Lưu ý để hạn chế lừa đảo trực tuyến trong sử dụng tài khoản, thẻ ngân hàng
Lừa đảo trực tuyến đang diễn ra trên diện rộng như là một hệ lụy của chuyển đổi số. Để bảo vệ quyền lợi của mình, tránh trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, khách hàng cần luôn cẩn trọng, đặc biệt là trong quá trình sử dụng thẻ/tài khoản ngân hàng.
Lừa đảo trực tuyến là hệ lụy của chuyển đổi số
Phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu về lừa đảo trực tuyến tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến chiều ngày 23/5, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng vấn đề này hiện nay đang diễn ra trên diện rộng và không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu, như là một hệ lụy của chuyển đổi số.
Thời gian qua, để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện đồng bộ 6 giải pháp, bao gồm:
Thứ nhất, tuyên truyền vẫn là một giải pháp quan trọng hàng đầu và có tính lâu dài. Bộ Thông tin truyền thông đã chỉ đạo các báo, đài lớn tổ chức các chuyên mục để cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến. Đặc biệt, Bộ sử dụng hệ thống thông tin cơ sở là loa phát thanh phường, xã để thông tin thường xuyên tới người dân.
Thứ hai, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công an để xử lý và triệt phá một số đường dây lừa đảo trực tuyến thời gian qua.
Thứ ba, lừa đảo trực tuyến thường sử dụng điện thoại và giả danh cơ quan nhà nước. Vừa qua, Bộ đã chỉ đạo các nhà mạng đầu tư công nghệ nếu cơ quan nhà nước dùng điện thoại liên hệ với người dân sẽ hiện tên của cơ quan nhà nước trên máy điện thoại di động hoặc điện thoại cố định có màn hình. Trong trường hợp điện thoại cố định không có màn hình, người dân có thể yêu cầu gọi điện lại qua số di động để xác nhận tên cơ quan nhà nước, nếu không có tên thì người dân không nên tin.
Thứ tư, lừa đảo trực tuyến cũng thông qua số điện thoại không chính chủ hoặc sim rác. Gần 5 năm qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo rất mạnh mẽ các nhà mạng xử lý sim rác, nhiều chục triệu sim rác đã được xử lý. Từ ngày 15/4/2024 đã cắt toàn bộ những sim thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư cũng như thực hiện xử lý vấn đề sim chính chủ.
Thứ năm, lừa đảo trực tuyến hay lập các trang web giả mạo của cơ quan nhà nước. Bộ trưởng cho hay, Bộ đã có sáng kiến gán nhãn xanh cho các trang web của cơ quan nhà nước và các tổ chức đã được xác thực. Người dân khi vào các trang web không thấy có nhãn xanh phải cẩn trọng hơn.
Thứ sáu, Bộ đã thiết lập một đầu mối để tiếp nhận phản ánh về các lừa đảo trực tuyến để hỗ trợ người dân.
Lưu ý để hạn chế rủi ro trong quá trình sử dụng thẻ/tài khoản ngân hàng
Nhằm hạn chế bẫy lừa đảo trong quá trình sử dụng tài khoản, thẻ ngân hàng, tại Kỷ yếu tham luận của “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt”, Tiểu ban Rủi ro của Chi Hội thẻ Việt Nam đã lưu ý khách hàng chỉ giao dịch tại các website/ứng dụng di động uy tín, các địa chỉ mua hàng tin cậy, bảo mật cao. Cùng với đó, khi gõ địa chỉ đường link website, khách hàng nên gõ đầy đủ vào thanh địa chỉ trong trình duyệt internet thay vì chọn đường link có sẵn hoặc được gợi ý. Tuyệt đối không lưu lại tài khoản đăng nhập và mật khẩu có gắn với thông tin thẻ trên trình duyệt khi giao dịch, đồng thời đăng xuất thoát khỏi ứng dụng, website khi hoàn thành phiên giao dịch.
