Lực cầu bắt đáy giúp VN-Index hồi phục cuối phiên
Áp lực bán mạnh khiến VN-Index chìm sâu trong sắc đỏ trong phiên hôm nay (ngày 30/5), tuy nhiên, đà giảm đã thu hẹp đáng kể về cuối phiên nhờ lực cầu bắt đáy, trong khi đó thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao.
Thị trường mở cửa phiên sáng giảm điểm khá mạnh với lực bán ồ ạt và nới thêm đà giảm khi bước vào phiên chiều, về gần ngưỡng 1.250 điểm.
Tại ngưỡng quan trọng này, lực cầu bắt đáy bắt đầu xuất hiện, trong khi nhà đầu tư cũng ngừng bán và giúp nhiều mã thu hẹp đáng kể đà giảm, thậm chí còn đảo chiều tăng điểm, trong đó có không ít là các bluechip. Qua đó, giúp VN-Index dần hồi phục, VN-Index từ chỗ giảm gần 21 điểm đã co lại còn giảm hơn 6 điểm, tiến sát tới ngưỡng 1.270 điểm.
Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu nhỏ một lần nữa cho thấy khả năng điều tiết giá và phục hồi tốt.
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, ACB, CTG, TCB, VIB, LPB là những mã thành công đổi màu sang sắc xanh, trong khi TPB đứng tham chiếu. Các mã còn lại, dù nhiều mã giảm hơn 2% trong phiên sáng, song kết phiên chỉ còn MBB giảm với biên độ này.
Thanh khoản toàn thị trường hôm nay đạt hơn 31.404 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên hôm qua.
Khối ngoại bán ròng hơn 1.350 tỷ đồng, chủ yếu bán MSR, MBB, FPT. Đây là phiên thứ năm liên tiếp nhà đầu tư nước ngoài “xả hàng” và trở thành gánh nặng đối với tâm lý thị trường.
Chốt phiên, VN-Index giảm 6,32 điểm (-0,50%), xuống 1.272,64 điểm, với 156 mã tăng và 277 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.050,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 25.853,2 tỷ đồng, giảm 2% về khối lượng và tăng 1,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 92 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.122 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,14 điểm (-0,06%), xuống 244,01 điểm, với 78 mã tăng và 87 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 142 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.723 tỷ đồng, tăng 42,6% về khối lượng và 44,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,4 triệu đơn vị, giá trị đạt 625,6 tỷ đồng.
UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,13%), xuống 95,8 điểm, với 130 mã tăng và 152 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 182 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.828 tỷ đồng, tăng gấp đôi về khối lượng và tăng 85% về giá trị, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 119 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.704,3 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm. Trong đó, VN30F2406 giảm 7,5 điểm, tương đương -0,59% xuống 1.270 điểm, khớp lệnh hơn 251.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 50.400 đơn vị.
CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, rủi ro ngắn hạn tiếp tục gia tăng, đặc biệt áp lực điều chỉnh có thể gia tăng hơn lên nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong những phiên giao dịch tới. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn tiếp tục giảm mạnh cho nên xu hướng tăng sẽ khó duy trì và thường cảnh báo rủi ro, đặc biệt khả năng vượt mức kháng cự 1.285 điểm của chỉ số VN-Index vẫn bị đánh giá thấp.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 40-45% danh mục và chưa nên mua mới trong giai đoạn này.