ĐHĐCĐ Viglacera: Sẽ hoàn thành gần 2.200 căn nhà ở xã hội trong năm 2024 và chuẩn bị đầu tư một loạt dự án
Theo lãnh đạo Viglacera, hiện công ty đã có quỹ đất sạch và các thủ tục pháp lý để đầu tư khoảng 11.000 căn nhà ở xã hội, dự kiến trong năm 2024 sẽ đưa ra thị trường khoảng 2.180 căn, chủ yếu tại các khu công nghiệp.
Sáng ngày 29/5, Tổng công ty Viglacera - CTCP (mã VGC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 để thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh và nhiều nội dung quan trọng khác.
Năm 2024, Viglacera đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu hợp nhất 13.353 tỷ đồng, tăng nhẹ so với kết quả thực hiện năm 2023 và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.110 tỷ đồng, giảm 31% so với năm trước. Năm 2024 công ty dự kiến chia cổ tức tỷ lệ là 20% vốn điều lệ.
Theo ban lãnh đạo Viglacera, các chỉ tiêu lợi nhuận và doanh thu trong kế hoạch đã được xét đến các yếu tố ảnh hưởng bất lợi đến thị trường trong lĩnh vực vật liệu như chi phí nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng tăng, đặc biệt giá nguyên vật liệu nhập khẩu và giá xăng dầu.
Bà Trần Thị Minh Loan, Thành viên HĐQT Viglacera đánh giá năm 2024, mảng vật liệu xây dựng của công ty vẫn còn khó khăn, do đó dự kiến không có lợi nhuận. Còn mảng kinh doanh bất động sản khu công nghiệp (KCN), doanh thu hợp nhất dự kiến khoảng 1.400 tỷ đồng.
Thông tin cụ thể hơn về các mảng kinh doanh, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Viglacera cho biết, với mảng vật liệu xây dựng tình hình thị trường trong năm 2023 là xấu, năm 2024 cũng chưa khởi sắc nhưng có triển vọng tốt hơn bởi dự kiến ba luật liên quan đến bất động sản sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Khi lĩnh vực bất động sản phục hồi trở lại thì mảng vật liệu xây dựng của công ty cũng sẽ có cơ hội dần hồi phục.
"Lĩnh vực vật liệu xây dựng đang ở giai đoạn chạm đáy, tôi nghĩ 3 - 5 năm nữa khi các luật đi vào thực tiễn, thị trường bất động sản tốt hơn thì thị trường vật liệu xây dựng chắc chắn cũng sẽ tốt hơn", Tổng Giám đốc Viglacera kỳ vọng.
Với mảng bất động sản, theo ông Tuấn lĩnh vực nhà ở xã hội đang được quan tâm. Theo chỉ thị mới nhất của Ban Bí thư, sẽ dùng vốn đầu tư công để xây nhà ở xã hội cho thuê. Sau khi có chỉ đạo của Ban Bí thư chắc chắn tình hình nhà ở xã hội sẽ phát triển nhanh hơn nữa.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đang trình Quốc hội ra nghị quyết thí điểm về việc chuyển các loại đất thương mại khác sang đất đô thị, nhà ở thương mại, để giải phóng các nguồn lực đất đai đang bị ách tắc. Như vậy, tình hình bất động sản từ nay đến cuối năm sẽ có chuyển biến tốt hơn, qua đó, kéo lĩnh vực vật liệu xây dựng sẽ tốt hơn.
Còn với lĩnh vực kính, ông Tuấn cho biết phụ thuộc rất nhiều vào thị trường, giai đoạn 2020 - 2021 lợi nhuận của mảng này rất tốt nhưng từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, tình hình rất xấu, xấu cả trong nước và toàn cầu. Hơn thế nữa thị trường trong nước cũng đang có tình trạng nhập khẩu kính từ Malaysia do công ty Trung Quốc đặt nhà máy tại Malaysia, trước đây bán rất tốt tại thị trường Trung Quốc nhưng hiện nay bất động sản Trung Quốc cũng khó khăn nên phải chuyển sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Trong nước, nhu cầu cũng suy giảm, dẫn tới lượng cung vượt cầu nên xảy ra việc cạnh tranh về giá. Trong lúc cầu đang chững lại, công ty dự kiến sẽ dừng nhà máy kính nổi Bình Dương để sữa chữa, theo chu kỳ 10 năm (lần trước là năm 2013), đồng thời sẽ đẩy mạnh phát triển kính năng lượng mặt trời bởi cầu của sản phẩm này đang lớn và chủ yếu phải nhập khẩu.
Bất động sản tiếp tục là mảng chủ đạo
Trong bối cảnh lĩnh vực vật liệu gặp khó khăn, sẽ phải tái cơ cấu lại các đơn vị sản xuất theo hướng tăng năng suất lao động, giảm chi phí, giảm giá thành, lãnh đạo Viglacera xác định, bất động sản sẽ tiếp tục là mảng chủ đạo trong năm 2024 của công ty.
