Những hệ lụy kinh tế từ xung đột ở Trung Đông
Những diễn biến địa chính trị gần đây ở Trung Đông, đặc biệt là xung đột Israel - Hamas, Israel - Iran leo thang đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột quy mô lớn hơn và tiếp tục tạo rủi ro cho kinh tế toàn cầu.
Gần đây, các cuộc xung đột liên tiếp xảy ra tại khu vực Trung Đông, từ xung đột giữa các lực lượng Hamas với Israel; các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu ở Vịnh Aden và Biển Ðỏ, cho đến hành động tấn công và trả đũa lẫn nhau giữa hai cường quốc khu vực là Iran và Israel.
Các cuộc xung đột tại khu vực có thể khiến nền kinh tế khu vực và thế giới bị chao đảo, khi giá năng lượng, đặc biệt là giá dầu mỏ và khí đốt thời gian qua liên tục bị đẩy lên cao. Giá dầu thô Brent lúc cao nhất đã tăng tới mức 92 USD/thùng và có thể còn tăng lên mức 100 USD/thùng nếu xung đột rộng hơn nổ ra ở Trung Đông. Giá dầu tăng sẽ tác động tới lạm phát, giá cả đầu vào nhiều loại nguyên vật liệu sản xuất.
Xung đột ở Trung Đông leo thang đe dọa tắc nghẽn vận tải biển. Bởi vịnh Aden là tuyến đường ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á. Trao đổi thương mại quốc tế qua tuyến đường chiến lược này chiếm tới 13% tổng thương mại thế giới, tương đương 2.400 tỷ USD mỗi năm. Biển Ðỏ là tuyến đường thương mại quan trọng vận chuyển tới 12% khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu. Còn Eo biển Hormuz là điểm vận chuyển dầu quan trọng nhất thế giới, xử lý khoảng 20% lượng dầu thô mà thế giới tiêu thụ hàng ngày.
Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu ở Vịnh Aden và Biển Ðỏ buộc một số hãng vận tải biển chủ chốt phải ngừng cho tàu di chuyển qua Biển Ðỏ và chọn tuyến đường biển quanh mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi. Ðiều này khiến chi phí vận tải tăng mạnh và căng thẳng gia tăng ở Biển Ðỏ làm gián đoạn hoạt động vận tải thương mại thế giới, gây thiệt hại nặng nề cho Ai Cập khi tàu thuyền chuyển hướng khỏi kênh đào Suez.
Nếu xung đột leo thang hơn nữa, không thể loại trừ khả năng Iran đóng cửa Eo biển Hormuz đối với các tàu thương mại trên Biển Ả rập. Trong kịch bản này, giá dầu thô và một số hàng hóa khác có thể tăng đáng kể do gần 30% tổng lượng dầu thế giới được vận chuyển qua eo biển Hormuz. Các nhà kinh tế cao cấp của Tập đoàn ING (Hà Lan) cảnh báo, bất kỳ sự gián đoạn nào qua Eo biển Hormuz cũng có thể gây ra tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, cản trở các tuyến thương mại quan trọng và kéo dài thời gian vận chuyển, dẫn đến trì hoãn sản xuất và lạm phát cao hơn.
Hồi cuối tháng 1/2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, hoạt động vận chuyển container qua Biển Ðỏ đã giảm gần 30% kể từ đầu năm do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi. Ông Rob Thummel, Giám đốc điều hành của Công ty đầu tư năng lượng Tortoise, dự đoán thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ thiếu nguồn cung trong quý II và quý III năm nay.
Trung Đông phải đối mặt với những hậu quả, bao gồm khả năng gián đoạn sản xuất dầu, chính sách tiền tệ thắt chặt ở các nước GCC (gồm 6 quốc gia vùng Vịnh: Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman) và thiệt hại về cơ sở hạ tầng ở Lebanon và Israel. Nền kinh tế Iran có thể suy giảm khoảng 5%, với lạm phát vượt quá 100%, do tham gia vào xung đột. Nền kinh tế Ai Cập có thể bị ảnh hưởng do lượng hàng hóa đi qua kênh đào Suez giảm.
Với Israel, Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global mới đây đã giảm mức xếp hạng dài hạn của nước này từ mức AA- xuống mức A+, sau những động thái quân sự với Iran. Tổng thâm hụt ngân sách của Chính phủ Israel được dự báo sẽ tăng lên mức 8% GDP trong năm 2024, chủ yếu do chi tiêu quốc phòng tăng. Nếu Iran gây ra gián đoạn hoặc chặn dòng dầu đi qua Eo biển Hormuz, họ sẽ không phải là quốc gia duy nhất chịu thiệt hại. Iraq, Qatar và Kuwait sẽ chịu chung ảnh hưởng.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2024, các quốc gia ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi (MENA) sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp “tương tự như giai đoạn trước đại dịch COVID-19”, trong bối cảnh bất ổn ngày càng gia tăng do cuộc xung đột ở Dải Gaza và các nền kinh tế trong khu vực thiếu cải cách cơ cấu.
