Ngân hàng UOB: Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ thuế tối thiểu toàn cầu
Thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam áp dụng đối với các doanh nghiệp đa quốc gia, có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Khoảng 122 công ty nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này.
Trong sự kiện thường niên mới đây, ngân hàng UOB của Singapore đã công bố một số dự báo về kinh tế Việt Nam, cũng như tác động của thuế tối thiểu toàn cầu lên doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Quý I/2024, kinh tế Việt Nam thể hiện đà tăng trưởng và khả năng phục hồi tích cực. Tuy nhiên theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam: “Kết quả quý I có thể chưa phản ánh được nhiều về triển vọng tăng trưởng cả năm vì tăng trưởng quý I/2024 là 5,66% và mức tăng này trên nền cơ sở thấp của quý I/2023.”
Nhận định về mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam năm 2024, các chuyên gia cho rằng vẫn còn khá nhiều thách thức bên cạnh các yếu tố thuận lợi.
“Các yếu tố chính củng cố cho triển vọng tích cực của Việt Nam trong năm nay là nhu cầu nội địa mạnh mẽ. Hoạt động sản xuất và xuất khẩu đang diễn ra mạnh mẽ, với xuất khẩu được thúc đẩy nhờ nhu cầu về thiết bị điện tử và điện thoại. Sự phục hồi của chu kỳ bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và châu Á và khả năng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trong những tháng tới cũng sẽ là những điều tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, phản ánh niềm tin bền vững của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của Việt Nam, thậm chí còn hơn thế nữa do chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu hình khi phương Tây tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Cuối cùng, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và chuyển đổi kỹ thuật số có thể sẽ góp phần vào tăng trưởng và khả năng cạnh tranh lâu dài của Việt Nam.
Những điều trên tái khẳng định dự báo tăng trưởng năm 2024 của UOB cho Việt Nam là 6%”, theo nhận định của ông Abel Lim, Giám đốc Tư vấn và chiến lược quản lý tài sản, Tập đoàn UOB.
Đồng quan điểm, ông Đinh Đức Quang cho rằng, “Hai yếu tố động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian còn lại của năm là các nền kinh tế lớn có thể cắt giảm lãi suất, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng từ đó hỗ trợ xuất khẩu và sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.”
“Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, vẫn còn nhiều thách thức hiện hữu cho nền kinh tế Việt Nam như lạm phát dai dẳng, môi trường lãi suất cao, trong khi bất ổn chiến tranh và căng thăng địa chính trị giữa các cường quốc có thể làm gián đoạn thương mại và giá cả hàng hóa toàn cầu”, ông Abel Lim và ông Đinh Đức Quang có chung nhận định.
Thứ nhất, xung đột quanh khu vực Biển Đỏ - chiếm 12% thương mại toàn cầu với 17.000 tàu đi qua hàng năm có thể khiến cho chi phí giao hàng cao hơn và sự gián đoạn trong mạng lưới vận chuyển. Điều này sẽ gây tổn hại cho cả các nhà xuất khẩu, nhà sản xuất và chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam, vì các đơn đặt hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ và chi phí cao hơn, do đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Một yếu tố khác cần xem xét là việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam đối với các doanh nghiệp đa quốc gia, có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Khoảng 122 công ty nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này, với mức tăng doanh thu thuế hàng năm là 14,6 nghìn tỷ đồng (601 triệu USD) cho Nhà nước. Các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia sẽ đối mặt với việc chi phí thuế cao hơn.
Về lạm phát năm 2024, ông Đinh Đức Quang dự báo lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong bối cảnh các cấu phần chính trong rổ hàng hóa tính toán chỉ số giá tiêu dùng như giá nhiên liệu, lương thực thực phẩm, chi phí y tế giáo dục, tỷ giá… đang tiếp tục chịu áp lực tăng.
Các diễn biến nóng trên toàn cầu như xung đột chiến tranh, rủi ro vận tải biển, biến đổi khí hậu là các nguyên nhân chính gây áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có một số cơ sở thuận lợi trong việc kiểm soát lạm phát từ cả cơ cấu tự chủ hàng hóa thiết yếu sản xuất trong nước và kinh nghiệm phối hợp các chính sách tiền tệ, tài khóa. Chuyên gia UOB dự báo lạm phát quý II sẽ tiếp tục dao động trong khoảng 3,5-4% và lạm phát cả năm được dự báo ở mức 3,8% trong năm 2024.