Lộ diện 99 nhà đầu tư mua 73 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ từ Xây dựng Hoà Bình (HBC) với giá cao hơn thị giá
Giá phát hành 73 triệu cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình là 10.000 đồng/cp, cao hơn 34% so với thị giá cổ phiếu HBC chốt phiên 10/5 (7.450 đồng/cp), trong đó, Thép SMC chốt số lượng lớn nhất.
Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã HBC) vừa thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ hiện hữu của công ty với các chủ nợ gồm nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất của công ty. Vì một số lý do như công ty đã thanh toán nợ cho một số chủ nợ, một số chủ nợ thay đổi ý định hoán đổi nợ nên Xây dựng Hoà Bình dự kiến sẽ phát hành hơn 73 triệu cổ phiếu, giảm 1 triệu đơn vị so với kế hoạch trước đó.
Trong trường hợp các chủ nợ thay đổi ý định và không đồng ý hoán đổi nợ, HĐQT công ty quyết định sẽ huỷ bỏ số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành tương ứng của chủ nợ. Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, cao hơn 34% so với thị giá cổ phiếu HBC chốt phiên 10/5 (7.450 đồng/cp).
Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của Xây dựng Hòa Bình đạt mức 3.470 tỷ đồng. Theo công bố, danh sách nhà đầu tư tham gia đợt chào bán này gồm 99 doanh nghiệp - tất cả đều không nắm giữ cổ phần nào tại Xây dựng Hoà Bình và đều là nhà đầu tư trong nước.
Đơn vị được phân phối lượng cổ phiếu lớn nhất trong danh sách này là Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) với số dư nợ gốc tại ngày 31/12/2023 là gần 105 tỷ đồng. Do đó, số lượng cổ phiếu dự kiến được phân phối cho SMC để hoán đổi nợ là gần 10,49 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 3% sau đợt chào bán.
Công ty được phân phối nhiều thứ hai trong danh sách là Công ty TNHH MTV Máy Xây dựng Matec với số dư nợ cuối năm ngoái là gần 89 tỷ đồng, tương ứng số cổ phiếu dự kiến được phân phối là gần 8,9 triệu cổ phiếu HBC. Sau phát hành, tỷ lệ sở hữu của Matec tại Xây dựng Hoà Bình là 2,55%.
Matec là công ty con do Xây dựng Hoà Bình nắm 100% vốn. Cuối tháng 3, HĐQT đã khởi động lại phương án việc thoái toàn bộ vốn tại đơn vị này. Matec được thành lập vào năm 2010, là công ty con của Hòa Bình để thực hiện quản lý và khai thác toàn bộ số máy móc, thiết bị cho tập đoàn.
Doanh nghiệp được phân phối lượng cổ phiếu cao thứ ba trong danh sách là Công ty CP Đầu tư Thương mại và Kỹ thuật Hoà Bình (tên mới là Công ty CP Đầu tư Phát triển Daiwa) có dư nợ gần 91 tỷ đồng cuối năm ngoái. Giá trị khoản nợ phải trả được hoán đổi là 36 tỷ đồng, tương ứng với số cổ phần dự kiến được phân phối là 3,6 triệu đơn vị. Sau phát hành, Daiwa có thể tăng tỷ lệ nắm giữ tại ông lớn ngành xây dựng này lên hơn 1%.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, trước câu hỏi của cổ đông về chênh lệch giữa thị giá và giá phát hành hoán đổi nợ, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HBC từng cho biết, ông đã trao đổi với các thầu phụ, nếu các thầu phụ đã chia sẻ khó khăn với tập đoàn vậy nên chờ đến lúc cổ phiếu về tài khoản và ông tin lúc đó giá cổ phiếu HBC sẽ không như bây giờ.
Ông Hải cho biết giá trị thật của HBC sắp tới sẽ được đưa vào báo cáo tài chính như máy móc đã khấu hao hết, các dự án bất động sản dở dang đang ghi nhận nguyên giá.
Ông Hải cho biết, các nhà thầu phụ đã hy sinh khi đồng ý hoán đổi với giá cao hơn giá trên sàn nhưng họ cũng tin rằng, sau khi vượt qua khó khăn giá cổ phiếu HBC sẽ được hồi phục.
Ông cũng cho biết thêm, đến bây giờ có thể khẳng định, việc phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ cơ bản đã chốt lại, đã ký hợp đồng, hoàn thành hồ sơ để nộp UBCKNN. Rủi ro phát hành không thành công gần như là không có.