Hoạt động ngân hàng

TP. Cần Thơ: Dư nợ cho vay thu mua lúa gạo tăng 10,94%

ThS. Trần Trọng Triết {Ngày xuất bản}

Nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên địa bàn TP Cần Thơ đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất - nhập khẩu hàng hóa, đóng góp quan trọng vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

dua-gao-xuong-tau-tai-cang-my-thoi-an-giang.-anh-trong-triet.jpg
TP. Cần Thơ: Dư nợ cho vay thu mua lúa gạo tăng 10,94%

Được biết, để kích cầu tín dụng, ngay từ đầu năm 2024 đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Về chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố triển khai thực hiện khá tốt.

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Cần Thơ cho biết, đơn vị đã thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và trực tiếp làm việc, đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm 2024 tăng 1,83%. Trong tháng 5, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hoạt động tốt hơn, đơn hàng, hợp đồng nhiều hơn nên nhu cầu tín dụng tăng nhanh, tập trung ở lĩnh vực xuất khẩu (lúa gạo, thủy sản) và một số lĩnh vực ưu tiên như tiêu dùng, nông sản chế biến nhu cầu tín dụng cũng tăng.

Tới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ sẽ tiếp tục thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đối thoại, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp. Ðồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn để kịp thời hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Đáng chú ý, số liệu báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Cần Thơ cho thấy, tổng dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 5/2024 đạt 159.300 tỷ đồng, tăng 1,83% so với cuối năm 2023. Trong đó, tổng dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên đa phần đều tăng so với tháng 12/2023, cụ thể: cho vay xuất khẩu tăng 7,36% đạt 17.700 tỷ đồng; cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng 0,21% đạt 46.800 tỷ đồng; cho vay nuôi trồng - thu mua, chế biến thủy sản tăng 6,08% đạt 13.200 tỷ đồng; cho vay thu mua lúa, gạo tăng 10,94% đạt 20.200 tỷ đồng so với tháng 12/2023.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực triển khai Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước. Kết quả đến nay, tổng giá trị nợ (gốc và/hoặc lãi) đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ lũy kế là 2.075,9 tỷ đồng, với 551 lượt khách hàng được cơ cấu; dư nợ (gốc và/hoặc lãi) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.802,2 tỷ đồng cho 366 khách hàng vay.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Cần Thơ tiếp tục đốc thúc các tổ chức tín dụng đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy vốn ra thị trường. Ðồng thời, theo dõi việc triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (gói 120.000 tỷ đồng); Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo Công văn số 5631/NHNN-TD; đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh lúa, gạo theo Công văn số 1764/NHNN-TD của Ngân hàng Nhà nước để góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, ngành Ngân hàng trên địa bàn tiếp tục nỗ lực “tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển cũng như phục hồi sản xuất kinh doanh. Bằng các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, hấp thụ vốn của nền kinh tế, các giải pháp hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các động lực tăng trưởng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ sẽ thường xuyên trao đổi thông tin với Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố theo quy chế phối hợp đã ký; duy trì đường dây “nóng” và tiếp nhận, giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến việc tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Thực tế, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã khẳng định là kênh “tiếp vốn” quan trọng, hiệu quả giúp các doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng với lãi suất hợp lý để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất. Chương trình cũng đã nâng cao tính chủ động và trách nhiệm chia sẻ khó khăn với khách hàng của các ngân hàng thương mại; mở rộng đầu tư tín dụng an toàn, hiệu quả.

Thời gian tới ngành Ngân hàng TP Cần Thơ sẽ tiếp tục tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành năm 2024 theo định hướng của Chính Phủ, UBND thành phố, Ngân hàng Nhà nước... Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tiếp tục hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ phù hợp với định hướng của ngành và nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống.hỗ trợ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

ThS. Trần Trọng Triết