Cùng với đó, Tiểu ban Rủi ro cũng đã thống kê những thủ đoạn lừa đảo mà khách hàng cần lưu tâm như:
Thứ nhất, thủ đoạn gọi điện cho khách hàng/ gửi thư điện tử/ tin nhắn dưới các hình thức giả mạo để yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin như thông tin thẻ (số thẻ, ngày hết hạn, họ tên trên thẻ,…), thông tin cá nhân (số CMND/CCCD), mã OTP,…
Thứ hai, giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách hàng với lý do hỗ trợ kiểm tra giao dịch;
Thứ ba, giả danh nhân viên một trang thương mại điện tử nổi tiếng yêu cầu khách hàng cung cấp OTP để hủy giao dịch gian lận không có thật;
Thứ tư, tiếp cận, chào mời khách hàng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, dễ dàng đáo hạn hàng tháng hoặc chuyển trả góp với phí, lãi suất thấp hơn để lôi kéo khách hàng và đề nghị khách hàng cung cấp thông tin thẻ;
Thứ năm, giả mạo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng như: Bộ Y tế,… gửi thư điện tử chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống dịch hoặc thông báo tài khoản của KH có dấu hiệu hoạt động bất thường và hướng dẫn khách hàng cung cấp thông tin thẻ, mã OTP…;
Thứ sáu, mạo danh nhân viên nhà mạng liên hệ và đề nghị hỗ trợ chuyển đổi sim 3G thành sim 4G qua điện thoại. Khi khách hàng làm theo hướng dẫn, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt được quyền sử dụng số điện thoại, sau đó sử dụng các thông tin cá nhân và số điện thoại di động của khách hàng liên hệ nhà mạng để yêu cầu thay thế SIM, khi đó đối tượng tội phạm nhận được tất cả thông báo về giao dịch thẻ, bao gồm cả OTP;
Thứ bảy, gửi thư điện tử hoặc tin nhắn giả mạo ngân hàng (thư điện tử có chứa tên ngân hàng và chữ ký điện tử của nhân viên ngân hàng) thông báo có chứa các đường link giả mạo, mã độc,… và yêu cầu khách hàng xác nhận giao dịch bằng cách nhập các thông tin thẻ, sau đó sẽ chiếm đoạt các thông tin thẻ của khách hàng để thực hiện các giao dịch gian lận.
Trong các trường hợp này, Tiểu ban Rủi ro khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cho bất kỳ ai. Không đưa thẻ của mình cho bất cứ người nào khác, trừ nhân viên của ngân hàng hoặc các nhân viên thu ngân của đơn vị chấp nhận thẻ được chỉ định để làm việc với Khách hàng. Khi thu ngân thực hiện giao dịch phải trong tầm quan sát của khách hàng. Đối với nhân viên ngân hàng, khách hàng chỉ nên đưa thẻ cho nhân viên của ngân hàng khi thực hiện các giao dịch/thủ tục tại các điểm giao dịch của ngân hàng, không đưa thẻ ở các địa điểm bên ngoài điểm giao dịch của ngân hàng. Đồng thời, khách hàng nên chủ động quản trị rủi ro thẻ thông qua các công cụ mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng.
Trong trường phát sinh rủi ro (như thất lạc, mất thẻ/ đã cung cấp thông tin thẻ cho đối tượng giả mạo,…) nghi ngờ có rủi ro hoặc thông tin, dữ liệu thẻ của mình có thể đã bị xâm nhập, Tiểu ban Rủi ro lưu ý khách hàng cần nhanh chóng khóa thẻ thông qua ứng dụng ngân hàng cung cấp cho khách hàng; liên hệ ngay tổng đài hỗ trợ khách hàng 24/7 của các ngân hàng phát hành thẻ để khóa thẻ; liên hệ với Cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ. Việc làm việc với cơ quan Công an sẽ là các bằng chứng để củng cố hồ sơ nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng trước các rủi ro phát sinh.