Tín dụng chính sách được lan tỏa ở Hậu Giang
Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân có chuyển biến rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Hậu Giang giảm bình quân hằng năm 3%, nhiều mô hình tạo sinh kế được phát triển nhân rộng đến nhiều hộ dân.
Xác định tín dụng chính sách xã hội là một trong những công cụ thiết thực, góp phần thực hiện đảm bảo Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, trong quá trình chuyển tải vốn vay, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hậu Giang không ngừng nâng cao hoạt động cho vay vốn tín dụng chính sách, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân; chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ tiết kiệm vay vốn, các điểm giao dịch xã để đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến người dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số một cách nhanh chóng, kịp thời.
Nhằm lan tỏa vai trò tín dụng chính sách ở địa phương, ngay từ đầu năm 2024 đến nay, NHCSXH tỉnh Hậu Giang đã kịp thời báo cáo UBND tỉnh, tham mưu Trưởng Ban đại diện - Hội đồng quản trị (HĐQT) để phân giao chỉ tiêu cho các huyện, thị, thành phố, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác xét duyệt đối tượng vay vốn đảm bảo đúng quy định, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu được giao, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Kết quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh ngày càng được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, ngân sách địa phương đã ủy thác qua NHCSXH tỉnh để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay trên 284 tỷ đồng. Riêng 4 tháng năm 2024, đã bổ sung trên 21 tỷ đồng, hoàn thành 54,34% kế hoạch năm. Nhờ vậy mà doanh số cho vay đạt trên 339 tỷ đồng, tăng hơn 160 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước. Đến nay, tổng dư nợ cho vay đạt 4.158 tỷ đồng, tăng 76 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 1,9% so với đầu năm, với trên 100 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ.
Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục đối với việc củng cố, nâng chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trong toàn ngân hàng. Nợ quá hạn và nợ khoanh là 32 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,79%/tổng dư nợ.
Nhờ tận dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình chị Trần Thị Tròn, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy đã thoát cận nghèo, đời sống kinh tế ngày càng ổn định. Trước đây, cuộc sống rất khó khăn, gia đình chị thuê bãi trồng lục bình, ngoài ra ai thuê mướn gì cũng làm, nhưng thu nhập rất bấp bênh.
Để tạo điều kiện cho gia đình cải thiện cuộc sống, từ nguồn vốn Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, chính quyền địa phương đã xem xét cho gia đình chị Tròn vay vốn số tiền 10 triệu đồng. Nhờ số vốn này, gia đình chị thực hiện mô hình nuôi gà sao. Đợt nuôi đầu tiên lời kha khá, chị trả vốn vay ngân hàng đúng hạn.
Sau đó, vợ chồng chị quyết định vay vốn NHCSXH số tiền lớn hơn để thực hiện mô hình chăn nuôi. Từ số vốn nuôi gà sao, cộng thêm khoản vay, gia đình đã mua 2 con bò về nuôi. Nhờ tích cực chăm sóc, bò phát triển tốt, bán được giá, nhờ vậy gia đình thu được khoản lợi nhuận khá cải thiện được đời sống.
Chị Tròn chia sẻ: “Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, tạo nguồn vốn để gia đình tôi phát triển kinh tế, nhờ đó thoát cận nghèo. Cả nhà tôi luôn động viên nhau cố gắng làm ăn để cuộc sống được ổn định và phát triển hơn”. Ngoài nuôi bò, gia đình còn nuôi gà sao, nuôi vịt.
Trong quý II/2024, NHCSXH tỉnh tiếp tục thực hiện hoàn thành 99% chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng được giao năm 2024. Tập trung củng cố chất lượng hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn để nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.
Bên cạnh đó, NHCSXH Trung ương vừa mới có quyết định phân bổ cho chi nhánh 75 tỷ đồng để thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn NHCSXH huy động.
Đến nay, tổng dư nợ cho vay chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên toàn địa bàn đạt 867 tỷ đồng, với 17.680 khách hàng vay vốn. Với nguồn vốn mới được phân bổ, NHCSXH tỉnh đã triển khai phân bổ xuống các phòng giao dịch huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện cho khách hàng vay vốn kịp thời.
Ngoài ra, NHCSXH tỉnh vừa phối hợp với Công an tỉnh tổ chức Lễ ký kết chương trình phối hợp thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 22) về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Qua công tác phối hợp về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn vay từ NHCSXH để tạo việc làm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, thực hiện hiệu quả công tác xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH và công tác xử lý nợ của khách hàng vay vốn đi khỏi nơi cư trú theo quy định. Bảo đảm an ninh, an toàn trong thời gian tổ chức các buổi giải ngân cho vay các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng tại NHCSXH cấp huyện, điểm giao dịch xã, phường, thị trấn…
Ông Bùi Văn Thuấn, Giám đốc NHCSXH tỉnh Hậu Giang cho biết, thực hiện Quyết định số 22 đến nay, chi nhánh đã cho vay được 112 người, với tổng số tiền trên 7,4 tỷ đồng. Với nguồn vốn được vay, người vay rất phấn khởi, sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả.
Được biết, đây là chương trình tín dụng đầy tín nhân văn, định kỳ hàng năm, hai đơn vị trao đổi thống nhất có hình thức đánh giá kết quả thực hiện phù hợp với tình hình thực tế và sau 5 năm tổng kết chương trình phối hợp để đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho giai đoạn tiếp theo.
Với sự nỗ lực của NHCSXH và các hội, đoàn thể để đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến người thụ hưởng. Thực hiện tốt công tác rà soát các tổ, bổ sung nguồn vốn, tăng trưởng dư nợ cho vay tất cả các chương trình tạo việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định sinh kế, góp phần thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Để tăng cường nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn vốn ủy thác ngân sách tỉnh trong năm 2024 để bổ sung nguồn vốn cho vay, đồng thời đây cũng là cơ sở, là nguồn đối ứng để NHCSXH tỉnh trình Trung ương bổ sung nguồn vốn cho vay tạo việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định sinh kế, góp phần thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, đồng thời chuẩn bị tốt cho việc tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư, trong đó trọng tâm là nguồn vốn ngân sách địa phương để tăng cường cho tín dụng chính sách xã hội ở địa phương.
Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn. Khẩn trương xây dựng kế hoạch quỹ sử dụng ngân sách năm 2025.