4 tháng đầu năm, ngân sách nhà nước thặng dư hơn 211 nghìn tỷ đồng
Theo Bộ Tài chính, 4 tháng đầu năm, cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) được đảm bảo khi lũy kế thu ước đạt 733,4 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi đạt 522,2 nghìn tỷ đồng. Cả thu và chi trong 4 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tổng thu NSNN thực hiện tháng 4: ước đạt 175,6 nghìn tỷ đồng, bằng 10,3% dự toán, bằng 94,4% mức thu bình quân tháng của quý I (thấp hơn khoảng 10,4 nghìn tỷ đồng).
Trong đó, thu nội địa ứớc đạt 149,3 nghìn tỷ đồng, bằng 10,3% dự toán, bằng 93,2% mức thu bình quân tháng của quý I; thu từ dầu thô: Ước đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, bằng 12% dự toán và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu: Ước đạt 20,8 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế đạt 30,4 nghìn tỷ đồng, bằng 8,1% dự toán, bằng 101,6% mức thu bình quân tháng của quý I (tăng khoảng 590 tỷ đồng); hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ trong tháng khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng.
Lũy kế thu NSNN 4 tháng đầu năm: ước đạt 733,4 nghìn tỷ đồng, bằng 43,1% dự toán, tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2023 (NSTW ước đạt 46,5 dự toán; NSĐP ước đạt 39,7% dự toán).
Về chi NSNN, tổng chi cân đối NSNN tháng 4 ước đạt 138,4 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng đạt 522,2 nghìn tỷ đồng, bằng 24,6% dự toán, tăng 4,4% so cùng kỳ năm 2023, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 115,9 nghìn tỷ đồng, bằng 17,1% dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ giải ngân ước đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 4,8% so cùng kỳ năm 2023; chi trả nợ lãi ước đạt 35,7% dự toán, tăng 17,4%; chi thường xuyên ước đạt 29,1% dự toán, tăng 3% so cùng kỳ năm 2023.
Bộ Tài chính nhận định cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương trong 4 tháng đầu năm được đảm bảo. Tính đến ngày 25/4/2024, đã thực hiện phát hành gần 102,97 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 11,22 năm, lãi suất bình quân 2,23 %/năm.
Về công tác quản lý giá, Bộ Tài chính nhận định trong tháng 4, giá các mặt hàng tương đối ổn định do nguồn cung vẫn khá dồi dào trong khi nhu cầu không cao. Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng tăng giá nhẹ như thịt lợn hơi, gạo; bên cạnh đó, cũng có mặt hàng giảm giá như khí hóa lỏng (LPG).
“Nhìn chung, trong 4 tháng đầu năm, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, diễn biến theo đúng với kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá đã đề ra”, Bộ Tài chính nêu.
Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá xăng, dầu thế giới để điều hành giá xăng, dầu trong nước phù hợp với tình hình thị trường. Trên cơ sở đó, sau 17 kì điều hành giá kinh doanh xăng, dầu trong nước từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng xăng, xăng có 7 lần giảm, 10 lần tăng; dầu diesel (DO) và dầu hỏa có 8 lần giảm, 9 lần tăng; dầu mazut 3,5 S (FO) có 5 lần giảm, 12 lần tăng.