Lãnh đạo Nhựa An Phát Xanh: Tập trung vào tăng giá cổ phiếu và mở rộng đầu tư nên chưa chia cổ tức
Trong năm 2024, CTCP Nhựa An Phát Xanh lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu hợp nhất 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 377 tỷ đồng, tương ứng giảm 4,9% và tăng 22% so với thực hiện của năm 2023 và quyết định chưa chia cổ tức.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Nhựa An Phát Xanh (An Phát Bioplastics - HoSE: AAA) được tổ chức ngày 27/5 với sự tham dự của 43 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho hơn 219 triệu cổ phần, tương đương 57,29% vốn điều lệ công ty.
Trong năm 2023, Nhựa An Phát Xanh ghi nhận doanh thu đạt 12.622 tỷ đồng, giảm 17% so với năm trước. Doanh thu giảm chủ yếu do giá hạt nhựa ở nền thấp so với năm trước, đồng thời tập trung vào phòng ngừa rủi ro, điều chỉnh chính sách bán hàng, kiểm soát chặt chẽ công nợ và tồn kho, dẫn đến doanh thu mảng thương mại hạt nhựa giảm.
Nhựa An Phát Xanh ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2023 là 309 tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch. Nguyên nhân công ty chưa hoàn thành kế hoạch lợi nhuận chủ yếu là do mảng khu công nghiệp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận hàng năm thay vì ghi nhận một lần như kế hoạch đầu năm.
Tại ngày 31/12/2023, doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn và dài hạn từ cho thuê bất động sản và nhà xưởng nhận trước của các bất động sản đầu tư thuộc dự án Khu công nghiệp An Phát Complex và dự án Khu công nghiệp An Phát 1 đạt 1.614 tỷ đồng.
Trong năm 2024, Nhựa An Phát Xanh lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu hợp nhất 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 377 tỷ đồng, tương ứng giảm 4,9% và tăng 22% so với thực hiện của năm 2023.
Theo Chủ tịch HĐQT Nguyễn Lê Thăng Long, trong năm 2023, công ty đã có kế hoạch phát triển những dự án mới, đặc biệt là dự án Nhà máy 8. Nhu cầu tiền mặt để đầu tư dự án này là rất lớn và dự án còn kéo dài trong những năm kế tiếp. Với lý do trên, công ty chưa thể trả cổ tức trong năm 2023 và thậm chí là cả những năm tiếp theo.
Dự án Nhà máy 8 là một trong những dự án trọng điểm của Nhựa An Phát Xanh, sản xuất nhựa và sản phẩm từ nhựa, đã mở rộng quy mô và tăng tổng vốn đầu tư lên gần 1.000 tỷ đồng vào tháng 1/2024. Dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trước ngày 31/5/2025.
Ông Nguyễn Lê Trung, Tổng Giám đốc Nhựa An Phát Xanh cho biết thêm, kế hoạch từ nay đến năm 2030 công ty sẽ nâng doanh thu lên gấp đôi. Chính vì vậy, hàng năm công ty sẽ phải mở rộng sản xuất kinh doanh.
"Nếu lợi nhuận đạt được mang trả cổ tức, thì công ty sẽ lại phải huy động tiền từ cổ đông, tăng vốn lên”, ông Nguyễn Lê Trung nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trung, việc tăng vốn ở thời điểm hiện tại là phương án không phù hợp. Tổng Giám đốc Nhựa An Phát Xanh hy vọng cổ đông chia sẻ, hy sinh cùng công ty trong 1-2 năm tới, giúp AAA giữ lại lợi nhuận để tăng trưởng.
Trả lời ý kiến các cổ đông khi cho rằng dù hoạt động có lãi mà công ty không chịu chia cổ tức, thậm chí là chia cổ tức bằng cổ phiếu, ông Trung nói: "Khi chúng tôi đầu tư, chúng tôi trông chờ vào giá cổ phiếu và tương lai của công ty hơn thay vì cổ tức mà công ty chi trả”.
Sau ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, các thành viên HĐQT đương nhiệm gồm ông Nguyễn Lê Thăng Long và bà Nguyễn Thị Tiện sẽ kết thúc nhiệm kỳ đương nhiệm của mình.
Tại đại hội CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (APH) – công ty mẹ của Nhựa An Phát Xanh tiếp tục đề cử ông Nguyễn Lê Thăng Long và bà Nguyễn Thị Tiện vào HĐQT công ty này.