Gỡ "nút thắt" lớn để phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng, liên vùng và quốc tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy các động lực phát triển kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Sáng ngày 24/5, tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ ba, Chính phủ đã tổ chức công bố quy hoạch vùng, trong đó nhấn mạnh về thúc đẩy liên kết vùng để phát triển kinh tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, một trong những “nút thắt” lớn trong phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc là liên kết nội vùng và liên vùng hạn chế, đặc biệt là theo phương ngang (Đông - Tây). Khoảng cách và thời gian di chuyển giữa các tỉnh còn nhiều bất cập, khó có sự liên kết giữa các hoạt động kinh tế xã hội và chia sẻ các hạ tầng xã hội, dịch vụ công giữa các tỉnh trong vùng, kể cả với một số tỉnh trong cùng tiểu vùng.
"Những liên kết liên vùng mang tính chiến lược còn thiếu hoặc trong tình trạng chậm đầu tư. So với cả nước, vùng Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có năng suất lao động ở mức thấp. Tỉ lệ lao động qua đào tạo dưới mức trung bình của cả nước và ngày càng tụt hậu", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói thêm.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bản quy hoạch vùng có ý nghĩa quan trọng, với tư duy mới, tầm nhìn mới, có sự bứt phá hướng đến việc chủ động kiến tạo để phát triển; tập trung xác định và giải quyết các vấn đề lớn, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; mạnh dạn tái cơ cấu kinh tế, tổ chức lại không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững.
Về tình hình triển khai các dự án quan trọng liên kết vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư các dự án cao tốc, quy mô lớn của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, góp phần thay đổi bộ mặt kết cấu hạ tầng của vùng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã điểm tên một số dự án đã hoàn thành và đang tích cực triển khai như: Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1; Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng); Dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La); Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai;...
Thời gian tới, để gỡ "nút thắt" lớn nhằm phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 4 kiến nghị, đề xuất gồm:
Thứ nhất, về các nhiệm vụ, hoạt động điều phối: Các bộ, địa phương quyết liệt triển khai 12 nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Chính phủ và 6 nhiệm vụ trong kế hoạch hoạt động Vùng năm 2023 chưa hoàn thành, trong đó lưu ý Bộ Công Thương còn 5 đề án chưa hoàn thành, Bộ Tài nguyên Môi trường còn 2 đề án, các địa phương Sơn La, Tuyên Quang còn 2 đề án. Đề xuất tiếp tục các nhiệm vụ đưa vào kế hoạch hoạt động của Hội đồng trong năm 2024.
Thứ hai, về quy hoạch vùng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng; các Bộ, địa phương thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quy hoạch vùng.
Thứ ba, về cơ chế, chính sách đặc thù: Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, tham gia góp ý gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Thứ tư, về các dự án quan trọng, liên kết vùng: các địa phương khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện các thủ tục cần thiết để sớm khởi công dự án, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã khởi công. Đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư hoặc nghiên cứu triển khai, lồng ghép đưa vào trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030; Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để sớm triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.