Từ hiệp hội kinh tế đầu tiên đến phục vụ tốt nhất cho “huyết mạch” của nền kinh tế
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH Việt Nam), ông Trịnh Bá Tửu - Ủy viên Thường trực/Trưởng ban Trù bị thành lập HHNH Việt Nam khẳng định rằng, hoạt động của HHNH Việt Nam không chỉ là cầu nối giữa hệ thống ngân hàng với cơ quan quản lý nhà nước, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức tín dụng mà còn phục vụ tốt nhất cho “huyết mạch” của nền kinh tế.
Phóng viên: HHNH Việt Nam là một trong những Hiệp hội kinh tế ra đời sớm nhất sau khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, cùng với sự chuyển đổi mạnh mẽ từ hệ thống ngân hàng “một cấp” sang hệ thống ngân hàng “hai cấp”. Tuy nhiên, trong những ngày đầu ấy, mô hình Hiệp hội từng bị hoài nghi, băn khoăn về tính hiệu quả. Với cương vị là Trưởng ban trù bị thành lập Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, thời điểm đó ông và Ban trù bị đã gặp phải những áp lực thế nào?
Ông Trịnh Bá Tửu: Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Việt Nam từ hệ thống ngân hàng một cấp sang hệ thống ngân hàng hai cấp (gồm cấp quản lý nhà nước là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và cấp ngân hàng kinh doanh là các ngân hàng thương mại - NHTM), các NHTM lại chiếm số lượng đông và phát triển rất nhanh dẫn đến nhu cầu thành lập Hiệp hội Ngân hàng ngày càng trở nên cấp bách hơn. Phải có một tổ chức đại diện cho các NHTM để hỗ trợ nhau, thay mặt các NHTM đề xuất kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan đến hoạt động ngân hàng. Đồng thời, Hiệp hội sẽ quản lý các lợi ích ngành nghề của hệ thống ngân hàng kinh doanh.
Tuy nhiên, thời gian này chưa có sự xuất hiện của một Hiệp hội kinh tế nào. Chỉ có rất ít các Hiệp hội khác như Hội Nhà báo (1949); Hội Y học (1955)... Văn bản pháp quy về Hiệp hội kinh tế cũng chưa có. Đề án thành lập HHNH Việt Nam đưa ra lúc bấy giờ cũng là rất mới và lạ, dẫn đến việc mọi người chưa hiểu, chưa hình dung được về mô hình tổ chức và hoạt động của HHNH Việt Nam .
Đó là lý do phần lớn các đại biểu phản ứng ngược khi nghe về Đề án thành lập HHNH Việt Nam. Vậy nên, áp lực lớn nhất lúc bấy giờ của những người tham gia vào Đề án thành lập HHNH Việt Nam là áp lực về quan điểm tư tưởng và nhận thức. Rất nhiều câu hỏi hoài nghi, băn khoăn đã được đặt ra. Có ý kiến cho rằng: những người soạn thảo Pháp lệnh Ngân hàng và Ban trù bị thành lập HHNH Việt Nam “theo con đường tư bản chủ nghĩa”, “có màu sắc của ngân hàng tư bản”. Lúc bấy giờ, quan điểm về hai chữ “tư bản” là vô cùng nặng nề và những người bị hoài nghi thì vô cùng áp lực.
Không chỉ người ngoài ngành mà cả nội bộ ngành Ngân hàng cũng đã có không ít ý kiến không đồng tình. Ngay tại hội nghị Giám đốc Ngân hàng các tỉnh, thành phố do Ngân hàng Trung ương tổ chức, có cán bộ đứng dậy phản đối gay gắt, không đồng tình với việc thành lập HHNH Việt Nam. Có cán bộ còn lập luận rằng: “Ta có Đảng cầm quyền, có các tổ chức quần chúng, công đoàn, phụ nữ… liệu có nên cho thành lập HHNH Việt Nam, sinh ra thêm đầu mối, lãng phí công sức của Nhân dân và Nhà nước”.
Trả lời câu hỏi này, tại cuộc họp các bộ, ngành do Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ tổ chức ngày 29/7/1993, khi NHNN trình bày Đề án thành lập HHNH Việt Nam và giải thích đây là tổ chức phi chính phủ của các NHTM, không phải của nhà nước thì các cán bộ của bộ, ngành lại tiếp tục phản ứng mạnh mẽ. Trong bối cảnh mà mọi thứ đều là nhà nước làm, nhà nước quản lý thì cụm từ “tổ chức phi chính phủ” sẽ càng khó tiếp nhận. Rất nhiều ý kiến khi thảo luận, với những quan niệm khác nhau được đưa ra lúc bấy giờ.
