Bộ Tài chính nói gì về việc “nới lỏng” quy định hoãn xuất cảnh vì nợ thuế?
Việc quy định hoãn xuất cảnh trong trường hợp người nộp thuế (NNT) chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đã được quy định trong Luật Quản lý Thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Đây cũng là biện pháp cứng rắn cảnh báo NNT hoàn thành nghĩa vụ thuế…
Số lượng người nộp thuế nợ thuế dưới 1 triệu đồng rất lớn
Trước kiến nghị thay đổi quy định về cấm xuất cảnh vì nợ thuế, Bộ Tài chính vừa giải thích, Luật quản lý thuế (QLT) đã quy định hành lang pháp lý đối với việc nợ thuế. Theo đó, trường hợp sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, NNT chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì cơ quan QLT thông báo cho NNT biết số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp. Luật QLT cũng quy định việc cho phép NNT nộp dần tiền thuế nợ trong trường hợp có bảo lãnh của ngân hàng. Như vậy, cơ quan thuế đã nhắc nhở để các trường hợp vô tình nợ thuế khẩn trương nộp thuế và cũng có phương án nộp dần cho doanh nghiệp khó khăn không nộp được hết nợ một lần.
Luật QLT và Nghị định 126/2020/NĐ-CP cũng đã quy định cụ thể về trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh. Theo đó, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh là cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của NNT là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về QLT chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, số lượng NNT nợ thuế dưới 1 triệu đồng rất lớn, đa số lại kéo dài. Với các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của NNT thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi thực hiện gửi Thông báo đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và NNT để NNT hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh. NNT có thể chủ động tra cứu nợ thuế của mình trên hệ thống của ngành thuế để đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi xuất cảnh.
“Để nâng cao tính tuân thủ của NNT, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ là một biện pháp cứng rắn cũng như cảnh báo cho NNT đang nợ thuế để đảm bảo việc hoàn thành nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước…”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Sàn TMĐT nộp thuế thay cho người kinh doanh
Về quy định các sàn thương mại điện tử (TMĐT) phải nộp thuế thay cho người kinh doanh, Bộ Tài chính lý giải, trong thời kỳ phát triển nền kinh tế số, kinh doanh TMĐT trở nên phổ biến với các hình thức ngày càng đa dạng, ngành thuế đã đưa ra nhiều giải pháp để tăng cường công tác QLT đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, trong đó có giải pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng yêu cầu tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT. Giải pháp này góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, đồng thời xét về tổng thể sẽ làm giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho toàn xã hội do thay vì hàng chục nghìn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch TMĐT khai, nộp thuế thay.
Ngoài ra, các sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến nắm được đầy đủ các thông tin về người mua; thông tin về các giao dịch bán hàng thành công; thông tin về doanh thu, chi phí thông qua sàn của các tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ, do đó sàn TMĐT có thể thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn.
Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp này đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế.