Các Hiệp hội ngành, nghề

Xuất khẩu hạt điều sẽ tăng trưởng trong quý II/2024

Duy Khang 06/05/2024 - 08:52

Hầu hết các thị trường xuất khẩu điều chủ lực của Việt Nam đều tăng, đáng chú ý có một số thị trường ghi nhận mức tăng trưởng đến 3 con số.

dieu.jpg
Ảnh minh họa

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch kim ngạch xuất khẩu hạt điều ước đạt 1,16 tỷ USD, tăng 21,82% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam trong tháng 3/2024 đạt mức 5.354 USD/tấn, tăng 0,3% so với tháng trước đó, nhưng giảm 9,8% so với tháng 3/2023.

Tính chung quý I/2024, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.368 USD/ tấn, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Cục Xuất khẩu nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương cho biết, tháng 3/2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống và tiềm năng tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm ngoái, ngoại trừ các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Ả rập Xê út.

Tính chung quý I/2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ Ả rập Xê út. Đáng chú ý, tốc độ xuất khẩu hạt điều sang một số thị trường ghi nhận mức tăng 3 con số, như: Trung Quốc, Nga …

Xuất khẩu hạt điều sẽ tăng trong quý II

Ông Tạ Quang Huyên, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 cho biết, xuất khẩu điều nhân trong quý I/2024 tăng trưởng mạnh là do giá nhân điều quá rẻ, nên lượng tiêu thụ trên thế giới tăng trưởng tốt hơn nhiều so với lúc trước.

Tiêu thụ điều nhân tăng do người tiêu dùng ăn hạt điều nhiều hơn và nhà nhập khẩu thấy giá nhân điều rẻ cũng sẵn sàng mua về để tăng tồn kho trở lại.

Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục về giá trị vào năm 2021, với 3,63 tỷ USD.
Tuy nhiên, năm 2022, xuất khẩu hạt điều giảm 10,3% về lượng và 15,1% về giá trị, đạt 519.782 tấn và 3,08 tỷ USD. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu điều tăng 18% so với năm 2022, đạt 3,6 tỷ USD.
Theo dự báo, thị trường hạt điều toàn cầu sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027. Xu hướng ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật đã làm cho nhu cầu về các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt tăng cao, trong đó có hạt điều.
Việt Nam hiện vẫn duy trì vị trí số một thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu hạt điều, chiếm hơn 75% lượng nhân điều được xuất khẩu trên toàn cầu và đã trở thành quốc gia làm chủ về công nghệ.

Cục XNK dự báo, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ tăng trong các tháng của quý II/2024 nhờ nhu cầu thế giới tăng. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ tại Hoa Kỳ có dấu hiệu phục hồi, tồn kho giảm mạnh sẽ kéo theo nhập khẩu tăng.

Tại châu Á, thị trường Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng hạt điều của Việt Nam nhờ nguồn cung ổn định quanh năm và chất lượng sản phẩm tốt. Ngoài ra, khu vực châu Á không bị ảnh hưởng do xung đột biển Đỏ, đây là điều kiện tốt cho xuất khẩu hạt điều của Việt Nam.

Theo Văn phòng Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong tháng 4/2024, một số nhà chế biến đã ký hợp đồng xuất khẩu điều nhân giao xa và hiện đang thiếu điều thô để chế biến buộc phải mua điều thô với mức giá cao. Một số khác đợi xem tình hình thị trường điều nhân thế nào trước khi mua thêm điều thô. Bởi lẽ, họ chưa biết liệu giá điều nhân có tăng hay không trong khi giá điều thô hiện khá cao, không cân đối được với giá điều nhân.

“Nhu cầu điều thô trên thị trường thế giới tăng từ cuối tháng 3, giá tăng nhẹ dù chất lượng trung bình giảm. Hiện nay, giá điều thô chào trên thị trường có nhiều mức giá khác nhau tùy chất lượng, tính uy tín của nhà cung cấp và người mua, áp lực bán hàng… còn giá được “chốt” ở mức nào thì tùy kết quả đàm phán của các bên”, vị đại diện Văn phòng Vinacas nói.

Tiêu thụ hạt điều size lớn tăng mạnh tại thị trường Trung Quốc

Việt Nam và Campuchia đã sang vụ thu hoạch thứ 2, tỷ lệ thu hồi đạt khoảng 24-25% đối với hạt size nhỏ và 26-28% đối với hạt size lớn, giá tăng khoảng 2.000 đồng/kg do nhu cầu của các nhà chế biến đang tăng.

Trong khi đó giá điều thô Tây Phi tăng nhanh hơn giá điều nhân. Nhu cầu mua điều thô tăng nhưng giá điều nhân hiện không cân đối được với giá điều thô.

Theo nhận định một số chuyên gia trong ngành, hiện tượng thời tiết nắng nóng gay gắt, sản lượng vụ thứ 2 và 3 của Campuchia và Việt Nam có thể thấp hơn nhưng tổng sản lượng năm 2024 sẽ tương đương năm 2023.

Bên cạnh đó, nhiều nhà thương mại điều thô đã thông báo rằng, lượng điều thô đang về rất ít; sản lượng ở IVC thiếu hụt 30%. Song, một số khác lại cho rằng vụ mùa có thể chỉ bị thiếu hụt 5-10%. Đặc biệt sự thiếu hụt trên thị trường một phần là do có sự đầu cơ từ nông dân cũng như một số thương lái giữ hàng lại, chờ giá lên cao mới đưa ra bán.

Giới phân tích cho rằng so với 1 tháng trước, giá điều nhân tăng 10 – 12%, trong khi giá điều thô được chào tăng 18%. Trong tình hình giá điều thô và điều nhân biến động như hiện nay, để bảo đảm không lỗ, nhà chế biến cần tỉnh táo, lấy giá điều nhân đã bán được làm chuẩn.

Cụ thể, giá điều nhân tăng bao nhiêu % thì chấp nhận mua điều thô với giá tăng bấy nhiêu %. Hiện nay nhu cầu điều nhân từ thị trường châu Âu có vẻ lớn hơn thị trường Mỹ. Nhiều người mua điều nhân đang theo dõi thị trường vì họ đã có được lượng hàng khá ổn rồi.

Một số doanh nghiệp giao dịch nhiều với thị trường Trung Quốc cho biết, năm nay người Trung Quốc mua rất nhiều hạt điều vỏ lụa size to, sau khi cắt tách mang sang Trung Quốc rang/bóc vỏ để tránh thuế cao.

Thuế đối với hạt nhân còn nguyên vỏ qua biên giới chỉ 2.36%, nhập khẩu chính ngạch qua đường biển là 9% trong khi thuế đối với điều nhân rang cả vỏ lụa là 13%.

Ngoài ra còn có một công ty FDI lớn mua rất nhiều hạt size lớn như W180, W210, họ mua trong bao PP mang về kho ngoại quan và thanh toán trong vòng 5 ngày làm việc, ước tính khoảng vài trăm container W180 đã được giao về kho ngoại quan trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4.

Hiện nay, việc tiêu thụ hạt điều size lớn đang tăng lên ở Trung Quốc vì giá rẻ hơn so với một số năm trước.

Duy Khang