Doanh nghiệp Việt cần làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế?
Nhiều cơ hội để khai thác các thị trường lớn như các nước EU nhưng doanh nghiệp Việt buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của những quốc gia này.
Nhận định về tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp Việt, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, quý I vừa qua, với sự phục hồi của thị trường thế giới và những nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và ngành Ngân hàng, xuất khẩu đã tăng trưởng mạnh. Kim ngạch xuất khẩu đã tăng đến 17% so với cùng kỳ năm trước, nhất là khu kinh tế trong nước tăng đến 25%, còn khu vực nước ngoài (FDI) tăng khoảng 13% là tín hiệu rất là đáng mừng.
Xuất khẩu tăng trên tất cả mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tuy nhiên, mức tăng này so với nền thấp của năm 2023 và xuất khẩu nhìn chung vẫn đang rất khó khăn.
Trong các thị trường lớn, hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Trong khối EU, Hà Lan, Pháp, Đức, Ý là những thị trường lớn và xuất khẩu của Việt Nam vào các nước này trong năm 2023 rất mạnh. Ở châu Âu còn có một số thị trường tăng trưởng 2 con số trong năm 2023 là Tây Ban Nha, Thụy Điển, Hungary…,
Bà Lê Thị Thanh Minh - Trưởng phòng châu Âu, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương nhận định, EU là thị trường rất nhiều tiềm năng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể đẩy mạnh tiếp cận, xúc tiến bán hàng vào thị trường này, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải đáp ứng được những tiêu chuẩn rất khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và lao động.
“Doanh nghiệp phải lưu ý đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật này để được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu vào EU”, bà Lê Thị Thanh Minh nói thêm.
Ngoài EU, TS. Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu còn nhiều cơ hội để khai thác các thị trường khác bằng việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, các nền kinh tế có điều kiện tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Bangladesd… cũng đang gia tăng sức cạnh tranh với những mặt hàng xuất khẩu tương đồng. Do vậy, nếu doanh nghiệp xuất khẩu Việt không có cách thức để nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ chịu áp lực rất lớn.
Cùng với đó, kinh tế xanh, phát triển bền vững và đề cao trách nhiệm xã hội cũng là những yếu tố mà các thị trường lớn trên thế giới rất chú trọng. Để thâm nhập vào các thị trường châu Âu, và sắp tới là Mỹ, Nhật... TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng sẽ cần sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp để vượt qua hàng loạt những tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật.
Ngoài ra, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng dẫn chứng doanh nghiệp Việt thường khá hời hợt, không kiểm tra kỹ các điều khoản khi ký hợp đồng, dẫn đến tình trạng ký xong mới phát hiện có vấn đề.
“Doanh nghiệp Việt muốn có quan hệ làm ăn bền vững phải bám sát các quy định quốc tế và cần có sự tham gia của các chuyên gia hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm giao dịch an toàn. Có biện pháp quản trị rủi ro, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đưa vào kế hoạch của doanh nghiệp”, TS. Vũ Tiến Lộc lưu ý.
Cùng với đó, theo TS. Vũ Tiến Lộc, khi ký hợp đồng thương mại quốc tế, doanh nghiệp phải lưu ý về quy định xử lý tranh chấp. Khi có tranh chấp, nên giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hòa giải thay vì đưa ra tòa như tại Việt Nam.