Theo WB, GDP của MENA trong năm 2024 sẽ chỉ tăng 2,7%, cao hơn mức tăng 1,9% của năm 2023 nhưng thấp so với mức tăng trưởng trung bình của thế giới. Dự báo, tăng trưởng GDP năm nay của các nước xuất khẩu và nhập khẩu dầu trong khu vực MENA sẽ đạt tốc độ chậm hơn so với năm 2022, thời điểm giá dầu cao hơn đã thúc đẩy đà tăng trưởng ở các nước xuất khẩu dầu mỏ.
Trong khi đó, WB hạ dự báo tăng trưởng GDP của các nước thành viên GCC trong năm 2024 xuống còn 2,8%, từ mức dự báo 3,6% được đưa ra trước đó. Ngoài ra, WB điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng của GCC năm 2025 lên 4,7%, từ 3,8%, nhờ kỳ vọng về hoạt động mạnh mẽ của khu vực phi dầu mỏ và việc các mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện sẽ được giảm dần vào cuối năm nay.
Những diễn biến kinh tế trên thị trường toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ cho thấy, đã bắt đầu có những tác động khó lường. Giá năng lượng tăng cao có nguy cơ làm giảm khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất. Thị trường chứng khoán Mỹ biến động, đồng USD tăng giá do tác động từ xung đột ở Trung Đông.
Các tài sản khác như vàng - theo truyền thống được xem là tài sản trú ẩn an toàn, đã tăng lên mức cao kỷ lục mới. Ngày 24/4, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.327,86 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 5/4 trong phiên trước đó. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ ổn định ở mức 2.340,90 USD/ounce. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo những căng thẳng ở Trung Đông sẽ làm ngưng hoặc thậm chí đảo ngược một số tiến bộ gần đây đạt được trong nỗ lực giải quyết vấn đề lạm phát toàn cầu.
Sự leo thang căng thẳng ở Trung Đông đang đặt ra những thách thức mới cho chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Nếu giá năng lượng tiếp tục tăng do xung đột kéo dài hoặc lan rộng, áp lực lạm phát có thể gia tăng, buộc ECB phải cân nhắc lại kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này có thể dẫn đến việc trì hoãn hoặc thậm chí hủy bỏ kế hoạch cắt giảm lãi suất vào tháng 6.
Thống đốc ngân hàng trung ương Áo Holzmann trả lời phỏng vấn của CNBC: “Tại thời điểm này, tôi cho rằng rủi ro lớn nhất đến từ xung đột địa chính trị, từ những gì đã diễn ra ở Trung Đông”. Ông Holzmann nói thêm: “Như mọi người có thể tưởng tượng, chỉ khi một chiếc thuyền bị chìm ở Eo biển Hormuz và có thể có giá dầu khác, điều này tất nhiên có thể khiến chúng tôi phải suy nghĩ lại về chiến lược của mình”.
Hồi tháng 2, Viện Tài chính quốc tế (IIF - trụ sở ở Washington, Mỹ) đã công bố báo cáo về hậu quả kinh tế toàn cầu do chiến tranh khu vực. Theo đó, một kịch bản bi quan có thể khiến tăng trưởng toàn cầu giảm 0,4 điểm phần trăm so với kịch bản cơ sở vào năm 2024, dẫn đến tốc độ tăng trưởng toàn cầu chỉ còn 2,4%.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm từ mức 3,5% trong năm 2022 xuống mức 3,1% cho hai năm 2023 và 2024. Financial Express, tờ báo kinh tế của Ấn Độ cho rằng, căng thẳng leo thang ở Trung Đông đang đe dọa sự ổn định mong manh của khu vực, đồng thời lưu ý tác động tiềm tàng của nó đối với nền kinh tế toàn cầu.
Tình hình bất ổn ở Trung Đông cũng sẽ có tác động, ảnh hưởng đến Việt Nam, từ hoạt động xuất nhập khẩu, tỷ giá hối đoái giữa VNĐ và USD đến thị trường chứng khoán. Ngay từ cuối năm 2023, khi xây dựng các kịch bản kinh tế năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã luôn nhấn mạnh những thách thức liên quan đến xung đột địa chính trị toàn cầu, trong đó có khu vực Trung Đông.
Khi công bố báo cáo cập nhật kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đề cập: “Một trong những thách thức lớn nhất từ bên ngoài đối với kinh tế Việt Nam đến từ sự thiếu ổn định trên thị trường toàn cầu do các xung đột ở Ukraine và Trung Đông. Các thách thức này đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng và làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt đối với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam”.
Nhóm chuyên gia của BIDV và Chuyên gia Kinh tế Cấn Văn Lực, khi công bố báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế quý I, dự báo cả năm 2024, cũng nhấn mạnh đầu tiên tới những rủi ro, thách thức từ xung đột địa chính trị dai dẳng ở Ukraine, dải Gaza, Biển Đỏ… “Tất cả rủi ro này đều đang hiện hữu. Đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, sức cầu phục hồi nhưng còn yếu, yếu tố rủi ro - bất định còn ở mức cao, và điều này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch của Việt Nam”. Do đó, Việt Nam cần có các biện pháp hóa giải thách thức để duy trì sự tăng trưởng trong thời gian tới.