Các Hiệp hội ngành, nghề

Lường tránh các rủi ro tranh chấp trong giao dịch thương mại và đầu tư

Linh Linh 09/05/2024 - 18:16

Ưu thế về địa lý luôn là một trong những đặc thù quan trọng của quan hệ đối tác kinh tế chiến lược giữa Việt Nam và Trung Quốc nhưng rủi ro tranh chấp trong các giao dịch xuyên biên giới luôn có thể xả ra do có sự khác biệt về hệ thống chính trị, pháp luật và ngôn ngữ.

z5421580718558_d790e97bf60b916909a2f7edd993416a.jpg
Lường tránh các rủi ro tranh chấp trong giao dịch thương mại và đầu tư

Rủi ro, tranh chấp luôn có thể xảy ra

Trong hoạt động kinh tế, thương mại, bên cạnh những hoạt động giao thương thường sẽ đi kèm với tranh chấp. Đặc biệt đối với các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại xuyên biên giới việc xảy ra tranh chấp lại càng dễ xảy ra hơn do có sự khác biệt về hệ thống chính trị, pháp luật và ngôn ngữ.

Đây là những lưu ý được đưa ra tại Hội thảo với chủ đề: “Trọng tài quốc tế: Thuận lợi hóa Thương mại và Đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam”, do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Ủy ban Trọng tài Thương mại và Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (CIETAC) phối hợp tổ chức ngày 8/5/2024.

Ưu thế về địa lý luôn là một trong những đặc thù quan trọng của quan hệ đối tác kinh tế chiến lược giữa Việt Nam và Trung Quốc. Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 171,85 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 61,21 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2022.

Việt Nam và Trung Quốc đều là những nền kinh tế mở với nhiều thành tựu nổi trội đạt được trong thời gian qua, quan hệ thương mại giữa hai nước tiếp tục duy trì nhịp độ phát triển và có xu hướng gia tăng về quy mô nhưng tính chất phức tạp của các giao dịch cũng gia tăng.

Tại Hội thảo, ông Wang Chengjie – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trọng tài Thương mại và Kinh tế Trung Quốc (CIETAC) cho quốc, trong những năm gần đây, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam cũng cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Tuy nhiên, ông Wang Chengjie cũng cho rằng, trong hoạt động kinh tế, thương mại bên cạnh những hoạt động giao thương thường sẽ đi kèm với tranh chấp. Đặc biệt trong hợp tác kinh tế, thương mại xuyên biên giới việc xảy ra tranh chấp lại càng dễ xảy ra hơn do có sự khác biệt về hệ thống chính trị, pháp luật và ngôn ngữ.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang _ Giám đốc Trung tâm WTO và Hội Nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý: Với số lượng giao dịch và tần xuất giao dịch thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc nhiều như những năm gần đây nên rủi ro xảy ra tranh chấp cao hơn so với giao dịch thương mại và đầu tư với các đối tác khác.

“Chúng ta không muốn gặp rủi ro, chúng ta không muốn có tranh chấp, nhưng mọi giao dịch đều ẩn chứa nguy cơ phát sinh tranh chấp, đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới” bà Trang nói.

Chọn cơ chế phòng ngừa và giải quyết tranh chấp

Tại hội thảo các chuyên gia đã liệt kê những rủi do, tranh chấp lớn nhất, hay gặp nhất, đó là do xung đột pháp luật và sự thiếu tương thích, thiếu ổn định của quy định pháp luật, thiếu thống nhất trong áp dụng. Nhiều luật mới ban hành, nhiều luật được sửa đổi, nhiều quy định mới chưa có hướng dẫn cụ thể.

Bên cạnh đó là bất cập trong việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, bản án của tòa án nước ngoài. Và còn nguy cơ dẫn đến tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư. Chưa kể những rủi ro liên quan đến bảo mật thông tin và rủi ro về giả mạo, lừa đảo trong thương mại, đầu tư quốc tế. Nhiều vụ việc xảy ra nhưng giải quyết tranh chấp kéo dài và kết quả cũng khó lường.

luật sư Nguyễn Duy Linh -thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF – Hồng Đức) lưu ý, quan hệ thương mại và đầu tư nói chung và giữa Việt Nam – Trung Quốc nói riêng có thể chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật nên tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các xung đột pháp luật.

Không những vậy, các giao dịch còn chịu sự điều chỉnh bởi các hiệp định song và đa phương mà Việt Nam và Trung Quốc đã ký (hiện có ít nhất 10 hiệp định song phương về thương mại đầu tư); Các giao dịch đó còn chịu tác động của luật do lựa chọn của các bên trong hợp đồng.

Do đó, lời khuyên của Luật sư Linh và các diễn giả là, trước khi ký hợp đồng và tiến hành hợp tác đầu tư, cần tìm hiểu kỹ quy định pháp luật liên quan của nước nơi thực hiện các hoạt động thương mại, đầu tư và thông tin liên quan đến đối tác trước khi giao kết hợp đồng.

Đồng thời, cần rà soát, nghiên cứu kỹ các vấn đề pháp lý liên quan, đặc biệt xác định và lựa chọn luật điều chỉnh đối với hợp đồng, hoạt động đầu tư; Nghiên cứu kỹ tính hợp pháp của hợp đồng và mô hình đầu tư và các vấn đề liên quan đến hình thức, thủ tục đầu tư, vấn đề về thanh toán; cơ chế giải quyết tranh chấp;

Việc soạn thảo hợp đồng cần chặt chẽ, rõ ràng, tính đến đầy đủ các khả năng có thể xảy ra. Sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý, xây dựng cơ chế phòng ngừa và giải quyết tranh chấp, lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp; Lên kế hoạch, chiến lược hành động rõ ràng và kịp thời khi xảy ra tranh chấp để tránh bị động.

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả mà doanh nghiệp và nhà đầu tư nên lựa chọn. “Trọng tài quốc tế đã được công nhận rộng rãi trên thế giới là một phương thức hữu hiệu giúp giải quyết các giao dịch xuyên biên giới”, TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VIAC khẳng định.

Linh Linh