Hoạt động ngân hàng

Sắp diễn ra chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt năm 2024

Ngô Hải 28/05/2024 15:34

Tiếp nối thành công của chương trình Ngày không tiền mặt trong 5 năm qua, ngày 28/5/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Báo Tuổi trẻ phối hợp Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt năm 2024.

z5484481912339_7230d06771f65f0a2f2ceac1307adec3.jpg

Năm nay, chuỗi sự kiện được tổ chức với chủ đề “Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, bảo mật”. Buổi họp báo được tổ chức nhằm công bố nội dung, các hoạt động Ngày không tiền mặt năm 2024, công bố Tháng khuyến mãi tập trung tại TP. Hồ Chí Minh, ngày khuyến mãi tập trung toàn quốc Cashless Day 16/6…

Bên cạnh các hoạt động như lễ hội ngày không tiền mặt, sự kiện năm nay có nhiều điểm mới với chương trình giao lưu, tư vấn kỹ năng tài chính an toàn (tư vấn cho học sinh - sinh viên các kỹ năng về quản lý chi tiêu, kiểm soát tiền, đầu tư tài chính, các mini game thử thách quản lý tài chính); ngoài ra còn có minigame hiến kế giao dịch an toàn; hoạt động chạy bộ…

Hội thảo năm nay với chủ đề “Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, bảo mật” (dự kiến vào ngày 14/6/2024) với quy mô khoảng hơn 300 khách mời đến từ Trung ương và địa phương... Hội thảo tập trung thảo luận và tìm giải pháp: Nhằm nâng cao hơn nữa khả năng bảo mật, an toàn của hệ thống, đảm bảo an toàn trong thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) nói riêng và các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số nói chung; nâng cao nhận thức, bảo vệ tốt hơn cho người dân khi tham gia TTKDTM cũng như các giao dịch ngân hàng trên nền tảng số..

Tại họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt năm 2024, các lãnh đạo tham dự còn trình bày những kết quả trong phát triển TTKDTM thời gian qua, vai trò của truyền thông, giáo dục tài chính trong thúc đẩy TTKDTM và chuyển đổi số ngân hàng; định hướng thời gian tới.

Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm tại Đề án phát triển Phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành ngân hàng đã tập trung nỗ lực lớn cho công tác xây dụng, hoàn thiện thể chế, pháp lý và tổ chức triển khai thực hiện; tăng cường ứng dụng các công nghệ mới, đổi mới mô hình kinh doanh, hoạt động hợp tác để sáng tạo và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, bảo mật, tiện ích, đem lại nhiều giá trị gia tăng và trải nghiệm vượt trội cho khách hàng, góp phần tăng tốc đi tới một xã hội không tiền mặt.

Sau một thời gian xây dựng, hoàn thiện, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 quy định về TTKDTM thay thế cho Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Nghị định số 52 ban hành nhằm mục đích tạo lập khuôn khổ pháp lý cơ bản, vững chắc cho hoạt thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích, an toàn với chi phí hợp lý. NHNN cũng đang khẩn trương hoàn thiện các dự thảo thông tư để hướng dẫn Nghị định số 52 để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, vững chắc về TTKDTM, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt gắn với đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ.

Hạ tầng phục vụ TTKDTM như: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử liên tục được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng tiện ích, nâng cao năng lực xử lý, phục vụ tốt nhu cầu của các thành viên hệ thống và qua đó đáp ứng tốt nhu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của các người dùng cuối là người dân, doanh nghiệp đối với các sản phẩm, dịch vụ ngành ngân hàng. Nhiều phương thức, dịch vụ thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, giá dịch vụ hợp lý, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, doanh nghiệp đã được ngành ngân hàng cung ứng ra thị trường.

z5484405589896_a66bca32d9c28bc7e3d62cff8bd54945.jpg

Theo Vụ Thanh toán (NHNN), các chỉ số TTKDTM có sự tăng trưởng mạnh mẽ, cụ thể:

(i) số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet và Mobile bình quân giai đoạn 2021-2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%; tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%;

(ii) đến hết năm 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán; về mở tài khoản qua phương thức eKYC, 40 ngân hàng báo cáo đã triển khai chính thức với gần 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động…

Số liệu 4 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy, các chỉ số TTKDTM có mức tăng trưởng khá: Giao dịch TTKDTM tăng 57,11% về số lượng và 39,49% về giá trị; qua kênh Internet tăng 47,48% về số lượng và 30,20% về giá trị; qua kênh điện thoại di động đạt tăng 59,26% về số lượng và 35,91% về giá trị. Giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 14,15% về số lượng và giảm 7,84% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang TTKDTM.

Góp phần vào sự phát triển của TTKDTM không thể không nói đến vai trò của truyền thông, giáo dục tài chính. Tại họp báo, bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN) cho biết, NHNN là đơn vị được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ điều phối chung Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó, truyền thông giáo dục tài chính là một nhiệm vụ quan trọng.

