Thị trường

Thị trường hàng hoá vẫn trên đà suy yếu

Q.L 05/06/2024 09:18

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới, lực bán tiếp tục áp đảo trong ngày giao dịch hôm qua (4/6). Chỉ số MXV-Index đóng cửa giảm 1,24% xuống 2.272 điểm, mở rộng đà giảm sang ngày thứ 5 liên tiếp, đồng thời về mức thấp nhất trong 1 tháng trở lại đây, phản ánh xu hướng suy yếu của giá hàng hoá.

6e5b0933-8f2e-4089-a91b-fa225a7782c1.png

Giá lúa mì giảm 5 ngày liên tiếp

Nhóm nông sản kết thúc ngày hôm qua (4/6) với 6 trên 7 mặt hàng đồng loạt giảm giá. Trong đó, lúa mì Chicago giảm mạnh 2,16%, dẫn dắt xu hướng chung của nhóm. Mặc dù khởi sắc trong đầu phiên sáng trước những lo ngại về nguồn cung từ Nga, nhưng giá lúa mì nhanh chóng quay đầu suy yếu khi thị trường đón nhận những dữ liệu tích cực về nguồn cung từ . Giá đóng cửa hôm qua về mức 241,87 USD/tấn, ghi nhận ngày suy yếu thứ 5 liên tiếp.

Những số liệu tích cực phản ánh triển vọng mùa vụ tại Mỹ đã gây áp lực lớn lên giá lúa mì. Cụ thể, trong báo cáo Tiến độ mùa vụ (Crop Progress), Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết khoảng 49% diện tích lúa mì đông của nước này đạt chất lượng tốt/tuyệt vời trong tuần kết thúc ngày 2/6, cải thiện so với tuần trước và cao hơn so với mức 36% cùng kỳ năm ngoái. Đối với lúa mì vụ xuân, khoảng 74% diện tích đạt chất lượng tốt/tuyệt vời trong tuần đánh giá, cao hơn nhiều so với mức 69% kỳ vọng của thị trường cũng như mức 64% cùng kỳ năm ngoái.

1c3aaaf6-c179-49cf-9bc8-a9a727ff1b75.png

Bên cạnh đó, số liệu từ Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy luỹ kế xuất khẩu lúa mì của EU từ đầu niên vụ đến đầu tháng 6 đạt 28,17 triệu tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ xuất khẩu chậm hơn 4,7% chủ yếu do nhu cầu suy yếu. Đây cũng là yếu tố gây sức ép tới giá lúa mì trong ngày hôm qua.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong hôm qua (4/6), giá chào bán lúa mì EU và Nam Mỹ tại miền Bắc tương đối ổn định. Tại cảng Cái Lân, lúa mì kỳ hạn giao tháng 6 và tháng 7 năm nay dao động trong mức 7.500 đồng/kg.

Giá cà phê tăng mạnh

Nhóm cà phê là điểm sáng của thị trường khi là mặt hàng hiếm hoi duy trì đà tăng ổn định. Chốt ngày, giá Arabica tăng 3,2%, cà phê Robusta tăng 1,4%, chạm mức cao nhất trong vòng 4 tuần. MXV cho biết, lo ngại hoạt động sản xuất cà phê vụ 2024 - 2025 có thể thu hẹp tại các quốc gia cung cấp chính như Brazil và Việt Nam vẫn tiếp tục là nguyên nhân chính hỗ trợ giá Robusta. Trong khi đó, giá Arabica cũng nhận lực đẩy từ đà tăng của Robusta.

Thị trường hiện lo ngại nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục giữ cà phê khiến lượng hàng xuất đi trong tháng 5 sụt giảm. Trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Thống kê đã ước tính xuất khẩu cà phê trong tháng của nước ta chỉ ở mức 95.000 tấn, giảm mạnh 36,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 5 tháng đầu năm, Việt Nam chỉ xuất đi 833.000 tấn cà phê, giảm gần 4% so với 5 tháng đầu năm 2023.

f20734f4-1ec4-4c6b-8572-c3e4018927fe.png

Còn tại Brazil, hoạt động thu hoạch chậm và kích thước quả không đồng đều, số lượng quả nhỏ nhiều, đang làm dấy lên lo ngại sụt giảm sản lượng. Điều này cũng khiến thị trường giảm bớt kỳ vọng nguồn cung vụ mới từ quốc gia này có thể nhanh chóng bù đắp thiếu hụt nguồn cung từ Việt Nam.

Hãng tư vấn Safras & Mercado ước tính, đến 28/5, Brazil mới thu hoạch được 30% diện tích cà phê Robusta, thấp hơn mức 31% được quan sát vào cùng kỳ năm ngoái và mức 33% của trung bình 5 năm gần nhất.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong hôm qua ngày 4/6, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng mạnh từ 3.000 – 4.000 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 122.000 – 123.500 đồng/kg. Như vậy, cà phê nội địa đang hướng về mức đỉnh lịch sử ghi nhận vào đầu quý II năm nay. Nếu tín hiệu nguồn cung tại Việt Nam và Brazil chưa sớm chuyển biến tích cực, giá cà phê nội địa hoàn toàn có khả năng thiết lập mức kỷ lục mới.

Q.L