Đồng Nai: Đẩy mạnh cho vay tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nhằm tháo gỡ khó khăn góp phần hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường là một trong các nội dung mà ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tập trung thực hiện bằng các giải pháp tư vấn tài chính, đặc biệt là kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, từ đó tạo môi trường thuận lợi để khách hàng doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng dễ dàng thuận tiện.
Đáng chú ý, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất kinh doanh phục hồi kinh tế, nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đưa ra các chính sách ưu đãi, như: giảm lãi suất cho vay, tiết giảm chi phí giao dịch, gói tín dụng ưu đãi... để hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp vay vốn tín dụng để tạo dòng vốn lưu động sản xuất kinh doanh.
Ông Tạ Thành Long, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai thông tin, đến cuối tháng 4/2024, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 60 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 2% so với thời điểm cuối năm 2023 và chiếm tỷ lệ gần 16% so với tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, dư nợ cho vay bất động sản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 63,6 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 6,2% so với thời điểm cuối năm 2023. Dự nợ cho vay bất động sản hiện chiếm tỷ lệ khoảng 16,7% so với tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trong tỉnh.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai khuyến khích các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cũng như đẩy mạnh các giải pháp hướng tới thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Đặc biệt, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai nhiều chương trình cấp tín dụng hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế địa phương.
Điển hình, Công ty Cổ phần Bibica - chuyên sản xuất bánh kẹo các loại, đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu thuần đạt hơn 1,7 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty này. Bánh kẹo Bibica cũng dự kiến lãi trước thuế sẽ đạt 110,4 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2023.
Ngoài sự hỗ trợ của nguồn vốn vay tín dụng, Bibica còn được ngân hàng Vietcombank chi nhánh Đồng Nai tư vấn về sản phẩm tài chính mà quý I/2024, doanh thu thuần của công ty đã đạt 360 tỷ đồng, tăng 152% so với cùng kỳ năm trước và lãi trước thuế đạt 17,4 tỷ đồng, gấp 5,8 lần so với kết quả đạt được hồi quý I/2023. Qua đó, hoàn thành gần 16% mục tiêu lãi trước thuế năm nay.
Được biết, Đồng Nai đang là một trong những tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu giày dép lớn nhất cả nước. Sản phẩm giày dép sản xuất trong tỉnh phần lớn là gia công cho các thương hiệu lớn trên thế giới, như: Nike, Adidas, Puma… Các công ty, tập đoàn sản xuất giày dép lớn ở Đồng Nai là Phong Thái, Taekwang, Changshin, Pouchen, Bitis… Giày dép cũng là ngành có xuất siêu khá lớn, riêng năm 2023 xuất siêu khoảng 3,6 tỷ USD và trong 4 tháng đầu năm nay, xuất siêu hơn 1,1 tỷ USD.
Số liệu thống kê từ Cục Thống kê Đồng Nai cho thấy, kim ngạch xuất khẩu giày dép của tỉnh trong 4 tháng đầu năm 2024, đạt gần 1,37 tỷ USD, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai và là mặt hàng duy nhất từ đầu năm đến nay xuất khẩu vượt 1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, chia sẻ: chi phí vận chuyển của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang đắt đỏ hơn do tỷ giá USD biến động tăng liên tục. Cùng với áp lực từ tỷ giá USD thì xung đột vũ trang tại nhiều điểm nóng trên thế giới chưa hạ nhiệt. Điều này khiến cho cước vận tải biển từ Việt Nam sang châu Âu và bờ Đông nước Mỹ tăng gấp 2 - 3 lần so với trước.
Ông Hưng chia sẻ thêm, tỷ giá tăng là điều mà các doanh nghiệp không thể can thiệp được, bởi tác động chung từ thế giới nhưng doanh nghiệp cần tỉnh táo hơn để hạn chế những tiêu cực gặp phải. Theo đó, cần chú ý bám sát diễn biến tỷ giá để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu, đồng tiền thanh toán có lợi, giảm dần phụ thuộc vào đồng USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không thể tác động lên tỷ giá mà điều này đòi hỏi sự điều hành linh hoạt từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã theo sát diễn biến tỷ giá của đồng Việt Nam và các đồng tiền trên thế giới để có những biện pháp giải tỏa áp lực trên thị trường ngoại tệ. Theo đó, đã phát hành tín phiếu hút bớt lượng tiền dư thừa, từ đó giảm bớt áp lực tỷ giá, để biến động trong ngưỡng cho phép.
Mới đây, từ ngày 19/4/2024, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức bán ngoại tệ cho các ngân hàng và ra thị trường. Nguồn cung USD từ Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ là yếu tố giúp giữ ổn định tỷ giá khi nhu cầu từ thị trường vẫn còn lớn.