Hơn 1,6 tỷ USD vốn FDI đổ vào bất động sản, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2023
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến hết ngày 20/4, kinh doanh bất động sản (BĐS) tiếp tục là lĩnh vực đứng vị trí thứ 2 trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với hơn 1,6 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023, vốn FDI đổ vào lĩnh vực này đã tăng hơn 4 lần.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết ngày 20/4 đăng ký vào Việt Nam, gồm vốn đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, kinh doanh BĐS là lĩnh vực đứng vị trí thứ hai trong thu hút dòng vốn FDI, với hơn 1,6 tỷ USD (đứng đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt gần 5 tỷ USD). Như vậy, so với cùng kỳ năm 2023, vốn FDI đổ vào BĐS đã tăng hơn 4 lần.
Cũng theo báo cáo này, giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm nay cũng ước đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 607,6 triệu USD.
Trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư mới được cấp phép tại Việt Nam trong 4 tháng qua, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với gần 2,6 tỷ USD, chiếm hơn 36% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Hồng Kông (Trung Quốc) đầu tư hơn 898 triệu USD, tương đương gần 13% tổng vốn; Nhật Bản rót 814 triệu USD, chiếm hơn 11%; Trung Quốc khoảng 740 triệu USD; Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 730 triệu USD; Đài Loan (Trung Quốc) rót 512 triệu USD…
Theo giới chuyên gia, dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào BĐS chứng tỏ BĐS vẫn là thị trường tiềm năng, có cơ hội phát triển lớn.
Phân tích của các chuyên gia lĩnh vực tài chính BĐS cho thấy, Việt Nam đã và đang lọt vào tầm ngắm của lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trongbối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đã trở thành thị trường tiềm năng thu hút đầu tư. Đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn ở một thị trường chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong báo cáo chuyên đề về bất động sản khu công nghiệp vừa công bố, CTCK VCBS nhận định, Việt Nam vẫn duy trì các lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI so với các nước trong khu vực với: chi phí sản xuất (điện năng), chi phí lao động thấp hơn đáng kể, các hiệp định thương mại tự do tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quan hệ thương mại.
Bên cạnh đó, với môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Đặc biệt, ổn định tỷ giá luôn là một trong các mục tiêu hàng đầu trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, do đó, tỷ giá USD/VND luôn ít biến động hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực giúp cho các doanh nghiệp FDI ít chịu thiệt hại hơn.
Từ những phân tích trên, VCBS cho rằng: “Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng trong xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc và đang có cơ hội đón dòng vốn đầu tư từ các lĩnh vực công nghệ cao”.
Cũng theo VCBS, nguồn cung sẽ dần cải thiện từ nửa cuối năm 2024 khi các nút thắt về pháp lý được tháo gỡ và khung pháp lý mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng. Trong đó, các văn bản pháp lý có/sắp có hiệu lực như: Nghị định 35/2022/NĐ-CP và Luật Đất đai 2024 kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ các nút thắt chính hiện nay trong quá trình triển khai dự án.