Ngân hàng trung ương toàn cầu “tiến thoái lưỡng nan” khi FED chưa hạ lãi suất
Nếu các khu vực khác cắt giảm lãi suất mạnh hơn so với Mỹ, họ đương đầu với rủi ro gây tổn hại đến nền kinh tế của chính mình bởi chênh lệch về tỷ giá, chi phí nhập khẩu và lạm phát.
Nhà đầu tư trên các thị trường tài chính toàn cầu đang giảm bớt kỳ vọng vào những đợt hạ lãi suất của ngân hàng trung ương trên toàn cầu trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Mỹ đang đương đầu với nhiều thách thức trong cuộc chiến giá cả.
Khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố số liệu lạm phát gần đây, thị trường đang giảm kỳ vọng vào các đợt hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng như chính FED.
Lý giải cho điều này, chuyên gia kinh tế trưởng tại tổ chức ING ở New York, ông James Knightley, nói: “Những vấn đề lạm phát mà FED phải đối mặt có ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu và nhiều ngân hàng trung ương khác đơn giản không thể né tránh được. Đặc biệt nếu FED không sớm hạ lãi suất, đồng USD sẽ còn tăng hơn nữa, điều này gây ra sức ép với cả kinh tế châu Âu và làm giảm khả năng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương khác”.
Trước đây, một số quan chức cấp cao tại ECB và BOE nói rằng họ không đương đầu với vấn đề lạm phát như Mỹ, điều đó đồng nghĩa họ vẫn còn có dư địa để hạ lãi suất sớm.
Tuy nhiên loạt diễn biến gần đây cho thấy ảnh hưởng có phạm vi toàn cầu của các vấn đề lạm phát tại Mỹ.
Hiện tại, các nhà đầu tư trên thị trường dự báo ECB sẽ hạ lãi suất khoảng 0,7 điểm phần trăm trong năm nay, quyết định hạ lãi suất đầu tiên sẽ được đưa ra vào ngày 6/6/2024
Vào đầu năm nay, khi lạm phát tại Mỹ trong xu thế sụt giảm bền vững, các chuyên gia từng dự báo ECB sẽ hạ lãi suất 1,63 điểm phần trăm
Các thị trường hiện dự báo BOE sẽ hạ lãi suất 0,44 điểm phần trăm trong năm nay so với mốc 0,56 điểm phần trăm theo dự báo đưa ra hai tuần trước đó và 1,72 điểm phần trăm vào đầu năm nay.
Yếu tố chính khiến cho các thị trường giảm kỳ vọng vào mức hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn chính là bối cảnh thay đổi tại Mỹ.
Vào đầu năm 2024, các dự báo cho là FED sẽ có ít nhất hai đợt hạ lãi suất trong năm nay, tuy nhiên khi mà lạm phát tại Mỹ cao dai dẳng, nhiều khả năng FED sẽ hạ lãi suất rất ít hoặc không điều chỉnh lãi suất đồng USD trong năm nay.
Trong quá khứ, đã từng có lúc lãi suất của Mỹ và châu Âu diễn biến trái chiều. Tuy nhiên nếu các khu vực khác cắt giảm lãi suất mạnh hơn so với Mỹ, họ đương đầu với rủi ro gây tổn hại đến chính nền kinh tế của mình bởi chênh lệch về tỷ giá, chi phí nhập khẩu và lạm phát.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại Citigroup, ông Nathan Sheets, nhấn mạnh: “Sẽ là không dễ dàng cho ECB nếu họ cắt lãi suất mạnh tay trong môi trường mà FED vẫn đang kiềm chế”.
Trong số liệu công bố ngày thứ Sáu, chỉ số lạm phát mà FED hay sử dụng trong các nghiên cứu chính sách tiền tệ tăng 2,7% trong tháng 3/2024. Hiện tại còn đang xuất hiện đồn đoán về khả năng FED có thể nâng lãi suất trong 12 tháng tới.
Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Ngân hàng BNP Paribas, ông Marcelo Carvalho, cho rằng ECB luôn phải có những cân nhắc nhất định đến quyết định chính sách của FED.