Hiệp hội Ngân hàng làm việc với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, dự án IPSC
Ngày 26/4, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có buổi làm việc với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC). Buổi làm việc nhằm trao đổi, tìm hiểu và đánh giá nhu cầu hỗ trợ của Hiệp hội về hoạt động "Xây dựng và phát triển các dịch vụ cho doanh nghiệp (BDS)".
Giới thiệu tại buổi làm việc, bà Lê Thị Thu Hiền, Dự án IPSC cho biết IPSC là Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam, hiện là dự án hỗ trợ kỹ thuật lớn nhất do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ cho Việt Nam, trị giá 30 triệu USD, triển khai từ cuối năm 2021 – 2025. Năm 2024, mục tiêu của Dự án là tìm ra, hỗ trợ được cho những doanh nghiệp nhỏ (kể cả hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh…) có tiềm năng và đang tăng trưởng tại Việt Nam.
“Đến nay, Dự án đã cung cấp hỗ trợ cho gần 3.500 doanh nghiệp từ tư vấn chuyên sâu, tổ chức các khóa đào tạo miễn phí đến đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được tài chính. Thời gian qua, Dự án cũng đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với một số ngân hàng nhằm vừa đồng hành cùng Ngân hàng thiết kế sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu của nhóm doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng, vừa cung cấp chuyên gia tư vấn doanh nghiệp để quản lý tài chính tốt hơn, hoàn thiện hồ sơ tốt hơn”, bà Lê Thị Thu Hiền thông tin.
Bên cạnh đó, đại diện Dự án IPSC cũng bày tỏ mong muốn kết nối, trao đổi, hợp tác với Hiệp hội Ngân hàng để cùng tìm ra những vấn đề của hội viên Hiệp hội đang gặp phải.
Đồng hành cùng Dự án IPSC, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết, Cục Phát triển doanh nghiệp (AED) của Bộ Kế hoạch Đầu tư và Dự án IPSC đã trao đổi với VASEP triển khai chương trình lan tỏa hoạt động chính sách cho các Hiệp hội. Năm 2023, VASEP đã làm việc với 12 Hiệp hội tại miền Bắc. Năm 2024, Dự án IPSC dự định tăng gấp đôi về số lượng, triển khai cả khu vực miền Nam và miền Bắc.
Ông Nguyễn Hoài Nam đánh giá, Việt Nam chưa có tài liệu nào mang tính chính thống hướng dẫn các Hiệp hội cách vận hành để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Trong năm 2024, Dự án IPSC sẽ thực hiện các hoạt động khảo sát, đào tạo, tư vấn và ra mắt cuốn sách hướng dẫn cách thức hoạt động hiệu quả của các Hiệp hội tại Việt Nam.
Từ mục tiêu đó, Phó Tổng Thư ký VASEP mong muốn Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ chia sẻ về những hoạt động mà Hiệp hội đang thực hiện để phục vụ các tổ chức hội viên và cung cấp dịch vụ cho ngành hàng (BDS). Từ đó, VASEP và IPSC sẽ có thêm thông tin, hướng tới xây dựng và phát triển các dịch vụ cho doanh nghiệp hội viên.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đã giới thiệu một số thông tin chính về Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Theo đó, "Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã trải qua 30 năm thành lập và phát triển. Hiệp hội luôn giữ vững tôn chỉ mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; làm cầu nối giữa các hội viên với các cơ quan Nhà nước nhằm ổn định và phát triển an toàn, hiệu quả hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam, góp phần thực thi chính sách tiền tệ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Hiệp hội Ngân hàng đại diện cho các tổ chức hội viên phản ánh những khó khăn, vướng mắc tới cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đồng thời yêu cầu các tổ chức hội viên cần tuân thủ pháp luật trong mọi hoạt động.
Hiện Hiệp hội Ngân hàng có 75 hội viên, chia làm 4 nhóm, gồm: Nhóm ngân hàng; Nhóm công ty tài chính tiêu dùng; Nhóm trung gian thanh toán và Nhóm Đào tạo và Truyền thông.
Để hoạt động tốt, Hiệp hội Ngân hàng có 2 Ủy ban: Chính sách và Công nghệ trực thuộc Hội đồng Hiệp hội. Bên cạnh các phòng/ban, Hiệp hội Ngân hàng cũng có các tổ chức trực thuộc với các câu lạc bộ như Chi hội thẻ, Câu lạc bộ pháp chế ngân hàng Việt Nam, Câu lạc bộ Công nghệ Tài chính Ngân hàng Việt Nam, Câu lạc bộ xử lý nợ, Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng đã chia sẻ về thực tiễn công tác tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tổ chức hội viên; thực hiện vai trò cầu nối giữa các tổ chức hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên cũng như kinh nghiệm quản trị tổ chức và hoạt động của Hiệp hội…
Sau cuộc họp, các bên thống nhất sẽ tiếp tục làm việc để thúc đẩy hợp tác hiệu quả trong tương lai. Phó Tổng Thư ký VASEP bày tỏ mong đợi Việt Nam sẽ có nhiều Hiệp hội có năng lực và vị thế như Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.