Tập đoàn Hàn Quốc chia tay "ông trùm" ngành nước, Viconship rời ghế cổ đông lớn HAH
Trong tuần qua, cổ đông ngoại đến từ Hàn Quốc đã hoàn tất bán ra 12 triệu cổ phiếu BWE và không còn cổ đông tại Biwase. Tương tự, tại Vận tải và Xếp dỡ Hải An, Viconship đã bán hơn 5,27 triệu cổ phiếu HAH và rời ghế cổ đông lớn.
Cổ đông lớn ngoại "chốt lời" cổ phiếu BWE và rời ghế cổ đông lớn
Tổ chức Ecorbit Co., Ltd đến từ Hàn Quốc thông báo đã hoàn tất bán ra 12 triệu cổ phiếu BWE, tương đương với 6,22% vốn của Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) trong phiên ngày 2/5 và chính thức không còn cổ đông tại BWE.
Cũng trong ngày 2/5, thị trường ghi nhận giao dịch thỏa thuận tại cổ phiếu BWE đúng bằng khối lượng cổ phiếu Ecorbit đã bán, giá trị gần 470 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân 39.150 đồng/cổ phiếu - thấp hơn mức giá đóng cửa cùng phiên là 43.000 đồng/cổ phiếu.
Ecorbit Co., Ltd trở thành cổ đông lớn tại Biwase vào đầu tháng 11/2020, sau khi hoàn tất mua vào 12 triệu cổ phiếu BWE. Tạm tính theo giá đóng cửa cùng phiên khi đó là 25.150 đồng/cổ phiếu, ước tính Ecorbit đã chi khoảng 302 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ. Như vậy sau hơn 3 năm, ước tính tổ chức Hàn Quốc này đã lãi khoảng 168 tỷ đồng (chưa trừ thuế phí) từ việc bán toàn bộ cổ phiếu BWE nắm giữ, tương ứng lãi 55%. Ngoài ra, Ecorbit Co., Ltd còn đều đặn bỏ túi khoảng hơn chục tỷ đồng mỗi năm tiền cổ tức.
Việc cổ đông lớn Hàn Quốc chia tay BWE diễn ra ngay trước thềm doanh nghiệp này chốt quyền phát hành hơn 27 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông theo tỷ lệ 14%. Những năm trước đây BWE thường xuyên chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ từ 7 - 13%. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp ngành nước này trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Viconship bán hơn 5,27 triệu cổ phiếu HAH
Công ty CP Container Việt Nam (Viconship) thông báo đã bán hơn 5,27 triệu cổ phiếu HAH của Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An vào ngày 8/5, hạ sở hữu từ 7,94 triệu đơn vị (tỷ lệ 7,53%) xuống còn 2,66 triệu đơn vị (tỷ lệ 2,53%) và chính thức không còn là cổ đông lớn của Vận tải và Xếp dỡ Hải An.
Trong phiên ngày 8/5, cổ phiếu HAH ghi nhận các giao dịch thỏa thuận với tổng khối lượng hơn 5,29 triệu đơn vị với tổng giá trị hơn 217,2 tỷ đồng (giá giao dịch bình quân 40.994 đồng/cổ phiếu).
Viconship trở thành cổ đông lớn tại Vận tải và Xếp dỡ Hải An sau khi mua hơn 2,15 triệu cổ phiếu HAH vào ngày 30/1, nâng sở hữu lên 5,27 triệu đơn vị (tỷ lệ 5%). Sau đó, tổ chức này đã liên tục gom thêm cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu lên mức 7,53%.
Động thái quay đầu bán ra hàng triệu cổ phiếu HAH của Viconship diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu HAH có nhịp tăng từ khoảng giữa tháng 4 đến nay. Kết phiên ngày 10/5, HAH dừng tại 42.300 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 12% sau hơn nửa tháng.
