Điểm tên những nhóm ngành có khả năng tăng trưởng lợi nhuận mạnh trong quý II/2024
Theo Agriseco, quý II/2024, cơ hội tìm kiếm các nhóm ngành tăng trưởng lợi nhuận cao dần khan hiếm, yếu tố nền kết quả kinh doanh thấp cùng kỳ cũng không còn là câu chuyện chính. Song, một số nhóm ngành như bán lẻ, thép, xuất khẩu, xây dựng, công nghệ, dầu khí vẫn có khả năng tăng trưởng.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết, trong quý I/2024, lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn đã tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó, lợi nhuận sau thuế khối phi tài chính tăng 29%, trong khi khối tài chính giảm 5%.
Đáng chú ý, trong quý I/2024, nhóm ngành thép ghi nhận tăng trưởng mạnh 451% so với quý I/2022; kế đến nhóm bán lẻ cũng tăng 367% và nhóm chứng khoán tăng 103%.
Tuy nhiên, bước sang quý II/2024, Agriseco cho rằng cơ hội tìm kiếm các nhóm ngành tăng trưởng lợi nhuận cao dần khan hiếm hơn, yếu tố nền kết quả kinh doanh thấp cùng kỳ sẽ không còn là câu chuyện chính.
Dù vậy, theo Agriseco đánh giá vẫn có một số nhóm ngành như bán lẻ, thép, xuất khẩu, xây dựng, công nghệ thông tin - viễn thông, dầu khí có thể tăng trưởng lợi nhuận tích cực nhờ hoạt động thương mại xuất nhập khẩu phục hồi, mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp giúp tiết giảm chi phí lãi vay và quy mô nguồn vốn, tài sản gia tăng.
Bán lẻ và xây dựng có dư địa tăng trưởng mạnh từ nền thấp của quý II/2023
Với nhóm bán lẻ, quý I/2024, lợi nhuận các doanh nghiệp bán lẻ phục hồi mạnh với mức tăng trưởng 367% so với cùng kỳ. Trong quý II, ngành bán lẻ vẫn có dư địa tăng trưởng mạnh trên mức nền thấp của quý II/2023 khi đây là giai đoạn các doanh nghiệp bán lẻ tạo đáy về lợi nhuận.
Agriseco kỳ vọng trong quý II, lợi nhuận toàn ngành tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ và tăng trưởng so với quý trước nhờ nền kinh tế có các tín hiệu khởi sắc, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2024 tăng khoảng 9% so với cùng kỳ.
Đồng thời, lượng khách du lịch cải thiện tích cực cũng góp phần kích thích nhu cầu tiêu dùng. Tổng lượng khách quốc tế 4 tháng đầu năm đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023 và thậm chí đã cao hơn 3,9% so với trước dịch COVID-19.
Quý II cũng là thời điểm bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm điện máy, điện lạnh sẽ gia tăng. Cùng với đó, các sự kiện thể thao quốc tế như Euro cũng góp phần thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm điện máy như tivi.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp, các chính sách kích cầu tiêu dùng như giảm thuế VAT sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để ngành bán lẻ phục hồi mạnh mẽ trong các quý tiếp theo.
Tương tự, Agriseco cho rằng, ngành xây dựng hạ tầng có thể tăng trưởng mạnh so với mức nền thấp năm 2023 nhờ kỳ vọng khối lượng thi công sẽ tăng cao trong quý II/2024 do năm 2024 là năm cao điểm giải ngân đầu tư công và tỷ lệ giải ngân tính đến tháng 4/2024 tích cực hơn so với cùng kỳ (lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, giải ngân đầu tư công đạt 142,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ).
Bên cạnh đó, các dự án xây lắp điện được kỳ vọng sẽ hoàn thành trong quý II như dự án đường dây 500 kV mạch 3 và các dự án truyền tải phục vụ nhập khẩu điện từ Lào như đường dây 500kV Monsoon- Thạch Mỹ, đường dây 200 kV Nậm Sum- Nông Cống.
Ngoài ra, theo Agriseco Research tổng hợp, các doanh nghiệp có khối lượng backlog chuyển tiếp năm 2024 cao hơn đáng kể so với doanh thu xây dựng năm 2023 (gấp khoảng 2-3 lần), từ đó tạo dư địa ghi nhận kết quả kinh doanh cho các doanh nghiệp giai đoạn tới.
Ngành thép và nhóm ngành xuất khẩu kỳ vọng tăng trưởng
Agriseco đánh giá kết quả kinh doanh quý II của ngành thép sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao so với nền thấp cùng kỳ trong bối cảnh sản lượng bán hàng quý II thép tiếp tục phục hồi, ước tính tăng 15% so với cùng kỳ và đạt gần 10,5 triệu tấn trên cơ sở tình hình bán hàng toàn ngành quý I tích cực và sản lượng tiêu thụ tháng 4 tăng trưởng mạnh.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, sản lượng tiêu thụ toàn ngành trong tháng 4 đạt 2,6 triệu tấn, tăng 31,5% so với cùng kỳ trong đó thép xây dựng tăng 62% đạt 1,19 triệu tấn, sản lượng bán tôn mạ đạt 538.500 tấn, tăng 52% nhờ nhu cầu từ xây dựng dân dụng và đẩy mạnh các công trình đầu tư công trọng điểm.
Kênh xuất khẩu tiếp tục khả quan. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thép 4 tháng đầu năm đạt hơn 3,2 tỷ USD với 4,34 triệu tấn, tăng 28% về giá trị và 33,7% về lượng so với năm trước.
