quy định, thiếu hệ thống báo cáo chuẩn về tình hình tài chính; sổ sách kế toán chưa đáp ứng yêu cầu rõ ràng, minh bạch,... dẫn đến các ngân hàng khó đánh giá hiệu quả hoạt động của hợp tác xã để thẩm định và quyết định việc cho vay.

Giải pháp để khơi thông nguồn vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể

Tại hội thảo, đại diện các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; liên minh hợp tác xã, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh, thành phố; quản lý các Bộ, ngành; Ủy ban Kinh tế - Quốc hội; các chuyên gia, nhà khoa học, viện nghiên cứu và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đã chỉ rõ những nguyên nhân, khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng và đề xuất giải pháp để phát triển kinh tế tập thể.

toan-canh-ht.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Cụ thể, các đại biểu đã chỉ rõ những nguyên nhân, khó khăn chủ yếu xuất phát từ điều kiện nội tại của các hợp tác xã chưa đáp ứng các điều kiện tín dụng, do đó cần phải có nhiều giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía đối với hợp tác xã, kể cả cơ chế, chính sách hỗ trợ, các quy định hướng dẫn để thực hiện Luật hợp tác xã (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024), các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước như Quỹ phát triển hợp tác xã, các chính sách về công nghệ, phát triển thị trường trong, ngoài nước. Bên cạnh đó, sự nỗ lực của bản thân từng hợp tác xã, của từng thành viên để tổ chức hoạt động, quản lý một loại hình kinh tế tập thể phù hợp, hiệu quả, đúng bản chất.

Đại diện các ngân hàng thương mại cũng đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất như: tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tạo thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm của khu vực nông nghiệp, nông thôn; các địa phương có giải pháp hỗ trợ việc thành lập và phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong các khâu của quá trình sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; rà soát, sắp xếp lại các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả để chấm dứt, ngừng hoạt động; khuyến khích, vận động thành lập các hợp tác xã, các tổ hợp tác để phát triển kinh tế tập thể;...

Sau khi lắng nghe 17 báo cáo, tham luận, ý kiến của các đại biểu, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, hành lang pháp lý, chủ trương, chính sách đã rất đầy đủ. Vấn đề là tổ chức thực hiện triển khai của các bộ, ngành chức năng, của từng địa phương, của liên minh hợp tác xã và bản thân từng hợp tác xã ra sao.

Riêng với ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, nhiều năm qua ngành Ngân hàng luôn xác định hợp tác xã là đối tượng cần quan tâm và có chính sách hỗ trợ; xác định mô hình mạng lưới để phục vụ mô hình kinh tế nông nghiệp nông thôn trải dài trên toàn quốc, đồng thời có hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân nhằm phục vụ hoạt động hợp tác xã.

Trước thực tế dư nợ tín dụng của khu vực kinh tế tập thể không đạt, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, không thể đổ lỗi cho ngân hàng vì sao không cho vay, cũng không thể đổ lỗi cho hợp tác xã vì sao không hoàn thiện, đáp ứng đủ điều kiện cho vay; thay vào đó, cần những giải pháp căn cơ, chủ chốt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể.

Về giải pháp, Phó Thống đốc cho rằng tất cả các bên cùng phải hành động. Cụ thể, khu vực kinh tế tập thể cần củng cố, đổi mới, sắp xếp lại để phát triển mô hình hợp tác xã. NHNN cũng sẽ nhìn nhận, rà soát lại cơ chế chính sách, làm rõ nét hơn cơ chế ưu đãi về tín dụng, về dịch vụ tiền tệ cho loại hình kinh tế tập thể, chỉ đạo NHTM cùng đơn vị sở ban ngành cùng phối hợp, đánh giá thực trạng hợp tác xã trên địa bàn để tập trung tín dụng vào những nơi có thể vượt qua khó khăn và có tiềm năng phát triển...

Minh Đức