Đề xuất hướng dẫn việc xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành Ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn về xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành Ngân hàng. So với quy định tại Thông tư số 28/2013/TT-NHNN, dự thảo Thông tư thay thế này đã bỏ và bổ sung nội dung "không trả lại tiền giả, tiền nghi giả cho khách hàng".
Dự thảo nêu rõ, Thông tư hướng dẫn việc thu giữ tiền giả; tạm thu giữ tiền nghi giả; giám định tiền giả, tiền nghi giả; đóng dấu, bấm lỗ tiền giả; đóng gói, giao nhận, bảo quản, vận chuyển và tiêu hủy tiền giả trong ngành Ngân hàng.
Điều 4 dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả gồm:
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ngân hàng Nhà nước chi nhánh), Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi phát hiện tiền giả trong giao dịch tiền mặt với khách hàng phải thu giữ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này; khi phát hiện tiền nghi giả phải tạm thu giữ theo quy định tại Điều 6 Thông tư này, không trả lại tiền giả, tiền nghi giả cho khách hàng.
Người làm công tác thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả phải được tập huấn kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả hoặc bồi dưỡng về nghiệp vụ giám định tiền. Người làm công tác giám định tiền giả, tiền nghi giả của Ngân hàng Nhà nước phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ giám định tiền.
So với quy định tại Thông tư số 28/2013/TT-NHNN, dự thảo Thông tư thay thế này đã bỏ khoản 3 (Điều 4) và bổ sung nội dung "không trả lại tiền giả, tiền nghi giả cho khách hàng".
Về thu giữ tiền giả, dự thảo nêu, trong giao dịch tiền mặt với khách hàng, khi phát hiện đồng tiền có dấu hiệu nghi giả, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối chiếu với đặc điểm bảo an trên tiền thật (hoặc tiền mẫu) cùng loại hoặc thông báo về đặc điểm và cách nhận biết tiền Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước đã công bố để xác định là tiền thật hay tiền giả, đối chiếu với thông báo về đặc điểm nhận biết tiền giả của Ngân hàng Nhà nước (hoặc Bộ Công an) và xử lý như sau:
Trường hợp khẳng định là loại tiền giả đã được Ngân hàng Nhà nước (hoặc Bộ Công an) thông báo bằng văn bản, phải thực hiện thu giữ, lập biên bản theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 87/2023/NĐ-CP ngày 08/12/2023 của Chính phủ, đóng dấu và bấm lỗ tiền giả. Việc đóng dấu, bấm lỗ tiền giả thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này.
Trường hợp xác định là tiền giả loại mới, phải thực hiện thu giữ và lập biên bản theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 87/2023/NĐ-CP ngày 08/12/2023 của Chính phủ nhưng không đóng dấu, không bấm lỗ tiền giả.
Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày thu giữ tiền giả loại mới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch phải thông báo bằng văn bản cho Cục Phát hành và Kho quỹ; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thông báo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn hoặc Sở Giao dịch. Nội dung thông báo bao gồm các thông tin về loại tiền, số lượng, seri và mô tả đặc điểm của tiền giả.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp, xử lý khi phát hiện một trong các trường hợp sau: Có dấu hiệu nghi vấn tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; tiền giả loại mới; có 5 tờ tiền giả (hoặc 5 miếng tiền kim loại giả) hoặc nhiều hơn trong một giao dịch; khách hàng không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả.
Trong quá trình kiểm đếm, phân loại, tuyển chọn tiền, sau khi giao nhận tiền mặt theo bó, túi nguyên niêm phong trong ngành ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khi phát hiện tiền giả, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xử lý như đối với tiền giả phát hiện trong giao dịch tiền mặt quy định.
Đối với tiền nghi giả, dự thảo Thông tư quy định, trong giao dịch tiền mặt với khách hàng, khi phát hiện tiền nghi giả, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tạm thu giữ và lập biên bản theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 87/2023/NĐ-CP ngày 08/12/2023 của Chính phủ.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tạm thu giữ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải chuyển tiền nghi giả, văn bản đề nghị giám định theo quy định và bản sao biên bản tạm thu giữ tiền nghi giả đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn hoặc Sở giao dịch để giám định.
Về giao nhận, vận chuyển tiền giả, dự thảo Thông tư nêu rõ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải giao nộp toàn bộ số tiền giả đã thu giữ về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn hoặc Sở Giao dịch theo định kỳ hàng tháng, trừ số tiền giả loại mới giao nộp theo quy định tại Khoản 4 Điều này. Việc giao nhận tiền giả thực hiện theo tờ/miếng và phải được lập biên bản theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 87/2023/NĐ-CP ngày 08/12/2023 của Chính phủ.
Phương thức vận chuyển tiền giả do Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định, đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch có trách nhiệm kiểm tra tính xác thực của từng tờ tiền giả do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giao nộp.
Trường hợp phát hiện tiền thật trong số tiền giả giao nộp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch lập biên bản theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và có văn bản yêu cầu đơn vị giao nộp phải hoàn trả ngang giá trị cho khách hàng và báo cáo kết quả trong thời gian 30 ngày.
Tờ tiền thật đã đóng dấu “TIỀN GIẢ” và bấm lỗ được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch cắt góc 1/8 diện tích tờ tiền, thu đổi ngang giá trị (ghi Có) cho đơn vị giao nộp (không thu phí đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông) và đóng gói, giao nhận như đối với tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch phải giao nộp tiền giả về Kho tiền Trung ương hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ, Nghệ An, Bình Định, Vĩnh Long ít nhất 1 lần trong 6 tháng (nếu có), có thể kết hợp với việc điều chuyển tiền đi, đến của Ngân hàng Nhà nước. Việc giao nhận thực hiện theo bó, bì, túi nguyên niêm phong và được lập biên bản theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 87/2023/NĐ-CP ngày 08/12/2023 của Chính phủ.
Đối với tiền giả loại mới, trên cơ sở thông báo tiền giả loại mới quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải giao nộp về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn hoặc Sở
Giao dịch trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày thu giữ. Phương thức vận chuyển thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Trên cơ sở thông báo tiền giả loại mới của NHNN Chi nhánh, Sở Giao dịch, Cục Phát hành và Kho quỹ xem xét, quyết định yêu cầu giao nộp tiền giả loại mới. Trường hợp có yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch thực hiện giao nộp tiền giả loại mới theo yêu cầu của Cục Phát hành và Kho quỹ; Phương thức vận chuyển tiền giả loại mới do Giám đốc Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh quyết định, đảm bảo an toàn, kịp thời. Trường hợp không có yêu cầu, tiền giả được đóng dấu, bấm lỗ và giao nộp theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư này.
Việc giám định tiền giả, tiền nghi giả sẽ được thực hiện miễn phí.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo số liệu tiền giả thu giữ theo chế độ báo cáo thống kê của Ngân hàng Nhà nước.