Hơn nữa, biên lợi nhuận gộp được dự báo sẽ cải thiện so với cùng kỳ nhờ các doanh nghiệp duy trì chính sách hàng tồn kho thấp giúp giá thành diễn biến sát với giá nguyên vật liệu (cùng kỳ năm ngoái các doanh nghiệp phải chịu hàng tồn kho giá cao trong khi giá bán giảm khiến biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp).
Agriseco dự báo kênh xuất khẩu sẽ là động lực thúc đẩy sản lượng bán hàng trong thời gian tới nhờ các thị trường xuất khẩu như Mỹ, châu Âu đẩy mạnh xây dựng hạ tầng.
Theo Agriseco bối cảnh nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang có tín hiệu tốt dần lên cũng sẽ là động lực thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu tăng qua đó giúp kết quả kinh doanh của nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu tăng trưởng.
Trong đó, Agriseco cho rằng xuất khẩu gỗ sẽ tiềm năng trong quý II. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 5 tháng đầu năm tăng 23,5% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ở Việt Nam như Phú Tài đã có chứng chỉ FSC chứng minh nguồn gốc gỗ nên các sản phẩm từ gỗ xuất khẩu sang Mỹ không bị áp thuế chống bán phá giá và giúp tăng khả năng chiếm lĩnh được thị phần.
Với các doanh nghiệp dệt may, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 5 tháng đầu năm tăng gần 4% so với cùng kỳ. Đây chưa phải mức phục hồi mạnh so với một số ngành hàng khác nhưng các thị trường xuất khẩu cũng đã xuất hiện các tín hiệu tích cực hơn khi lượng đơn hàng của các doanh nghiệp đã được lấp đầy cho đến hết quý III.
Tương tự, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm 2024 cũng ghi nhận tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2023, ước đạt 725 triệu USD. Trong đó, điểm tích cực là các tháng gần đây mức tăng trưởng liên tục cải thiện. Hơn nữa, giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường lớn đã phục hồi từ 10 - 20% kể từ đầu năm qua đó giúp các doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận đáng kể trong quý II.
Bên cạnh đó, nhóm xuất khẩu cao su, chất dẻo được dự báo tăng trưởng kết quả kinh doanh trong quý II trong bối cảnh xuất khẩu cao su tăng 5% so với cùng kỳ, xuất khẩu chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo đều tăng khoảng 30%.
Trong năm 2023, sản lượng tiêu thụ cao su thiên nhiên trên thế giới tăng khoảng 9,1% trong khi sản lượng khai thác chỉ tăng 3,4% so với năm 2022. Điều này dẫn đến giá cao su liên tục tăng cao, với giá bình quân quý II cao hơn khoảng 15% so với cùng kỳ và cao hơn 20% so với mức đáy trong quý IV/2023. Agriseco cho rằng xu hướng tăng của giá cao su có thể còn tiếp diễn trong năm 2024 bởi sự thiếu hụt nguồn cung.
Lợi nhuận doanh nghiệp ngành công nghệ và dầu khí tiếp tục khả quan
Với ngành công nghệ thông tin (CNTT), Agriseco kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ duy trì đà tăng trưởng nhờ nhu cầu chi tiêu cho chuyển đổi số toàn cầu và trong nước dự báo tiếp tục tăng trên 15%. Xu hướng phát triển AI, Big Data, Cloud sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường.
Các doanh nghiệp CNTT kỳ vọng hưởng lợi trong khâu sản xuất, gia công, lắp ráp và thử nghiệm nếu Việt Nam thu hút các nhóm ngành công nghệ cao như chip, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo trong dài hạn.
Động lực tăng trưởng cho ngành CNTT trong quý II đến từ các yếu tố như: Xuất khẩu phần mềm duy trì tăng trưởng hai chữ số nhờ các thị trường nước ngoài gia tăng nhu cầu chuyển đổi số trong đó có thị trường Nhật Bản và APAC; ngành CNTT trong nước duy trì đà tăng trưởng cùng với xu hướng chuyển đổi số ở các doanh nghiệp ngày càng gia tăng.
Còn ngành viễn thông dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng về lợi nhuận nhờ đẩy mạnh phát triển 5G tạo động lực cho hoạt động viễn thông. Năm 2024 - 2025 được kỳ vọng là giai đoạn triển khai rộng khắp mạng 5G ở các tỉnh thành. Mục tiêu đến năm 2030 đạt tỷ lệ 100% dân số kết nối 5G.
Bên cạnh đó, Chính phủ đẩy mạnh phát triển và xây dựng trung tâm dữ liệu (Data center) tạo cơ sở hạ tầng cho hoạt động viễn thông phát triển. Theo Gartner, việc phát triển Data Center sẽ giúp thúc đẩy 15% doanh thu hàng năm cho mảng viễn thông.
Ngoài ra, một nhóm ngành nữa cũng được Agriseco đánh giá có khả năng tăng trưởng lợi nhuận trong quý II và cả năm 2024 là nhóm ngành dầu khí nhờ giá cho thuê giàn khoan tiếp tục duy trì ở mức cao khi nguồn cung toàn cầu đang hạn chế.
Hiện nay giá cho thuê giàn khoan bình quân đang ở mức 90.000 USD/ngày, cao hơn khoảng 20% so với cùng kỳ và tiếp tục được kỳ vọng sẽ tăng lên trong các quý còn lại của năm 2024.
Thứ nữa là các đại dự án dầu khí ở Việt Nam tiếp tục được thúc đẩy triển khai trong năm 2024 đem về khối lượng công việc rất lớn cho các doanh nghiệp thượng nguồn dầu khí.