Trước những ý kiến khác nhau đó, đã có lúc chúng tôi tưởng rằng Đề án sẽ đi vào ngõ cụt. Rất may tại hội nghị do Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ tổ chức, ông Tô Tử Hạ, Phó Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ đã kết luận là trình Đề án lên Thủ tướng Chính phủ với quan điểm: “Đây là mô hình hiệp hội nghề nghiệp ngân hàng đầu tiên, một tổ chức phi chính phủ, cần cho làm để rút kinh nghiệm. Nếu hoạt động tốt thì tiếp tục phát triển, nếu không đem lại lợi ích gì thì tự nó tự tan”.
Phóng viên: Vậy ông và Ban trù bị đã làm gì để có thể gỡ từng nút thắt cho những hoài nghi và băn khoăn đó, thưa ông?
Ông Trịnh Bá Tửu: Khi ấy, NHNN, Ban Trù bị thành lập HHNH Việt Nam với ông Ngô Tuấn Kiệp là Trưởng ban và tôi là Ủy viên thường trực cùng Vụ chức năng đã cùng xúc tiến nhiều việc, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền với phương châm “mưa dầm thấm lâu” như tổ chức các cuộc tiếp xúc, hội thảo; viết tin, bài đăng báo, tạp chí của ngành Ngân hàng, bản tin của các chi nhánh ngân hàng tỉnh, thành phố.
Cùng với việc làm đó, Ban Trù bị và tôi lại tiếp tục thuyết trình về tính cấp thiết và vai trò của HHNH Việt Nam trong các bài giảng cho Giám đốc NHNN các tỉnh, thành phố (do NHNN tổ chức tại Học viện Ngân hàng); thuyết trình tại các hội thảo do Viện Khoa học Ngân hàng tổ chức…
Ban Trù bị cũng đã đề nghị các tổ chức quốc tế, các ngân hàng nước ngoài tại Hoa Kỳ, Đức, các ngân hàng ADB, IMF phổ biến hoặc cung cấp thêm tư liệu về mô hình này. Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Liên bang Đức đã cử một đoàn chuyên gia sang Việt Nam để trình bày tại hai cuộc hội thảo (TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội) rất hiệu quả.
Với cách làm từng bước cẩn trọng và tạo nhận thức đúng đắn, trên tinh thần “dục tốc bất đạt”, NHNN đã dần dần làm sáng tỏ một cách sâu rộng về quan điểm, lập luận, về sự cần thiết phải có HHNH Việt Nam; tính chất, vai trò, nhiệm vụ, cách thức hoạt động trong nền kinh tế thị trường của HHNH Việt Nam.
Phóng viên: Đó là trước khi thành lập, còn khi đã thành lập thì có khó khăn gì không, thưa ông?
Ông Trịnh Bá Tửu: Những ngày đầu thành lập, HHNH Việt Nam cũng gặp muôn vàn khó khăn, trở ngại. Thứ nhất là thiếu hành lang pháp lý cho hoạt động của hiệp hội các nghề kinh doanh - thời gian đó Việt Nam chưa có văn bản pháp luật về việc này. Thứ hai là thiếu các cơ sở lý luận và thực tiễn về hiệp hội kinh tế nói chung và Hiệp hội Ngân hàng nói riêng. Cái khó của người tham gia Ban soạn thảo Đề án thành lập Hiệp hội là thiếu cả lý luận và thực tiễn về hoạt động NHTM và Hiệp hội Ngân hàng. Ngoài những tài liệu trong giáo trình về hệ thống ngân hàng tư bản chủ nghĩa, các tư liệu chính thức về lĩnh vực này hầu như không có. Các thành viên Ban trù bị phải làm trong tâm thế vừa đi vừa dò đường, tự tìm tòi từ nhiều nguồn, làm việc học tập, trao đổi với các tổ chức quốc tế và ngân hàng các nước.
Nhờ vậy, các thành viên Ban trù bị ngày càng rõ hơn về mô hình, tổ chức, vị trí, vai trò và những hoạt động của HHNH các nước, từ đó áp dụng vào Việt Nam. Thời bấy giờ, điều kiện làm việc cũng rất khó khăn và vất vả, chưa có sẵn máy tính và mạng internet như bây giờ. Việc soạn thảo các tài liệu phải viết tay sau đó chuyển qua gõ máy đánh chữ, in roneo…
Phóng viên: Vậy theo ông, sự ra đời của HHNH Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong sự phát triển của ngành Ngân hàng nói riêng, cũng như sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung trong 30 năm qua?
