Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia lại mở mới gói thầu 300 nghìn tấn gạo
4 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu được 3,17 triệu tấn gạo, trị giá 2,037 triệu USD, tăng 9,5% về lượng và tăng 33,6% về giá trị so với cùng kỳ. 4 thị trường trọng điểm, gồm Philippines, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc, duy chỉ có Trung Quốc giảm nhập khẩu, 3 nước còn lại đều tăng mạnh. Đặc biệt, Indonesia tăng gần 79% về lượng và 2,33 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu gạo sang Indonesia tăng mạnh về lượng lẫn trị giá
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tháng 4/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 1,002 triệu tấn gạo, trị giá 619,89 triệu USD, giảm 10,9% về lượng và giảm 12,6% về trị giá so với tháng trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt 3,17 triệu tấn gạo, trị giá 2,037 triệu USD, tăng 9,5% về lượng và tăng 33,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Top 4 thị trường xuất khẩu gạo chủ lực lần lượt là: Philippines, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc.
Tháng 4/2024, xuất khẩu gạo sang Philippines được 478.705 tấn, với hơn 286,819 triệu USD, tăng 21,09% về lượng và tăng 44,96% về kim ngạch so với tháng 4/2023. Lũy kế 4 tháng đầu năm đạt gần 1,490 triệu tấn, trị giá 935,611 triệu USD, tăng 15,75% về lượng và tăng 44,48% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 4, xuất khẩu gạo sang Indonesia đạt 103.256 tấn, với kim ngạch đạt gần 63,259 triệu USD, tăng 34,61% về lượng nhưng giảm 20,27% về giá trị so với tháng 4/2023. Lũy kế 4 tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang nước này đạt 548.582 tấn, trị giá 348,314 triệu USD, tăng 78,98% về lượng và 2,33 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu gạo sang Malaysia trong tháng 4/2024 đạt 103.469 tấn, trị giá 61,773 triệu USD, tăng 24,94% về lượng và tăng 57,68% về kim ngạch so với tháng 4/2023. Lũy kế 4 tháng đầu năm đạt 202.387 tấn, trị giá 123,325 triệu, tăng 26,31% về lượng và 59,13% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 4/2024, xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 87.213 tấn, trị giá 51,251 triệu USD, giảm 47,67% về lượng và giảm 45,18% về kim ngạch so với tháng 4/2023. Lũy kế 4 tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang nước này đạt 168.861 tấn, trị giá 99,437 triệu USD, giảm 66,69% về lượng và giảm 66,01% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ ưu tiên cho thầu Cục Dự trữ quốc gia
Xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia tăng mạnh do các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các gói thầu của nước này. Năm nay, Indonesia dự kiến nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo, vào ngày 8/5, Cơ quan Hậu cần quốc gia (Bulog) tiếp tục phát đi thư mời doanh nghiệp các nước tham dự thầu 300 nghìn tấn gạo loại 5% tấm, của vụ mùa 2023-2024 và thu hoạch không quá 6 tháng. Gói thầu sẽ mở vào ngày 14/5/2024, lúc 12 giờ PM (giờ Jakarta).
Nhận xét về gói thầu này, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho biết, hiện nay giá gạo trong nước tương đối cao so với lần mở thầu trước của Bulog, nên lần mở thầu này Bulog sẽ không có lợi về mặt giá vì 2 lý do: Thứ nhất, ở Việt Nam nguồn hàng vụ Đông Xuân đang còn thì đa số doanh nghiệp trữ lại để cung cấp cho nội địa là chính, còn hàng vụ Hè Thu sắp thu hoạch, nếu Bulog mua vụ Hè Thu thì chất lượng không tốt bằng vụ Đông Xuân.
Thứ hai, vụ Hè Thu này lại không thu hoạch rộ như vụ Đông Xuân do bà con “né” mặn và những cánh đồng làm hai vụ năm nay người ta bỏ vụ Hè Thu mà chỉ làm vụ Thu Đông. Vụ Hè Thu năm nay sẽ không thu hoạch rộ nên không tạo áp lực về vấn đề giá lúa.
“Bulog mở thầu sẽ không có nhiều đơn vị tham gia và nếu có họ phải cân đối giá trong nước và giá bỏ thầu và phải bỏ giá cao hơn lần rồi. Trường hợp Bulog để giá sàn như lần rồi hoặc chỉ cao hơn một ít sẽ không có đơn vị nào dự thầu. Vì trước khi bỏ thầu phải xem xét giá sàn nếu giá sàn thấp quá họ sẽ từ chối tham gia. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ không mặn mà với thầu lần này của Bulog còn các doanh nghiệp Thái Lan chắc cũng không vì giá gạo Thái đang nhỉnh hơn giá gạo Việt và khô hạn ở Thái Lan cũng rất nghiêm trọng”, ông Thành nói.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 13/5/2024, giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 587 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 560 USD/tấn. Gạo xuất khẩu loại 5% của Thái Lan đang ở mức 598 USD/tấn; loại 25% tấm giá 545 USD/tấn. Như vậy, gạo 5% tấm của Việt Nam đang thấp hơn đến 11 USD/tấn so với gạo Thái Lan, nhưng gạo 25% của Việt Nam lại cao hơn 5 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan.
Ông Thành phân tích thêm, khô hạn ở Thái Lan còn nhiều hơn Việt Nam, nên nông dân Thái bị mất mùa nhiều và Chính phủ nước này không khuyến khích xuất khẩu gạo với sản lượng lớn, vì người Thái rất kỹ vấn đề an ninh lương thực, nếu thấy được giá mới bán chứ họ không kinh doanh theo kiểu “gặp đâu bán đó”.
Bên cạnh đó, dự báo năm nay thế giới sẽ thiếu từ 7 - 8 triệu tấn gạo, nên người Thái Lan sẽ cẩn thận hơn và hạn chế ký hợp các hợp đồng mới, vì hết vụ thì doanh nghiệp nào cũng rất cẩn thận khi quyết định ký hợp đồng mới để tránh rủi ro. Bulog muốn mua được 300.000 tấn gạo với chất lượng như mong muốn họ đưa ra mức giá sàn cao hơn lần trước.
Ở Việt Nam, trong tuần này sẽ tham gia 2 gói thầu, một là của Bulog và 2 là của Cục Dự trữ quốc gia, tất nhiên doanh nghiệp Việt Nam sẽ ưu tiên bán cho Cục dự trữ quốc gia hơn là thầu của Bulog.
“Hơn nữa, việc giao hàng với Cục Dự trữ cũng dễ dàng hơn so với giao hàng cho Bulog vì dù sao giao hàng trong nước cũng thuận lợi hơn là giao hàng cho nước ngoài”, Giám đốc Phước Thành IV nói.
Tính đến ngày 2/5/2024, theo số liệu của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL: Vụ Đông Xuân 2023-2024 đã xuống giống được 1,488 triệu ha, đã thu hoạch dứt điểm, với năng suất 71,84 tạ/ha và sản lượng ước đạt khoảng 10,65 triệu tấn lúa. Vụ Hè Thu 2024 đã xuống giống được 878 ngàn ha/1,480 triệu ha diện tích kế hoạch.