Doanh nghiệp

Lợi nhuận quý I/2024 của Lọc hóa dầu Bình Sơn đi lùi

Hoàng Hà 02/05/2024 - 21:14

Theo Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn việc phải dừng nhà máy bảo dưỡng định kỳ, đồng thời khoảng cách giữa giá dầu thô và giá sản phẩm sụt giảm là nguyên nhân kéo lợi nhuận quý I/2024 của doanh nghiệp đi lùi.

bsr.jpg

Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 30.696 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, công ty lãi gộp 1.256 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ, kéo biên lợi nhuận còn 4,1% (cùng kỳ đạt 6,1%).

Trong kỳ, doanh thu tài chính của công ty giảm 36% so với cùng kỳ, do lãi chênh lệch tỷ giá giảm, còn 520 tỷ đồng; nhưng chi phí tài chính cũng giảm tới 60% so với cùng kỳ nhờ giảm lỗ tỷ giá, còn 256 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí bán hàng giảm 54% xuống 148 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 26% lên 111 tỷ đồng.

Kết quả, công ty báo lãi sau thuế quý I đạt hơn 1.115 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ.

Theo giải trình của Lọc hóa dầu Bình Sơn, trong quý I/2024, nhà máy đã tạm dừng sản xuất để tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần 5 từ ngày 15/3/2024. Việc bảo dưỡng này đáng lẽ diễn ra từ năm 2023, nhưng được dời sang năm 2024 theo quyết định tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Đợt bảo dưỡng kéo dài dưới 48 ngày, nên một phần ảnh hưởng sẽ được ghi nhận vào quý II/2024.

Ngoài việc tạm dừng nhà máy để bảo dưỡng, một nguyên nhân nữa khiến lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm là do mặc dù giá dầu thô trong quý I/2024 tăng so với cùng kỳ, nhưng khoảng cách giá dầu và thành phẩm (cracking spread) lại thấp hơn năm trước.

Về tình hình tài chính, đến cuối quý I/2024, tổng tài sản công ty gần 75.000 tỷ đồng, giảm hơn 13% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm 16%, còn gần 56.710 tỷ đồng, chủ yếu do hàng tồn kho giảm 47% xuống 8.213 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn giảm 46% còn 8.058 tỷ.

Tuy nhiên, lượng tiền mặt và tiền gửi mà doanh nghiệp đang nắm giữ lại tăng hơn 6% so với đầu năm, lên hơn 40.335 tỷ đồng. Với số tiền mặt và tiền gửi này, Lọc hóa dầu Bình Sơn đang xếp thứ hai trong số các doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền mặt nhất sàn chứng khoán (không bao gồm các công ty trong lĩnh vực tài chính), chỉ sau PVGas.

Trong kỳ, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng tăng 78% lên hơn 2.127 tỷ đồng, do ghi nhận 929 tỷ đồng chi phí triển khai hệ thống Quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp (ERP) giai đoạn 1 (đầu năm chỉ hơn 5 tỷ đồng).

Về nguồn vốn, hầu hết nợ phải trả của công ty là nợ ngắn hạn, ghi nhận hơn 16.000 tỷ đồng, giảm mạnh 44% so với con số hơn 28.400 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là vay nợ ngắn hạn đã giảm 18% trong quý I, còn 8.937 tỷ đồng, toàn bộ là vay ngân hàng.

Hoàng Hà