Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú: Ngành Ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững
Phát biểu tại Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam được tổ chức ngày 22/5, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng với tư cách là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, điều kiện, bối cảnh kinh tế Việt Nam cũng như trên thế giới sẽ mang đến nhiều cơ hội lớn, song, đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp trên con đường thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt khi đánh giá các tiêu chuẩn ESG.
Theo Phó Thống đốc, ngành Ngân hàng với tư cách là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, xuất phát từ bốn yếu tố:
Thứ nhất, sự gia tăng các quy định về ESG đòi hỏi các ngân hàng phải tuân thủ và cập nhật liên tục những đổi mới trong quy định và chính sách để ngày càng thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội;
Thứ hai, nâng cao uy tín của ngân hàng thông qua việc tích hợp và minh bạch các vấn đề liên quan đến ESG;
Thứ ba, cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, vì rủi ro ESG không đứng độc lập hay tách biệt, mà còn liên đới tới các rủi ro của TCTD (gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng);
Thứ tư, các TCTD có cơ hội mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm tín dụng trong quá trình tiếp nhận các dòng vốn đầu tư xanh từ các tổ chức tài chính quốc tế khi áp dụng ESG.
ESG, viết tắt của Environmental (môi trường), Social (xã hội) và Governance (quản trị doanh nghiệp) - là bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến định hướng chiến lược và hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. Diễn đàn ESG Việt Nam – sự kiện thường niên bắt đầu từ năm 2024, được Báo Dân trí tổ chức với mục đích tạo nên một diễn đàn mở chất lượng cao, kết nối các doanh nghiệp, tổ chức, chuyên gia và nhà đầu tư cam kết phát triển bền vững, trở thành nơi chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về ESG, đồng thời kết nối, tạo dựng mạng lưới cộng đồng doanh nghiệp chung tay xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững và có trách nhiệm với xã hội.
Năm 2015, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Thống đốc NHNN ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm định hướng các TCTD phát triển hoạt động ngân hàng xanh hướng đến bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã phối hợp với các tổ chức quốc tế (IFC) ban hành Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 15 ngành kinh tế trong hoạt động cấp tín dụng.
Mới đây, triển khai nhiệm vụ được giao trong thi hành Luật Bảo vệ môi trường (2020), NHNN đã ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, có hiệu lực từ 1/6/2023. Đây là quy định bắt buộc các TCTD thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các nhóm dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường đã được quy định cụ thể tại Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ….
Trên cơ sở quy định của NHNN, nhiều TCTD đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến ngày 31/3/2024, đã có 47 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế; Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống TCTD tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Theo Phó Thống đốc, công tác xây dựng hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp của ngành Ngân hàng hiện nay khá ổn định, đầy đủ. Những kết quả trên đã thể hiện thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm của ngành Ngân hàng đối với công tác bảo vệ môi trường, tăng cường khả năng quản trị rủi ro của TCTD trước rủi ro về môi trường, biến đổi khí hậu, hướng hoạt động ngân hàng Việt Nam ngày càng tiệm cận với các quy chuẩn, thông lệ quốc tế về thực hành ESG. Việc xây dựng, ban hành và thực hiện Thông tư thể hiện thông điệp mạnh mẽ tài chính bền vững, đồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng, an toàn và hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Bên cạnh đó, các giải pháp triển khai của ngành Ngân hàng thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình xanh hóa hoạt động ngân hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, thân thiện với môi trường; giúp nâng cao nhận thức và thực thi các quy đinh về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng, từ đó điều chỉnh hành vi tiến tới thực hành các tiêu chuẩn ESG, xanh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế.
Về kế hoạch của ngành Ngân hàng trong thực hành ESG thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội và rủi ro khí hậu trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD, chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, các dự án mô hình kinh tế góp phần thực hiện các yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng quốc gia, phát thải thấp.
Ngoài ra, NHNN sẽ tích cực tham gia các Diễn đàn trong nước và quốc tế về tín dụng xanh, ngân hàng xanh, thực hành ESG và tăng trưởng bền vững; đồng thời thúc đẩy các hoạt động truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức và chất lượng của nguồn nhân lực ngành ngân hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu triển khai về thực hành ESG cũng như các tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển bền vững.