Năm 2024, xuất khẩu gạo dự báo tương đương năm 2023 nhưng vẫn đảm bảo được an ninh lương thực
Theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, tổng lượng gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu tại đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 ước đạt 7,6 triệu tấn, theo đó 6 tháng đầu năm khoảng 4,38 triệu tấn, 6 tháng cuối năm khoảng 3,22 triệu tấn. Như vậy, lượng xuất khẩu gạo năm nay sẽ gần bằng năm 2023.
Đến nửa đầu tháng 4/2024, đã xuất khẩu gần 2,7 triệu tấn gạo
Tổng lượng gạo phục vụ xuất khẩu cho 6 tháng đầu năm ước khoảng 4,38 triệu tấn. Tổng lượng gạo phục vụ xuất khẩu 6 tháng cuối năm ước khoảng 3,22 triệu tấn. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, từ ngày 1/1 - 15/4/2024, xuất khẩu gạo đạt 2,691 triệu tấn, trị giá 1,744 triệu USD, tăng 13,49% về lượng và tăng 39,45% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023, giá xuất khẩu trung bình là 653,9 USD tấn.
Như vậy, lượng gạo xuất khẩu trong 2,5 tháng còn lại của nửa đầu năm nay khoảng 1,689 triệu tấn, cộng với lượng gạo 6 tháng cuối năm là 3,22 triệu tấn, từ nay đến cuối năm cả nước còn 4,90 triệu tấn gạo hàng hóa để phục vụ xuất khẩu.
Hiện trong nước đang bước vào cuối vụ Đông Xuân - vụ lúa lớn nhất tại các tỉnh miền Tây, sản lượng dồi dào phục vụ tốt cho hoạt động xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước trên thế giới vẫn được dự báo ở mức cao hơn tổng cung toàn cầu nên giá gạo xuất khẩu vẫn kỳ vọng tăng.
Dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Cục Xuất Nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương cho biết, nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn, các thị trường khác như: Philippines, Indonesia, Thái Lan và Campuchia... cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.
Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023-2024 ước đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn, như vậy dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo trong đó có Việt Nam. Năm 2024 Việt Nam có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo tương đương năm 2023 nhưng vẫn đảm bảo được an ninh lương thực trong nước.
Theo Cục XNK, trong những tháng đầu của năm 2024 xuất khẩu gạo đã có dấu hiệu khả quan. Việt Nam tiếp tục tích cực đàm phán trao đổi song phương với các đối tác nhập khẩu gạo Indonesia và Malaysia về việc xem xét tiến tới ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) thương mại gạo, tạo môi trường ổn định bền vững về thương mại gạo cho doanh nghiệp hai nước. Đồng thời mở rộng đàm phán ký kết MoU về thương mại gạo với các thị trường mới.
Các yếu tố biến đổi khí hậu như nhiệt độ trung bình tăng cao, thời tiết khắc nghiệt mưa lũ thiên tai... đã tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp nói riêng và canh tác nông nghiệp nói chung trên thế giới, làm giảm nguồn cung nhiều mặt hàng trong đó có gạo nâng giá các mặt hàng này trên thị trường thế giới, đồng thời tạo ra cơ hội để Việt Nam tiếp cận và trở thành nhà cung cấp thay thế tại nhiều thị trường.
Nhu cầu gạo thế giới dự kiến phục hồi rõ rệt hơn trong nửa sau của năm 2024
Tình trạng xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023 - 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long tập trung trong tháng 4 - 5 có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo vụ Hè Thu năm 2024.
Tuy kết quả xuất khẩu gạo đầu năm 2024 có tín hiệu tích cực nhưng vẫn cần quan sát, đánh giá nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn của Việt Nam. Đồng thời quan sát và tận dụng tốt cơ hội ở một số Quốc gia, khu vực khác ở châu Á, châu Phi; có kế hoạch phù hợp để đáp ứng trường hợp nhu cầu tiêu dùng gia tăng trở lại, dự kiến phục hồi rõ rệt hơn trong nửa sau của năm 2024.
Trong bối cảnh năm 2024 Ấn Độ tiếp tục áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo phi Basmati, gạo tấm và áp dụng thuế xuất khẩu 20% đối với lúa, gạo lứt và một số loại gạo khác trừ gạo đồ và Basmati để kiềm chế giá lương thực của nước này, do vậy tiếp tục tác động đến tổng nguồn cung gạo toàn cầu.
Theo Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) tỷ lệ các quốc gia và khu vực không đảm bảo an ninh lương thực đã chiếm tới 30,4% dân số thế giới. Vì vậy, gần 30 quốc gia đã thực hiện siết chặt hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa.
FAO dự báo, nhập khẩu gạo của Philippines trong năm 2024 đạt khoảng 4,1 triệu tấn, cao hơn con số 3,65 triệu tấn của năm 2023 theo ước tính của bộ nông nghiệp Philippines. Bên cạnh đó Tổng thống Philippines đã chấp thuận gia hạn thời gian giảm thuế đối với gạo và các mặt hàng thực phẩm khác cho đến cuối năm 2024 nhằm đảm bảo giá cả ổn định trong bối cảnh lo ngại về điều kiện thời tiết khô cạn do El Nino gây ra. Như vậy, thuế suất đối với gạo nhập khẩu sẽ vẫn ở mức 35%.
Chính phủ Indonesia dự kiến nhập khẩu gạo năm 2024 khoảng 3,6 triệu tấn tăng thêm 1,6 triệu tấn so với dự kiến ban đầu xuất phát từ việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm vì thiếu nước canh tác ảnh hưởng từ Hiện tượng El Nino trong năm 2023. Các thị trường truyền thống khác như Trung Quốc, châu Phi và khu vực Trung Đông cũng được dự báo tăng nhập khẩu gạo trong năm nay.