Ngành chăn nuôi trước những bài toán khó tìm lời giải
Ngành chăn nuôi còn gặp rất nhiều khó khăn trước nhiều thách thức đan xen, dịch bệnh, thị trường và yêu cầu phát triển bền vững.
Trao đổi với Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, ngành chăn nuôi còn gặp rất nhiều khó khăn, trong bối cảnh dịch bệnh và yêu cầu đặt ra phát triển theo hướng bền vững, khó khăn về mất cân đối của thị trường trong nước và xuất nhập khẩu.
Phóng viên: Để thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học cần phải có những giải pháp gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Trong bối cảnh ngành chăn nuôi thế giới cũng như Việt Nam đang gánh chịu 3 áp lực, đó là dịch bệnh, môi trường và thị trường, chăn nuôi an toàn sinh học là hướng đi bền vững cho ngành.
Đặc biệt, để kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi thì chăn nuôi an toàn sinh học vẫn là cơ bản nhất, một vấn đề khác không kém phần quan trọng là đối xử nhân đạo với vật nuôi.
Để đảm bảo được các vấn đề trên, Nhà nước phải có các quy định, trước hết là chính sách pháp luật, các quy định liên quan đến chăn nuôi an toàn sinh học đang có đó là Luật Thú y; Luật Chăn nuôi và Luật Môi trường.
Đồng thời, cần xây dựng các mô hình chăn nuôi phù hợp với từng loại hình và từng đối tượng vật nuôi. Ví dụ, chăn nuôi an toàn sinh học với gia cầm, lợn và trâu bò…
Đối với các tập đoàn lớn chăn nuôi an toàn sinh học không là vấn đề. Nhưng Việt Nam đang có rất nhiều các trang trại vừa và nhỏ cũng như nông hộ, nên vấn đề cần được quan tâm trước mắt cũng như lâu dài là phải đảm bảo có ngành chăn nuôi bền vững.
Phóng viên: Tổng đàn vật nuôi của Việt Nam đang rất cao nhưng chúng ta vẫn nhập khẩu một lượng lớn thịt từ nước ngoài. Trước thực tế này cần có những giải pháp gì để hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Đây cũng câu chuyện cần phải bàn, đối với dịch bệnh và môi trường chúng ta áp dụng công nghệ và đã kiểm soát được nhưng vẫn cần phải cố gắng rất nhiều.
Về thị trường, trước đây ai cũng nghĩ Việt Nam đang thiếu nên cứ đẩy mạnh sản xuất và bây giờ sức sản xuất trong nước tương đối mạnh đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nhưng sức mua không tăng lên.
Mặt khác, nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi cũng tăng nhanh trong thời gian qua.
Một trong các vấn đề lớn Nhà nước cần phải quan tâm hiện nay là kiểm soát thật chặt việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi qua đường tiểu ngạch. Do đường biên giới quá dài nên khó kiểm soát các sản phẩm chăn nuôi có nhiễm chất cấm, cũng như dịch bệnh sẽ theo đó tràn vào nội địa.
Theo quan điểm của tôi thì dứt khoát không cho nhập tiểu ngạch để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng nội địa.
Phóng viên: Người tiêu dùng trong nước có thói quen dùng thịt nóng nhưng xu hướng dùng thịt lạnh đang tăng dần, có phải do sản phẩm chăn nuôi trong nước có giá bán cao hơn so với các sản phẩm nhập khẩu?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Mọi người nghĩ giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước cao nên thực phẩm nhập khẩu mới tràn vào được, nhưng theo tôi giá thành sản xuất ở Việt Nam bây giờ cũng đã được cải thiện nhiều.
Các nước ở châu Âu và Bắc Mỹ có nguồn nguyên vật liệu tốt, công nghệ cao nên giá thành tương đối thấp. Còn nếu so với mặt bằng chung thì giá thành sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam thuộc vào nhóm trung bình.
Các sản phẩm nhập khẩu có giá rẻ vì phần lớn là cổ, cánh, lòng, mề, đùi, chân… là thứ phẩm của các lò mổ từ các nước phát triển, họ không sử dụng nhưng người Việt Nam lại ưa thích.
Kiểm soát hạn sử dụng của các sản phẩm nhập khẩu cũng là vấn đề cần quan tâm, vì thực phẩm tươi sống đều có thời gian sử dụng nhất định, trong trường hợp không kiểm soát được nhập khẩu về cũng làm cho giá rẻ.
Trong quá trình công nghiệp hóa, yêu cầu thức ăn nhanh ngày càng tăng, thói quen dùng thịt nóng của người Việt sẽ dần thay đổi, chúng ta không kỳ vọng thị trường giữ mãi thịt nóng vì thói quen này sẽ dần thay đổi chuyển dần sang sử dụng thịt đông lạnh.
Hiện nay các nhà sản xuất trong nước đang chuyển qua sản xuất thịt mát. Thịt mát thì không thể nhập khẩu được, trong khi thịt nóng để bên ngoài vài giờ đã giảm chất lượng, còn thịt mát giữ được 5 - 7 ngày.
Để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, Nhà nước cần khuyến khích sản xuất và sử dụng thịt mát.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!