Dragon Capital chi nghìn tỷ đồng gom hơn 22 triệu cổ phiếu MWG
Nhóm quỹ Dragon Capital báo cáo đã mua gần 8 triệu cổ phiếu MWG của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động trong phiên ngày 3/5, nâng sở hữu từ 101,05 triệu đơn vị (tỷ lệ 6,91%) lên 109,04 triệu đơn vị (tỷ lệ 7,45%). Tạm tính theo thị giá đóng cửa phiên, nhóm quỹ đã chi khoảng 446 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.
Trước đó, nhóm quỹ ngoại đã mua hơn 4,6 triệu cổ phiếu MWG trong phiên ngày 23/4, nâng sở hữu lên 91,41 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 6,25%. Đến ngày 3/5, sở hữu của nhóm Dragon Capital đã nâng lên 109,04 triệu cổ phiếu. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng (từ 23/4 - 3/5), Dragon Capital đã mua ròng thêm tổng cộng hơn 22,2 triệu cổ phiếu MWG, ước chi gần 1.200 tỷ đồng.
Động thái mua vào của Dragon Capital diễn ra sau khi MWG vừa bị loại khỏi rổ chỉ số VN Diamond tại đợt cơ cấu tháng 4. Đồng thời phiên ngày 3/5 nhóm quỹ mua vào cũng là phiên cổ phiếu MWG ghi nhận khối lượng giao dịch lên đến gần 30 triệu đơn vị, cao kỷ lục trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu này, trong đó khối ngoại mua ròng gần 10 triệu đơn vị, giá trị mua ròng hơn 545 tỷ đồng.
Cổ đông lớn Bất động sản An Gia muốn bán hơn 21 triệu cổ phiếu AGG
Công ty CP Quản lý và Đầu tư Trường Giang đăng ký bán 21,25 triệu cổ phiếu AGG của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia để cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 13/5 đến ngày 10/6, theo phương thức thỏa thuận.
Nếu giao dịch thành công, sở hữu của Quản lý và Đầu tư Trường Giang sẽ giảm từ 51,34 triệu đơn vị (tỷ lệ 41,04%) xuống còn 30,09 triệu đơn vị (tỷ lệ 24,06%).
Tạm tính theo giá đóng cửa phiên ngày 10/5 ở mức 24.300 đồng, ước tính Quản lý và Đầu tư Trường Giang có thể thu về khoảng 516 tỷ đồng sau khi bán số cổ phiếu đăng ký.
Về mối liên hệ, ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia hiện cũng là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Quản lý và Đầu tư Trường Giang. Hiện cá nhân ông Sáng đang nắm giữ 8,63 triệu cổ phiếu AGG, chiếm tỷ lệ 6,9%.
Chủ tịch Cơ Điện Lạnh muốn mua 2,5 triệu cổ phiếu REE
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ Điện Lạnh (mã REE) đăng ký mua 2,5 triệu cổ phiếu REE trong khoảng thời gian từ ngày 10/5 đến ngày 7/6.
Nếu giao dịch thành công, bà Thanh sẽ nâng sở hữu từ 49,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 12,2%) lên 52,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 12,8% vốn điều lệ).
Tại REE, chồng bà Nguyễn Thị Mai Thanh là ông Nguyễn Ngọc Hải hiện sở hữu hơn 22,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,46%) và con trai bà Thanh là ông Nguyễn Ngọc Thái Bình, đồng thời là Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc sở hữu hơn 8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,96%).
Bà Thanh đăng ký mua vào cổ phiếu ngay trước thềm REE dự kiến ngày 22/5 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu. Theo đó, công ty dự kiến phát hành hơn 61,3 triệu cổ phiếu để chia cổ tức với tỷ lệ thực hiện 100:15, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới.
Trước đó, ngày 26/4, REE đã thanh toán cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, thời điểm chốt danh sách cổ đông được thực hiện ngày 15/4. Như vậy, tổng tỷ lệ chia cổ tức năm 2023 của REE là 25%. Đây là kế hoạch công ty đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 gần đây.