Giá cà phê đột ngột giảm mạnh và mất mốc 100.000 đồng/kg
Sau khi tăng mạnh và đạt đỉnh ở mức 134.400 đồng/kg tại Đắk Nông vào ngày 30/4, qua ngày 1/5 giá cà phê đột ngột giảm mạnh suốt tuần qua đến ngày hôm nay (6/5) đã chính thức rời khỏi mốc 100.000 đồng/kg.
Các nguyên nhân khiến giá cà phê giảm mạnh
Sáng ngày 6/5/2024, giá cà phê trong nước tiếp nối đà sụt giảm và giảm thêm 1.000 đồng/kg so với ngày hôm trước, khiến giá mặt hàng này chính thức rời khỏi mốc 100.000 đồng/kg. Cụ thể, giá cà phê cao nhất là tại Đắk Nông ở mức 100.500 đồng/kg, Đắk Lắk là 100.000 đồng/kg, tại Lâm Đồng, Gia Lai giao dịch ở mức 99.000 đồng/kg.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, kỳ hạn giao hàng tháng 5 đã hết và chuyển sang kỳ hạn tháng 7. Các bên ôm hàng đẩy ra khiến giá hai sàn đồng loạt sụt giảm. Giá Robusta kỳ hạn tháng 7/2024 trên sàn London giảm 139 USD, tương đương 3,8%, chốt ở 3.541 USD/tấn, tiếp nối đà giảm từ mức cao kỷ lục 4.338 USD/tấn một tuần trước. Giá Arabica giao cùng kỳ hạn trên sàn New York giảm 2,6%, xuống mức 200,75 UScent/lb, mức thấp nhất một tháng. Tính chung cả tuần, hợp đồng này đã giảm 10%.
Dữ liệu cho thấy, tồn kho cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe tính đến ngày 3/5/2024 đạt 40.590 tấn - mức cao nhất trong 5 tháng qua. Trong khi, tồn kho cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US cũng phục hồi lên mức cao nhất trong 1 năm qua, đạt 689.178 bao.
Giá giảm sâu được cho là do cà phê bị bán tháo rất mạnh, thời tiết bớt khô hạn tại các khu vực trồng chính, cùng những căng thẳng ở Trung Đông hạ nhiệt khiến giảm bớt lo ngại về việc vận chuyển hàng hoá.
Một số nhận định cho rằng, giá cà phê chỉ hạ nhiệt tạm thời và không loại trừ khả năng có thể sẽ bất ngờ tăng tiếp trong thời gian tới. Vì xét trong dài hạn, tình trạng cung ít hơn cầu vẫn còn.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết có 4 yếu tố chính tác động lên thị trường cà phê:
Thứ nhất, tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino làm cho thời tiết trở nên cực đoan hơn, nắng nóng gây ra khô hạn trên diện rộng làm thiếu nước ở các vùng trồng làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng ra hoa tạo trái của cây cà phê, dẫn đến giảm năng suất và sản lượng. Nhưng bây giờ hiện tượng El Nino gây ra khô hạn toàn cầu cơ bản đã chấm dứt chỉ còn tác động lên một số vùng.
Thứ hai là yếu tố cung cầu, hiện nay Brazil bắt đầu vào thu hoạch đến tháng 6, tháng 7 là rộ vụ và nguồn cung cà phê ra thị trường sẽ dồi dào hơn trước.
“Brazil cũng như Việt Nam, tháng 10 bắt đầu thu hoạch đến tháng 11, tháng 12 là rộ vụ. Khi vào chính vụ thì nguồn cung cà phê sẽ dồi dào hơn giúp giảm áp lực về giá”, Chủ tịch Vicofa nói.
Thứ ba, giá cà phê tăng mạnh có sự góp sức của các nhà đầu cơ tài chính, họ cũng là tác nhân thao túng thị trường trong thời gian qua và có thể tạo ra sốt giá ảo, hiện nay họ đang thanh lý để thu hồi vốn nên giá cà phê liên tục sụt giảm.
Thứ tư, ngoài các yếu tố trên thì theo Báo cáo mới nhất của ICO, trong 6 tháng đầu vụ xuất khẩu cà phê toàn cầu vẫn tăng cho dù lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam có giảm.
Cảnh báo các địa phương về việc chuyển đổi diện tích cây trồng sang cây cà phê
Nhận định về diễn biến giá cà phê trên thị trường trong thời gian tới, Chủ tịch Vicofa cho rằng, dựa theo các yếu tố đã phân tích trên và nếu như thời tiết vẫn ổn định và càng ngày càng tốt lên, sắp tới đây Brazil vào chính vụ nguồn cung dồi dào, nhà đầu cơ ít đầu cơ vào cà phê thì giá cũng sẽ xuống, nhưng ở mức độ chừng mực chứ không xuống thấp, do có nhiều dự báo nguồn cung cà phê toàn cầu năm nay không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
“Cho dù hiện nay Brazil vào vụ nhưng lượng hàng hóa cung ra thị trường phải đến tháng 7 mới rộ hàng, nên từ nay đến đó giá cà phê sẽ không quá căng quá và tăng đột biến như vừa rồi. Nhìn chung, giá cà phê giao dịch ở mức trên dưới 100.000 đồng/kg là tốt cho người nông dân, còn ao ước giá 130.000 đồng/kg hay 140.000 đồng/kg thì khó. Giá cà phê thời gian qua luôn ở mức cao kích thích bà con đua nhau mua cây giống và có hiện tượng tăng diện tích trồng mới cà phê kể cả diện tích tái canh. Vicofa đã cảnh báo các địa phương về việc chuyển đổi diện tích cây trồng sang cây cà phê”, ông Hải nói.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu cà phê trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt gần 670.000 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2023; thu về 2,23 tỷ USD, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 3/2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 3.555 USD/tấn, tăng 8,0% so với tháng 2/2024 và tăng 55% so với tháng 3/2023. Tính chung quý I/2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 3.289 USD/tấn, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái
Tháng 3/2024, xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường giảm về lượng, nhưng vẫn tăng mạnh về trị giá so với tháng 3/2023, gồm: Đức, Hoa Kỳ, Bỉ… Trong khi đó, xuất khẩu cà phê sang các thị trường Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Indonesia, Hà Lan… tăng mạnh cả về lượng và trị giá. Tính chung quý I/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống và tiềm năng đều tăng mạnh về trị giá. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang một số thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao, gồm: Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Indonesia, Hà Lan ...