Theo đó, công ty sẽ tập trung triển khai bán hàng/cho thuê khu công nghiệp tại KCN Yên Mỹ, Phong Điền, Thuận Thành, Tiền Hải, Yên Phong 2C, Đông Mai, Yên Phong mở rộng, Đồng Văn IV với mục tiêu kinh doanh xấp xỉ 173 ha trong năm 2024.
Cập nhật về kế hoạch này, ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Viglacera cho biết, đến hết tháng 5, công ty đã bàn giao được hơn 50 ha, ghi nhận hơn 645 tỷ đồng lợi nhuận, thực hiện được khoảng 46% kế hoạch.
Về chủ trương đầu tư các dự án mới, ông Trần Ngọc Anh thông tin, trong năm 2023 Viglacera đã đề xuất 3 KCN và đã được Thủ tướng chấp thuận. KCN Sông Công II đã được triển khai ngay lập tức sau quyết định của Thủ tướng, hiện đã đền bù giải phóng mặt bằng được khoảng 16 -17 ha, dự kiến khởi công vào tháng 11 năm nay và sẽ cho thuê tiềm năng được khoảng 30 ha trong năm nay.
Còn với KCN Dốc Đá Trắng dự kiến sẽ hoàn thành các bước chuẩn bị đầu tư vào cuối năm nay và có thể khởi công vào quý II/2025.
Trong năm nay công ty dự kiến sẽ tiếp tục đề xuất xin chủ trương đầu tư thêm 3 KCN mới với diện tích khoảng hơn 1.000 ha tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ và Hưng Yên để có thêm quỹ đất KCN cho các năm tới.
Về tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội, ông Ngọc Anh cho hay, theo kế hoạch công ty sẽ phát triển 50.000 căn đến năm 2030. Hiện nay công ty đã có quỹ đất sạch và các thủ tục pháp lý đầu tư khoảng 11.000 căn, dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành đầu tư 2.180 căn hộ nhà ở xã hội, chủ yếu tại các KCN.
Đồng thời, đầu tư tiện ích (cây xanh, an ninh, dịch vụ,…) tại các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhằm thu hút khách hàng, tạo môi trường tốt cho các cư dân về sinh sống. Công ty xác định việc hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội và các tiện ích là lợi thế để các nhà đầu tư KCN ưu tiên khi chọn thuê đất tại các KCN của Viglacera.
Phó Tổng Giám đốc Trần Ngọc Anh cho biết thêm, về giá bán, theo quy định, lợi nhuận tại các dự án này chỉ là 10%, nhưng tại các KCN chủ yếu là cho thuê. Nếu chỉ cho thuê riêng nhà ở xã hội trong KCN hiệu quả sẽ không cao, nhưng nếu kết hợp cả các dịch vụ trong KCN với các nhà ở công nhân thì hiệu quả cao hơn.
Còn các quỹ đất để triển khai tiếp các dự án khác, theo quy định là sẽ phải đấu giá, đấu thầu, Viglacera đang khảo sát và dự kiến triển khai theo hướng các KCN đều có các dịch vụ đi kèm trong đó, đặc biệt là có dịch vụ thiết yếu là nhà ở cho công nhân để dễ thu hút các nhà đầu tư thuê đất.
Với các dự án nhà ở thương mại, theo ông Ngọc Anh, hiện nay đấu thầu, đấu giá đã xong nhưng mấy năm qua thị trường bất động sản gặp khó khăn, các quy định pháp luật đang sửa đổi nên chững lại. Hiện nay, công ty đang bám sát các quy định và tình hình thực tế các quỹ đất để tiến hành đấu giá và đầu tư để làm các dự án nhà ở thương mại.
Bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới
Cũng tại đại hội sáng nay, cổ đông của Viglacera đã tiến hành bầu thành viên HĐQT và bầu thành viên Ban kiểm soát của Tổng công ty nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Theo đó, cổ đông lớn của Viglacera là Công ty CP Hạ tầng Gelex (công ty con do Tập đoàn Gelex nắm gần 97% quyền biểu quyết) đề cử 3 ứng viên vào vị trí thành viên HĐQT gồm: Ông Nguyễn Văn Tuấn, ông Lê Bá Thọ, ông Nguyễn Trọng Hiền và đề cử 2 thành viên vào Ban Kiểm soát gồm ông Trần Mạnh Hữu và bà Nguyễn Thị Thắm.
Cổ đông lớn thứ hai tại Viglacera là Bộ Xây dựng cử lại 2 người đại diện phần vốn Nhà nước vào vị trí thành viên HĐQT gồm: Ông Trần Ngọc Anh, Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Viglacera (quản lý 25% vốn) và bà Trần Thị Minh Loan, Thành viên HĐQT, Giám đốc Ban Tài chính kế toán (quản lý 13,58% vốn).