Tin hội viên

Thay đổi danh sách cổ đông lớn nước ngoài ABBANK

N.L 22/05/2024 20:58

Ngày 22/5/2024, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã thực hiện khớp lệnh bán hơn 84 triệu cổ phiếu ABB, tương đương 8,2% tỷ lệ sở hữu tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) theo lộ trình thoái vốn đã thống nhất.

Sau khi hoàn thành giao dịch, cổ đông lớn nước ngoài tại ABBANK hiện có Maybank – Ngân hàng lớn nhất Malaysia với tỷ lệ sở hữu là 16,4%.

abbank1.jpg
ABBANK là một ngân hàng TMCP có bề dày lịch sử 31 năm và mạng lưới hoạt động 165 chi nhánh trên toàn quốc

Cụ thể, lộ trình thoái vốn của IFC tại ABBANK đã được hoạch định từ trước và được IFC thực hiện trong tháng 5/2024. Trước đó, Cổ đông lớn nước ngoài tại ABBANK gồm: Maybank – Ngân hàng lớn nhất Malaysia và Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC (thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới).

Trong suốt thời gian là cổ đông chiến lược của ABBANK, cả Maybank và IFC đều dành nhiều sự hỗ trợ có giá trị cho ABBANK trong việc định hướng ngân hàng bán lẻ, phát triển bền vững và quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế.

Với tư cách là cổ đông chiến lược, trong gần 14 năm hợp tác, IFC đã hỗ trợ hiệu quả cho ABBANK về nguồn vốn, các sản phẩm cho vay trung, dài hạn và tài trợ thương mại cũng như tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm cho ABBANK, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, phát triển bền vững và thúc đẩy tài trợ cho các doanh nghiệp SME - một động lực tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, IFC đã hỗ trợ tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong suốt quá trình ABBANK triển khai các dự án nhằm đảm bảo tuân thủ về quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn Basel III.

abbank2.jpg
ABBANK đẩy mạnh chiến lược phát triển mảng ngân hàng bán lẻ

Thoái vốn khỏi ABBANK, IFC đang thực hiện nhiệm vụ thể chế của mình là tái đầu tư vốn nhằm hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam hơn nữa, từ đó tối đa hóa các tác động phát triển. Là một tổ chức phát triển tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân, IFC mở rộng sự tham gia của mình vào thị trường tài chính Việt Nam, hợp tác với các tổ chức trung gian tài chính ngân hàng và phi ngân hàng để thúc đẩy tài chính toàn diện và tài chính khí hậu.

Về phía cổ đông chiến lược Maybank, với hơn 16 năm đồng hành, nhà băng này và ABBANK cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mảng ngân hàng bán lẻ, Digital Banking (Ngân hàng số) và phát triển khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Đây là những lĩnh vực Maybank có kinh nghiệm và thế mạnh trên thị trường, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ của ABBANK. ABBANK và Maybank tiếp tục có những hợp tác chặt chẽ về nguồn vốn và các giao dịch tài trợ thương mại.

Chia sẻ về kế hoạch thu hút thêm vốn của nhà đầu tư nước ngoài, đại diện ABBANK cho biết: “Trong tương lai, việc thu hút thêm vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể là phương án mà ABBANK sẽ xem xét khi có cơ hội tốt, đối tác chiến lược phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của ABBANK”.

abbank3.jpg
Năm 2024, ABBANK tập trung nguồn lực triển khai Dự án trọng điểm “Làm mới Chiến lược Ngân hàng” cùng với đối tác McKinsey với hàng loạt các dự án/sáng kiến nâng cao hiệu quả kinh doanh

Trong năm 2024, ABBANK tập trung nguồn lực triển khai Dự án trọng điểm “Làm mới Chiến lược Ngân hàng” với sự tư vấn và đồng hành của McKinsey – công ty tư vấn quản trị chiến lược toàn cầu. Theo đó, ABBANK đang đẩy mạnh triển khai hàng loạt các dự án/sáng kiến chiến lược nhằm phục vụ cho mục tiêu kinh doanh và công tác chuyển đổi hệ thống, trong đó có những dự án trọng điểm như: Triển khai nền tảng số mới Omni Channel; Hệ thống quản lý quan hệ khách hàng – CRM; Triển khai giải pháp quản trị dữ liệu Datalake; Dự án xây dựng mô hình bán hàng và dịch vụ nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, cùng nhiều sáng kiến thúc đẩy kinh doanh mới… hướng tới thực hiện khát vọng mục tiêu 2028.

N.L