Theo bà Sen, nhiệm vụ của truyền thông giáo dục tài chính là để “không ai bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính”, nâng cao nhận thức của công chúng về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, đẩy lùi tín dụng đen. Để thực hiện hiệu quả, hoạt động truyền thông giáo dục tài chính cần đánh giá thực trạng trên cơ sở khách quan, khoa học và đưa ra các giải pháp với mục tiêu rõ ràng, tính khả thi và lượng hóa được kết quả hoạt động truyền thông giáo dục tài chính của NHNN.

Các chương trình truyền thông giáo dục tài chính mà NHNN thực hiện thời gian qua đã có sự lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng, được đông đảo các tầng lớp công chúng đánh giá cao vì tính thiết thực, độ hấp dẫn và sự sáng tạo. Thông qua các chương trình truyền thông này, nhận thức và thói quen của người dân về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã thay đổi rõ nét, nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, từ đó góp phần thúc đẩy TTKDTM và thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đổi mới, sáng tạo cách thức truyền thông, đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội, trên Fanpage Giáo dục tài chính, đặc biệt xây dựng website về giáo dục tài chính với những kiến thức từ đơn giản đến chuyên sâu về tài chính ngân hàng, trong đó có các dịch vụ TTKDTM hiện đại”, bà Lê Thị Thúy Sen cho biết thêm.

Chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt năm 2024

1. Ngày khuyến mãi toàn quốc: phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam.

Ban tổ chức đề xuất ngày 16/6 hằng năm là Ngày khuyến mãi toàn quốc - Cashless Day - ngày hội mua sắm không tiền mặt lớn nhất Việt Nam với nhiều chương trình khuyến mãi trên phạm vi toàn quốc dành cho thanh toán không tiền mặt.

Mục tiêu nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động mua sắm, kích thích tiêu dùng nội địa, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế.

Thời gian áp dụng: từ ngày 10 - 16/6.

2. Tháng khuyến mãi tập trung - mùa mua sắm "Shopping Season": phối hợp Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh phát động đến các doanh nghiệp và nhà bán lẻ hưởng ứng sự kiện bằng các chương trình giảm giá đặc biệt từ ngày 15/6 - 15/7/2024.

Phạm vi áp dụng tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các nhà bán lẻ, hộ kinh doanh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

3. Livestream bán hàng giảm giá: Phối hợp TikTok Việt Nam và một số sàn thương mại điện tử tổ chức các phiên livestream bán hàng.

Nội dung: phiên livestream bán hàng của các KOC trên nền tảng mạng xã hội/sàn thương mại điện tử với các ưu đãi giảm giá, quà tặng và những khuyến mãi hấp dẫn khi sử dụng hình thức thanh toán không tiền mặt, nhằm tăng nhận biết về Cashless Day và khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.

Tần suất: 2 phiên/tuần, từ nay đến ngày 16/6.

4. Hội thảo: “Thúc đẩy TTKDTM an toàn, bảo mật”

Nội dung: Hội thảo tập trung thảo luận và tìm giải pháp: (1) nhằm nâng cao hơn nữa khả năng bảo mật, an toàn của hệ thống, đảm bảo an toàn hoạt động TTKDTM; (2) nâng cao nhận thức, bảo vệ tốt hơn cho người dân khi tham gia các dịch vụ TTKDTM, các giao dịch ngân hàng số.

Thời gian: từ 14g00 đến 17g30 ngày 14/6/2024

Địa điểm: Hội trường Thống Nhất, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

5. Lễ hội không tiền mặt: có chủ đề "Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt an toàn, bảo mật".

Địa điểm tổ chức tại khu vực xung quanh và bên trong khuôn viên Nhà văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP. Hồ Chí Minh).

Thời gian: từ 18h ngày 14/6 đến 21h ngày 16/6 với dự kiến khoảng 50.000 - 60.000 lượt người tham dự.

6. Tư vấn kỹ năng tài chính an toàn

Nội dung: Tư vấn cho học sinh - sinh viên các kỹ năng về quản lý chi tiêu, kiểm soát tiền, đầu tư tài chính, các mini game thử thách quản lý tài chính, giao lưu tác giả sách Khéo, khôn với tiền tránh những ưu phiền.

Thời gian: Sáng 15/6/2024

Địa điểm: Nhà văn hóa Thanh Niên.

7.Minigame hiến kế giao dịch an toàn (tạm đặt)

Nội dung: Người chơi kể về những tình huống, trải nghiệm có thực khi bị lừa gạt, mất tiền khi mua hàng, thanh toán trực tuyến, mất tài khoản, mất tiền khi giao dịch ngân hàng… của bản thân. Từ đó, đưa ra bài học hoặc hiến kế giải quyết vấn đề.

Thời gian: Từ ngày 1/6 - 1/7/2024.

8. Chương trình tập huấn thanh toán không tiền mặt an toàn

Tổ chức: Phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh

Nội dung: Chương trình nhằm hưởng ứng chuỗi sự kiện “không dùng tiền mặt” năm 2024, nâng cao nhận thức của giới trẻ về thanh toán không tiền mặt an toàn, giúp giới trẻ cơ hội tiếp cận trực tiếp với các giải pháp, công nghệ thanh toán hiện đại tại Lễ hội.

Thời gian: Tháng 6/2024

Ngô Hải