Ông Trịnh Bá Tửu: Từ những ngày đầu tiên đầy thách thức, khó khăn, trở ngại nhưng cũng rất đỗi tự hào ấy, HHNH Việt Nam đã vững vàng bước qua 3 thập kỷ, trở thành mái nhà chung, là cầu nối và thực hiện những nhiệm vụ trọng đại của ngành Ngân hàng, của đất nước.
Đối với nền kinh tế, HHNH Việt Nam là tổ chức cầu nối giữa hệ thống ngân hàng kinh doanh với các cơ quan quản lý nhà nước, là đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức tín dụng, là tác nhân đối thoại với các cơ quan quản lý nhà nước, đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật liên quan để phù hợp với thực tiễn.
Hoạt động của HHNH Việt Nam thúc đẩy sự kết nối, liên kết trong kinh doanh ngân hàng, phục vụ tốt nhất cho các tổ chức và ngành kinh tế trong cả nước.
Đồng thời, HHNH Việt Nam cũng chia sẻ thông tin, xúc tiến sự phối hợp trong hệ thống các TCTD, tạo sự liên kết, thuận lợi trong quan hệ hợp tác, phối hợp giữa ngành Ngân hàng nước ta với nền kinh tế Việt Nam nói riêng và với hệ thống tài chính quốc tế nói chung.
Ngành Ngân hàng Việt Nam được đánh giá là phát triển mạnh, từng bước hội nhập với khu vực và thế giới. Để có được kết quả này, không thể không ghi nhận sự đóng góp to lớn của HHNH Việt Nam và các tổ chức hội viên trong suốt 30 năm qua.
Trong đó, HHNH Việt Nam có vai trò là cầu nối giữa hệ thống ngân hàng kinh doanh, các TCTD tại Việt Nam với NHNN và các bộ, ngành hữu quan. Các vướng mắc trong hoạt động, các vấn đề liên quan đến chủ trương chính sách được HHNH Việt Nam tổng hợp phản ánh, đề nghị, phản biện... để tháo gỡ cho phù hợp với thực tiễn.
HHNH Việt Nam cũng đã tạo sự đồng thuận của các tổ chức hội viên đối với việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đặc biệt là tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu. HHNH Việt Nam đã làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên, góp phần hỗ trợ các hội viên hoạt động an toàn và hiệu quả.
Đồng thời, HHNH Việt Nam đã làm tốt công tác thông tin, truyền thông (thông qua Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và website) và công tác đào tạo cán bộ cho các ngân hàng (thông qua các khóa học, khảo sát trong nước và quốc tế).
Phóng viên: Là một trong những người đã tham gia “gỡ” từng nút thắt tư tưởng và nhận thức để thành lập nên HHNH Việt Nam và sau này cũng có quãng thời gian làm việc tại Hiệp hội, ông có nhắn nhủ gì tới các thế hệ lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Hiệp hội nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập này?
Ông Trịnh Bá Tửu: 30 năm, gần 1/3 thế kỷ, nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi không còn nữa nhưng hình ảnh các thân hữu vẫn còn mãi trong ký ức, không thể nào quên. Và HHNH Việt Nam là một phần vô cùng ý nghĩa trong ký ức đó.
30 năm chứng kiến quá trình hình thành, dựng xây và phát triển của HHNH Việt Nam, tôi có niềm tin mạnh mẽ về sự phát triển và hoạt động trong tương lai của Hiệp hội. Tôi hy vọng tới đây sẽ có bộ Luật về các Hiệp hội ngành nghề để HHNH Việt Nam có cơ sở phát triển hơn nữa.
Tôi tin rằng, với sự dẫn dắt của những lãnh đạo tài năng, cùng nhiệt huyết của các CBNV Cơ quan thường trực và sự lớn mạnh của các tổ chức hội viên, HHNH Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định uy tín, vị thế của mình. Tiếng nói của HHNH Việt Nam sẽ ngày càng hiệu quả, thiết thực, đặc biệt trong công tác phản biện các vấn đề quan trọng liên quan đến pháp luật, chính sách về ngành Ngân hàng.
Trong các lĩnh vực hỗ trợ pháp lý, truyền thông, đào tạo, thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kết nối các tổ chức hội viên sẽ ngày càng hiệu quả, tạo nên sức mạnh tập thể của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông!