Chuyển đổi số an toàn, bảo mật mở ra nhiều cơ hội tiếp cận tài chính hơn cho mọi người
Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc đưa hàng triệu người chưa tiếp cận ngân hàng vào hệ thống tài chính chính thức, mở ra cơ hội tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Góp phần thúc đẩy Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2024 với chủ đề “Xây dựng một tương lai bền bỉ cho Việt Nam” đã đưa ra các giải pháp tài chính và công nghệ dưới góc nhìn của chuyên gia.
Mới đây, tại TP. Hồ Chí Minh, Raise Partners và Vietnam Innovators đã đồng tổ chức Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2024, sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của Việt Nam.
Đây là lần thứ hai Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam được tổ chức với mục tiêu kết nối các nhà đầu tư, các lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và phi chính phủ trong và ngoài nước. Hội nghị hướng đến việc thúc đẩy các dự án môi trường, xã hội, và quản trị doanh nghiệp (ESG), từ đó xây dựng một tương lai Việt Nam bền bỉ, hòa nhập và thịnh vượng.
Với chủ đề “Xây dựng một tương lai bền bỉ cho Việt Nam”, hội nghị đã tập trung vào các câu hỏi then chốt về những thách thức và giải pháp cho tương lai của Việt Nam trong bối cảnh nhiều biến động, mang đến những cuộc đối thoại sâu sắc, góp phần cho hành trình cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.
Sự kiện năm nay chào đón sự tham gia của các đại diện đến từ các tổ chức hàng đầu trong nước và quốc tế, như Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Đại diện Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), Dynam Capital, UNICEF Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Vietnam), NordCham Việt Nam, Mastercard, Bosch Việt Nam, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV), S&P Global, BIDV, Biti’s và Tổ chức Đầu tư Quốc tế Anh (BII).
Tài chính toàn diện: Yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện
Việt Nam đang hướng tới các mục tiêu trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Theo đó, mọi người dân, doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu, chi phí hợp lý do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm. Để thực hiện thành công các mục tiêu này, cần có sự tham gia, vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.
Đến với phiên thảo luận về tài chính toàn diện tại sự kiện, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, công nghệ đã chia sẻ về chuyên môn, kinh nghiệm hợp tác để giúp các giải pháp tài chính trở nên phổ biến, dễ tiếp cận hơn.
Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Lào và Campuchia, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi số an toàn, bảo mật để thúc đẩy minh bạch trong dữ liệu tài chính, từ đó mở ra nhiều cơ hội tiếp cận tài chính hơn cho mọi người, đặc biệt là các cộng đồng dễ tổn thương như các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Tại Việt Nam, Mastercard đã và đang hợp tác thực hiện những sáng kiến hỗ trợ như Thắp lửa, chương trình mở khóa hơn 64,1 triệu USD trong các khoản vay tại Việt Nam và trực tiếp hỗ trợ hơn 47.000 doanh nhân Việt Nam; và Strive Women, sáng kiến tiếp nối nhằm mục tiêu tiếp cận 2 triệu doanh nhân tại Việt Nam, đồng thời trực tiếp hỗ trợ hơn 90.000 doanh nhân để phát triển kinh doanh và tăng cường tiềm năng kinh tế của họ.
Theo bà Winnie Wong, nhờ những nỗ lực chung của chính phủ, các tổ chức tài chính cùng các công ty công nghệ tài chính, khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính ở Việt Nam đang mở rộng nhanh chóng, giúp cá nhân và doanh nghiệp nhỏ tham gia đầy đủ hơn vào nền kinh tế. Bằng cách tận dụng công nghệ và các sản phẩm tài chính sáng tạo, Việt Nam có tiềm năng đưa hàng triệu người chưa được tiếp cận ngân hàng và dịch vụ tài chính vào hệ thống tài chính chính thức, mở ra những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.