Tôm Việt Nam chiếm lợi thế trong bối cảnh dư cung, giá rớt thê thảm trên toàn cầu
Ngành tôm toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024, đáng lo ngại nhất là tình trạng dư nguồn cung, trong khi sản lượng tôm không thay đổi khiến giá rớt thê thảm.
Quả ngọt từ chế biến sâu
Trong bối cảnh thị trường tôm toàn cầu đang dư cung lớn, cạnh tranh giữa các nước sản xuất rất gay gắt. Hiện giá tôm thẻ vỏ Việt Nam cao hơn 1-2 USD/kg so với tôm Ấn Độ và Indonesia, tôm sú vỏ cũng cao hơn từ 3-5 USD/kg. Song, với lợi thế về chế biến sâu ngành tôm vẫn tăng tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm.
Bà Phùng Thị Kim Thu, Chuyên gia thị trường ngành Tôm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tỷ trọng tôm chế biến sâu xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, EU đang có xu hướng tăng và trội hơn so với tôm nguyên liệu, cho thấy tôm Việt đang phát huy được thế mạnh của mình và có hướng đi đúng.
Vì vậy, bà Thu khuyến nghị, doanh nghiệp nên tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tôm chế biến sâu để thu về giá trị tốt hơn, chấp nhận xuất khẩu sản lượng thấp nhưng giảm được nguy cơ bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường Mỹ.
Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho biết, tồn kho ở các thị trường trọng điểm đã giảm mạnh, khách hàng từ Mỹ, châu Âu tăng đặt hàng ngay những tháng đầu năm. Đơn hàng những tháng đầu năm tăng hơn 50% so với cùng kỳ, có được kết quả này là nhờ tăng cường các sản phẩm chế biến sâu. Hiện các nhà máy của công ty đang tất bật chuẩn bị cho các đơn hàng đang có, và tập trung các đơn hàng chế biến sâu, như: Tôm hấp chín, tôm chiên…
Chia sẻ quan điểm trên, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN) cho biết thêm, trong 6 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, hiện chỉ có Việt Nam và Thái Lan đạt đến trình độ cao nhất về chế biến sâu. Nhờ vậy, dù chịu sức ép cạnh tranh lớn từ tôm giá rẻ của Ấn Độ, Ecuador song tôm Việt vẫn đứng vững, thậm chí chiếm thị phần lớn tại nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ.
Sản xuất tôm thành phẩm của FIMEX VN trong tháng 4/2024 đạt 2.130 tấn, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 1.435 tấn, tăng 22%. Tổng doanh số của công ty trong tháng 4 đạt 16,32 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm gần 15% so với tháng trước.
Trong năm 2024, FMC VN tiếp tục tập trung vào Nhật Bản làm thị trường chiến lược lâu dài và từng bước mở rộng thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, công ty tiếp tục phát triển các sản phẩm tôm chế biến sâu và chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác chống bán phá giá và chống trợ cấp trong năm nay.
Hàng giá trị gia tăng sẽ ít bị ảnh hưởng bởi những thách thức từ yếu tố cung - cầu
Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng, trong bối cảnh thị trường không mấy tích cực, các mặt hàng giá trị gia tăng sẽ ít bị ảnh hưởng bởi những thách thức từ cung - cầu. Nhờ chuyển hướng vào sản phẩm giá trị gia tăng như phile cá tra tẩm bột, tẩm gia vị và các loại sản phẩm khác từ cá tra, công ty đã khắc phục được những khó khăn từ thị trường nhập khẩu. Hiện các sản phẩm chế biến sâu đang chiếm từ 10-20% doanh thu của đơn vị và dự kiến tương lai sẽ tăng lên 30%.
Theo ông Đạo, do ít người làm được nên mức độ cạnh tranh sản phẩm cá tra chế biến sâu thấp, giá trị gia tăng tốt và lợi nhuận mang về cũng cao. Tuy nhiên, sản phẩm chế biến sâu bị hạn chế là vì ít người biết nên phải đầu tư nhiều cho công tác quảng bá. Giai đoạn đầu đầu tư sản xuất sản phẩm chế biến sâu rất tốn kém, vì phải xây nhà máy riêng và làm công tác thị trường, vì hiện nay bản thân con cá tra ít người biết, nên sản phẩm chế biến sâu từ cá tra lại càng ít người biết hơn.
Do vậy, công ty phải tăng cường quảng bá, giới thiệu chào hàng … các công việc này đều cần có thời gian và cần có một lượng tiền lớn để đầu tư vào. Nhưng khi sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến thì sẽ phát triển bền vững lâu dài, và tỷ suất lợi nhuận sẽ đảm bảo bù đắp cho chi phí đầu tư.
“Thị trường của các sản phẩm chế biến sâu là những thị trường đặc thù, như: Hàn Quốc, Nhật Bản; Trung Đông, khối EU, Mỹ và Trung Quốc... dựa vào đặc thù tập quán, văn hóa ẩm thực của từng thị trường na ná nhau và trên nền tảng đó chúng tôi xây dựng từng khu vực thị trường để đưa ra các sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng”, ông Tổng giám đốc Gò Đàng nói.