Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn về Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên kêu gọi toàn dân thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính để xây dựng đời sống mới, để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/9/1945, tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Một trong những vấn đề trong sáu vấn đề cấp bách hơn cả, theo Người là: “Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hoá dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: Cần, Kiệm, Liêm, Chính”.
Trên báo Tiếng gọi Phụ nữ (Cơ quan tuyên truyền cổ động của Phụ nữ Cứu quốc) số Tết Bính Tuất 1946 (ra ngày 22/1/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh có thơ gửi phụ nữ Việt Nam và toàn thể đồng bào để cổ vũ cho đời sống mới nhân dịp nước nhà vừa mới giành được độc lập. Bài thơ của Người như sau: Năm mới Bính Tuất/ Phụ nữ đồng bào/ Phải gắng làm sao/ Gây “Đời sống mới”/ Việc thành là bởi/ Chúng ta siêng mần/ Vậy nên chữ cần/ Ta thực hành trước/ Lại phải kiệm ước/ Bỏ thói xa hoa/ Tiền của dư ra/ Đem làm việc nghĩa/ Thấy của bất nghĩa/ Ta chớ tham tàn/ Thế tức là liêm/ Đã liêm thì khiết/ Giữ mình làm việc/ Quảng đại công bình/ Vì nước quên mình/ Thế tức là chính/ Cần, kiệm, liêm, chính/ Giữ được vẹn mười/ Tức là những người/ Sống “Đời sống mới”.
Ngày 3/4/1946, Ủy ban vận động đời sống mới Trung ương được thành lập. Một năm sau (20/3/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Đời sống mới”. Trong tác phẩm này, Người nêu rõ việc thực hành Đời sống mới là nhiệm vụ của mọi ngành, mọi giới và mọi người: “… thực hành đời sống mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính”[1].
Trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra quyết liệt, năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” gồm 4 bài báo với bút danh Lê Quyết Thắng đăng trên báo Cứu Quốc các số ra ngày 30/5, 31/5, 1/6 và 2/6/1949.
Mở đầu tác phẩm, Người khẳng định “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc”. Người cũng làm thơ để kêu gọi: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/ Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/ Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/ Thiếu một mùa thì không thành trời/ Thiếu một phương thì không thành đất/ Thiếu một đức thì không thành người”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem việc thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nhiệm vụ của toàn dân. Kết quả của việc thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính như Người đã chỉ ra là “Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”, “Kết quả cần cộng với kết quả kiệm là… nước ta sẽ mau giàu mạnh ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới”, “Một dân tộc biết Cần, Kiệm, biết Liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”, “Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn… đồng bào đều làm như vậy, thì nước ta nhất định mau giàu, dân ta nhất định được nhiều hạnh phúc”.
Ngày 27/7/1963, dự Hội nghị phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động “ba xây, ba chống”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải bồi dưỡng con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức, Cần, Kiệm, Liêm, Chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”[2].
Đồng chí Trường Chinh trong bài viết đăng trên Báo Nhân Dân, số 8, ngày 13/5/1951 đã khẳng định: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, chí công vô tư, đó là đại cương đạo đức của Hồ Chủ Tịch, mà toàn dân ta, trước hết đồng chí chúng ta cần phải học tập và thực hành”.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng khái quát: “Bốn chữ Cần, Kiệm, Liêm, Chính - là cốt lõi đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đạo đức ấy của Bác là “tinh hoa của dân tộc”, là “lương tâm của thời đại”. Bác Hồ là tấm gương sáng ngời về Cần, Kiệm, Liêm, Chính, chí công vô tư. Bác là điển hình của sự nhất quán giữa lời nói và việc làm, giữa tư tưởng và lối sống, suốt đời vì nước vì dân”.
Việc triển khai Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05) trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân gắn với rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” những năm qua đã thể hiện rõ việc thấm nhuần và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng.
Thời gian trôi qua nhưng những định hướng giáo dục về đức liêm, chính cũng như những cảnh báo về sự bất liêm, bất chính, tha hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, vẫn mang tính thời sự và đậm chất nhân văn.
Tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng Cần, Kiệm, Liêm, Chính, chí công vô tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những giá trị đạo đức cao đẹp vẫn mãi còn nguyên giá trị mà mỗi con người cần phải luôn tu dưỡng rèn luyện để hướng tới.